Trong khi đó, để khơi thông “dòng chảy” của sản phẩm này, các công ty bảo hiểm cũng đang triển khai nhiều phương án và các dự án hợp tác mới.
Trao đổi với ĐTCK, bà Võ Thị Phương Anh, Tổng giám đốc Coface Việt Nam cho biết, năm 2009 - 2010 (thời điểm mới triển khai thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu - một sản phẩm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm tín dụng thương mại), số lượng doanh nghiệp mua bảo hiểm này chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Thậm chí, việc tiếp cận để tìm hiểu doanh nghiệp có quan tâm đến bảo hiểm tín dụng xuất khẩu không cũng khá khó khăn, vì khái niệm về bảo hiểm này đối với doanh nghiệp còn khá mơ hồ, thậm chí có đơn vị còn nghĩ thị trường Việt Nam khó có thể cung cấp được bảo hiểm tín dụng. Tuy nhiên, hiện nay đã có sự thay đổi đáng kể.
Theo các chuyên gia trong ngành bảo hiểm, một trong những lý do quan trọng buộc các nhà xuất nhập khẩu phải thay đổi tư duy và có suy nghĩ tích cực hơn với bảo hiểm tín dụng thương mại là trải qua nhiều năm khủng hoảng, đến nay, các nhà nhập khẩu đang có xu hướng mua hàng theo phương thức thanh toán T/T trả sau nhiều hơn phương thức thanh toán L/C truyền thống.
Việc thanh toán như vậy tiềm tàng nhiều những rủi ro và thủ tục cũng gặp nhiều rắc rối. Nhưng các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu vì yếu tố cạnh tranh và để đảm bảo đầu ra nên phải chấp nhận điều kiện thanh toán T/T trả sau này.
Làm thế nào để đảm bảo sự an toàn trong thanh toán tiền hàng xuất khẩu luôn là một vấn đề nhức đầu của nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Mua bảo hiểm để phòng tránh rủi ro là một trong những phương án nhiều doanh nghiệp đang tính tới.
Ngoài yếu tố các doanh nghiệp đã thay đổi tư duy về bảo hiểm tín dụng thì cũng có một thuận lợi nữa giúp các công ty bảo hiểm dễ dàng khơi thông phân khúc này là hiện nay các ngân hàng có mong muốn tạo điều kiện thuận lợi nhằm đa dạng hóa lĩnh vực hoạt động và cung cấp sản phẩm tài chính phong phú, hiện đại và sử tối đa nguồn vốn để tái đầu tư.
“Thực tế, đối với các tập đoàn tài chính, khái niệm hai trụ cột kết hợp ngân hàng, bảo hiểm luôn nằm trong kế hoạch của họ. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính liên tiếp đã khiến nhiều Tập đoàn phải lùi lại kế hoạch đặt ra và đến bây giờ mới có thể khởi động trở lại”, bà Phương Anh nhìn nhận.
Tại thị trường Việt Nam, thỏa thuận hợp tác giữa ba đối tác Bảo Minh, Coface và Eximbank để phát triển sản phẩm bảo hiểm tín dụng thương mại kết hợp tài trợ thương mại có thể sẽ trở thành một xu thế mới để các công ty bảo hiểm khai thông dòng chảy bảo hiểm tín dụng thương mại.
Được thiết kế để bảo vệ cho người xuất khẩu trong trường hợp người nhập khẩu mất khả năng thanh toán; hay thanh toán chậm trễ hoặc do rủi ro chính trị khiến người nhập khẩu không thể thực hiện việc thanh toán, chính vì vậy, khi tham gia “Bảo hiểm tín dụng thương mại” thì người xuất khẩu sẽ có được hai lợi ích chính, đó là giảm thiểu rủi ro và tăng tính cạnh tranh trên thương trường.
Nói về tiềm năng của nghiệp vụ này, ông Lê Văn Thành, Tổng giám đốc Bảo Minh cho rằng, cơ hội còn rất nhiều cho các doanh nghiệp bảo hiểm. Năm 2014, doanh thu bảo hiểm tín dụng xuất khẩu - một sản phẩm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm tín dụng thương mại đạt khoảng 17 tỷ đồng. Đây là con số khá ấn tượng, tuy nhiên, so với tiềm năng của thị trường thì doanh thu này còn rất nhỏ bé.
“Thực tế, doanh thu này chỉ của những doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu có giá trị lớn và những hợp đồng này cũng chủ yếu của doanh nghiệp xuất nhập khẩu có góp vốn của cổ đông nước ngoài, nên họ rất hiểu bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. Còn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa quan tâm nhiều”, ông Thành nói và hy vọng, trong 2015 và những năm tới, doanh thu mảng nghiệp vụ này sẽ tăng trưởng hơn, đặc biệt khi có sự vào cuộc của ngân hàng.
Được biết, dù còn rất nhiều khó khăn khi triển khai nghiệp vụ bảo hiểm này, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn đánh giá đây là một loại hình bảo hiểm rất tiềm năng, nên vẫn quyết tâm khai thác, dù xác định thời gian để các doanh nghiệp xuất khẩu hiểu hơn về ý nghĩa của sản phẩm không phải là “ngày một ngày hai”. Chính vì vậy, bản thân các công ty bảo hiểm Việt Nam cũng đang rất tích cực đưa ra chiến lược khác nhau để phát triển và khơi thông phân khúc này.