Thị trường gần đây đón nhận nhiều thông tin không mấy tích cực liên quan đến việc 14 tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân đầu tư công bằng 0; hay đất nền dự án các tỉnh kế cận TP.HCM hầu như không bán được hàng; xuất khẩu thủy sản giảm 27% trong quý I; ứ vốn tại ngân hàng do doanh nghiệp không dám vay sản xuất - kinh doanh với lãi suất cao...
Quý I/2023, tròn một năm mở cửa sau dịch Covid-19, số doanh nghiệp lập mới và quay lại thị trường đạt 57.000 đơn vị, lần đầu thấp hơn số rút lui là 60.200. Điều này cho thấy bức tranh kinh doanh thách thức nhiều hơn thuận lợi.
Theo Tổng cục Thống kê, vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp thành lập mới là 9,2 tỷ đồng, giảm gần 33% so với cùng kỳ, mức thấp nhất so với các quý I trong 7 năm qua. Tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế cũng ghi nhận mức thấp nhất từ năm 2019 (thời điểm chưa xuất hiện Covid-19), đạt 756.700 tỷ đồng, giảm gần 36%.
Các doanh nghiệp đang phải đối mặt với giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng cao, chuỗi cung ứng vẫn có nguy cơ gián đoạn, đứt gãy và đơn hàng mới khan hiếm. Cùng với đó, việc tiếp cận vốn vẫn khó khăn, lãi suất ngân hàng điều chỉnh khiến chi phí doanh nghiệp tăng 5-10%.
Với riêng bất động sản, một nghiên cứu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam về việc bất động sản có ảnh hưởng tới 40 ngành nghề, đóng góp 11% GDP cho thấy mức độ quan trọng của lĩnh vực này với nền kinh tế. Sự đình trệ, giãn hoãn kéo dài gần 2 quý nay bắt đầu lộ diện những vùng xám, vùng tối mà doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động là những đối tượng chịu tác động tiêu cực nhãn tiền. Thời gian “lâm bệnh” đã dài, nếu không có giải pháp mạnh tay và dứt khoát, quyết liệt, sẽ rất khó để doanh nghiệp gượng dậy.
Chủ tịch nhiều doanh nghiệp niêm yết đều gửi đi một thông điệp đồng nhất qua nhiều đại hội cổ đông rằng, hiện nay là thời kỳ thắt đai an toàn, đầu tư gì đều phải xem xét kỹ. Dù vậy, họ cũng không giấu kỳ vọng về việc những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp nếu liên quan đến các yếu tố trong nước như cơ chế, chính sách… sẽ sớm được tháo gỡ để doanh nghiệp “trụ lại và sống sót”.
Những nhà đầu tư là cổ đông, trái chủ của 4/7 dự án bất động sản trong danh mục đã được TP.HCM đưa ra hướng tháo gỡ ách tắc còn chia sẻ nhau thông tin rằng, Thành phố sẽ có quyết định trước 30/4. Chỉ có gỡ tắc pháp lý, dòng tiền mới được khơi thông, doanh nghiệp bán được hàng, ngân hàng giải ngân cho vay, công nhân mới lại đến công trường, dự án không bị đình hoãn… Bao nhiêu số phận, bao nhiêu gia đình trông chờ vào hành động của cơ quan quản lý.
Những chính sách và một số động thái gần đây của cơ quan quản lý trong lĩnh vực bất động sản, tiền tệ ngân hàng... đang nhen nhóm lên niềm hy vọng thị trường được túc tắc giải cứu. Đây cũng là chủ đề của cuộc hội thảo do Báo Đầu tư tổ chức tuần này nhằm phân tích, mổ xẻ và đưa nhiều kiến nghị hỗ trợ thị trường, đồng thời đây cũng là chủ đề Tiêu điểm của ấn phẩm Đầu tư Chứng khoán mà bạn đọc đang cầm trên tay.