Khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp nhỏ

Khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp nhỏ

(ĐTCK) Với doanh nghiệp (DN), nhất là các DN nhỏ, DN khởi nghiệp, vốn tín dụng là rất quan trọng để có thể phát triển sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn này hiện rất khó khăn do quy định khắt khe về tài sản bảo đảm của ngân hàng.

Chia sẻ về hành trình vay vốn ngân hàng mới đây, ông Nguyễn Thanh Lâm, chủ Nhà vườn Vân Thủy (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chuyên về trồng bưởi Diễn và cây cảnh cho biết, là 1 trong 5 mô hình hộ sản xuất - kinh doanh giỏi của Quận, ông đã được quận Bắc Từ Liêm giới thiệu vay ưu đãi của ngân hàng chính sách - xã hội với hạn mức tối đa là 1 tỷ đồng cho phương án sản xuất - kinh doanh đã được Quận thẩm định với tính khả thi cao.

Song, dù đã đáp ứng đầy đủ điều kiện sau quá trình thẩm định, nhưng đến khâu duyệt vay vốn thì ngân hàng yêu cầu phải có tài sản bảo đảm.

“Đất thì tôi đã thế chấp hết cho các ngân hàng từ trước đó để có vốn đầu tư ban đầu, giờ muốn vay thêm để đầu tư mở rộng sản xuất thì điều kiện về tài sản bảo đảm của ngân hàng lại quá ngặt nghèo nên không thể tiếp cận", ông Lâm nói và cho biết thêm.

Dù đã có bảo lãnh tín chấp bằng xác nhận của phường, thành đoàn và quận đoàn tại nơi cư trú và kinh doanh, nhưng vẫn không thể tạo niềm tin cho ngân hàng để được vay vốn, dù chỉ là một nửa nhu cầu.

Theo ông Lâm, điều éo le là giá trị của vườn cây và các cơ sở vật chất đi kèm như nhà kính, các thiết bị, máy móc hỗ trợ vận hành... tính ra cũng lên tới hàng tỷ đồng, nhưng không thể dùng làm tài sản bảo đảm vì ngân hàng không chấp nhận.

“Hiện nay, những quy định về tài sản bảo đảm rất cứng nhắc, gây khó cho cả DN có uy tín, kinh doanh lâu năm, chứ chưa nói tới DN khởi nghiệp vốn đã hết sức khó khăn”, ông Lâm nhận xét.

Cũng từng rơi vào tình cảnh bế tắc tương tự, ông Nguyễn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Hùng Hải cho biết, Công ty đã nhiều lần bị lỡ dở kế hoạch thực hiện đơn hàng xuất khẩu do không tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng.

Ông Hùng chia sẻ, tuy đã là khách hàng quen biết của một số ngân hàng và luôn cố gắng đảm bảo giữ chữ tín, nhưng mỗi lần đi vay đều gặp khó khăn bởi thiếu tài sản thế chấp.

Hầu hết ngân hàng đều yêu cầu tài sản thế chấp là bất động sản (đất, trụ sở, nhà xưởng...), chứ hiếm khi chấp nhận những tài sản hiện hữu của doanh nghiệp như nguyên liệu, hàng hóa trong kho...

“Đồng ý rằng khi cho vay cần tính đến các rủi ro, nhưng với khách hàng thường xuyên và trả nợ đúng hạn, ngân hàng nên linh hoạt điều kiện về tài sản vảo đảm để tạo điều kiện cho DN được vay vốn”, ông Hùng giãi bày.

Để tháo gỡ nút thắt về vốn, nhiều DN đề xuất, ngân hàng nên ưu tiên những phương án kinh doanh khả thi, hay mô hình khởi nghiệp tiêu biểu, có tiềm năng đã được cơ quan đủ thẩm quyền xác nhận để cho vay, hoặc linh hoạt trong việc DN dùng sản phẩm, máy móc, thiết bị sản xuất... làm tài sản đảm bảo để có thể tiếp cận được vốn tín dụng.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, tạo dựng “lòng tin” với ngân hàng là yêu cầu tiên quyết nếu muốn vay vốn tín dụng.

Để giải quyết khó khăn này, ông Dương cho biết, tỉnh Hưng Yên đã tổ chức ký kết văn bản thỏa thuận hỗ trợ vốn giữa ngân hàng với hiệp hội DN các huyện, làng nghề, đồng thời đề cử giám đốc chi nhánh ngân hàng cho vay trực tiếp tham gia điều hành các tổ chức này để nắm bắt thực tế hoạt động của DN, từ đó tạo sự tin tưởng, yên tâm cho vay vốn.

Bên cạnh đó, các hiệp hội và địa phương cùng vận động các DN trong cùng ngành hoặc cùng khu vực mua cổ phần, trái phiếu hỗ trợ các DN khó khăn về vốn.

“Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đầu tư vào DN nhỏ, DN khởi nghiệp là rất cần thiết, nhưng cũng nhiều rủi ro. Do đó, Chính phủ và địa phương cần có giải pháp thiết thực hỗ trợ DN trong việc bảo đảm vay vốn ngân hàng, đồng thời xây dựng các quỹ đầu tư rủi ro để hỗ trợ những ngành, dự án cần khuyến khích phát triển...” ông Dương đề xuất.

Cần phát triển các sản phẩm cho vay không có tài sản bảo đảm phù hợp với quy mô DN

Để hỗ trợ giải quyết vấn đề tài sản bảo đảm cho DN nhỏ vay vốn, cần mở rộng danh mục tài sản có thể làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại tổ chức tín dụng, đồng thời phát triển các sản phẩm cho vay không có tài sản bảo đảm phù hợp với quy mô DN.

Mặt khác, cần thay đổi quan điểm đánh giá của tổ chức tín dụng về mức độ rủi ro của DN theo hướng giảm tỷ trọng yếu tố quy mô DN, gia tăng tỷ trọng các yếu tố khác như năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động... trong đánh giá rủi ro, thẩm định tín dụng nhằm đánh giá chính xác khả năng trả nợ của DN.

Về phía DN, cần tăng cường minh bạch hóa thông tin, năng lực quản trị để tổ chức tín dụng có thể đưa vào ứng dụng mô hình chấm điểm tín dụng khách hàng, từ đó mở rộng khả năng tiếp cận vốn từ tổ chức tín dụng.    

TS. Nguyễn Thị Hiền - Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước)

Tin bài liên quan