Khơi thông dòng vốn huy động qua TTCK

Khơi thông dòng vốn huy động qua TTCK

(ĐTCK) “Với những gì diễn ra trong năm 2012, DN niêm yết không thể coi TTCK là kênh huy động vốn hiệu quả. Vấn đề nghiêm trọng này cần được tháo gỡ trong năm 2013”.

Ý kiến của ông Nguyễn Băng Tâm, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Các công ty niêm yết.

Trên TTCK năm 2012, huy động qua kênh phát hành cổ phiếu và cổ phần hóa chỉ đạt 18.000 tỷ đồng. Con số này đã phản ánh hết khó khăn của DN trong huy động vốn qua TTCK, thưa ông?

Con số này chưa phản ánh được tình trạng tắc nghẽn huy động vốn qua TTCK diễn ra nghiêm trọng trong năm qua, cũng như hiện tại. Trong số 18.000 tỷ đồng, nếu tách riêng lượng vốn huy động qua kênh phát hành cổ phiếu, thì còn thấp hơn rất nhiều. Tình trạng này khiến DN niêm yết đang đau đáu một câu hỏi, liệu TTCK có còn là kênh huy động vốn hiệu quả nữa hay không?

DN không thể huy động vốn qua TTCK, không chỉ tác động tiêu cực đến bản thân họ, mà còn đến cả nền kinh tế. Tình trạng này đang đi ngược lại mục tiêu tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, cũng như TTCK, đó là giảm gánh nặng tài trợ vốn cho DN đang đặt trên vai hệ thống ngân hàng, đồng thời đưa TTCK trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế và DN. Ở các nước, ngân hàng cho vay tiêu dùng tới 80%, còn lại cho DN vay. Ở Việt Nam thì ngược lại. Nếu DN vẫn quá phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng, thì những bất ổn vĩ mô như: nợ xấu, lạm phát… khó được khắc phục triệt để trong thời gian tới.

 

Khó huy động vốn như vậy, nhưng lại đang xảy ra một nghịch lý là sau khi huy động thành công, có DN sử dụng vốn để mua cổ phiếu quỹ. Theo ông, để xảy ra tình trạng này có phải do cơ chế kiểm tra, giám sát sử dụng vốn còn kẽ hở?

Chúng tôi phát hiện có một số DN huy động vốn thành công, thay vì đưa vào phát triển sản xuất - kinh doanh như phương án phát hành, lại dùng để mua cổ phiếu quỹ. Tình trạng này một lần nữa cho thấy, cơ chế kiểm tra, giám sát việc DN sử dụng vốn hậu phát hành còn kẽ hở đáng lo ngại, chưa đáp ứng được đòi hỏi của cổ đông và thị trường.

Một trong những lợi thế lớn nhất khi DN tham gia TTCK là có nhiều cơ hội huy động vốn để tài trợ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Nay lợi thế này vì nhiều lý do mà đang bị thu hẹp, nên tác động tiêu cực đến niềm tin của DN niêm yết vào thị trường.

 

Phải chăng, vì DN có cách nhìn tiêu cực như ông vừa nói, mà không ít DN bày tỏ ý định rời sàn, nếu trong năm 2013 họ vẫn gặp bế tắc trong huy động vốn? Diễn biến này liệu có nghiêm trọng?

Điều đó phản ánh một thực tế rất đáng lo ngại. Nếu tình trạng này không sớm được cải thiện trong năm 2013 sẽ gây nên những hệ lụy khó lường, không chỉ đối với các DN niêm yết, mà cả thị trường. Thực tế đang đòi hỏi Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cũng như các cơ quan hữu quan cần rốt ráo triển khai các biện pháp để tháo gỡ tình trạng tắc nghẽn huy động vốn qua TTCK kéo dài suốt thời gian qua.

 

Theo ông, cơ quan quản lý cần ưu tiên triển khai những giải pháp nào để gỡ tắc cho DN huy động vốn?

Dưới cái nhìn của DN niêm yết, một trong những mục tiêu quan trọng nhất mà TTCK phải đạt được trong năm 2013 là giúp DN khơi thông hoạt động huy động vốn. Muốn vậy, cơ quan quản lý cần thực hiện 3 giải pháp ưu tiên.

Trước hết, cần giải tỏa cần giải tỏa nút thắt lớn nhất là cho phép DN được phát hành cổ phiếu tăng vốn dưới mệnh giá. Do vướng mắc này phát sinh từ quy định của Luật Doanh nghiệp, nên đòi hỏi Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án sửa đổi các quy định liên quan.

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước cần chính thức đưa tín dụng chứng khoán ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất. Thực tế, vốn đưa vào TTCK là chảy tới DN. Như vậy, quá phi lý khi cho rằng, tín dụng cho chứng khoán thuộc lĩnh vực phi sản xuất. Sự phi lý này tồn tại suốt một thời gian dài.

Thứ ba, cần có giải pháp khơi thông kênh huy động vốn qua phát hành trái phiếu DN vốn đang ở thế “đóng băng” kéo dài suốt trong năm 2012 đến nay.