Đó là GDP đạt mức tăng trưởng 6,81%, cao nhất kể từ khi thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011- 2020. Đó là cả 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt, cùng rất nhiều kỷ lục được lập như thu hút 36 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, gần 127.000 doanh nghiệp thành lập mới, hay gần 425 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu…
Hơn thế, với những thành công trong tổ chức Năm APEC 2017, vị thế Việt Nam thêm một lần nữa được khẳng định trên trường quốc tế. Việt Nam đã đứng vào nhóm 50 nền kinh tế trên thế giới.
Thành tựu ấy, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương vào những ngày cuối năm 2017, là đã mang lại một không khí phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của sự nghiệp Đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên khắp cả nước.
Đây là nền tảng quan trọng để cả nước bước vào năm 2018 - năm bản lề của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 – 2020), với tâm thế mới: tự tin, chiến thắng.
Nhưng chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, không được ngủ quên trên men say chiến thắng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thì nhấn mạnh, mức 2.385 USD thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chưa “có gì là phấn khởi”.
Thách thức, khó khăn ở phía trước còn nhiều khi kinh tế thế giới và khu vực diễn biến khó lường, xu hướng bảo hộ và chống tự do hóa thương mại xuất hiện trở lại. Chưa kể, nền kinh tế trong nước còn những hạn chế tích tụ từ lâu, không dễ khắc phục.
Năng suất lao động Việt Nam chưa cao, chỉ đạt 93,2 triệu đồng/lao động trong năm 2017, thậm chí thua cả Lào. Tình trạng làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, dự án. Nguy cơ tụt hậu, thách thức bẫy thu nhập trung bình còn hiển hiện…
Trong bối cảnh ấy, khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang biến đổi toàn cầu, thì chỉ một tư duy phát triển mới cũng có thể tác động trực tiếp, góp phần đưa nền kinh tế hoàn thành tốt các mục tiêu để ra trong năm 2018.
Trước mắt, đó là phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 6,7%; sau đó là tăng tốc, tiến lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu thịnh vượng, công bằng và dân chủ vào năm 2035.
Bởi thế, Chính phủ đã xác định rõ phương châm hành động trong năm 2018 là “Kỷ cương - Liêm chính - Hành động - Sáng tạo - Hiệu quả”.
Chính phủ cũng nhấn mạnh hàng loạt giải pháp điều hành quan trọng trong năm 2018, từ tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đến tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ 3 đột phá chiến lược, tạo chuyển biến rõ nét và thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng…
Giải pháp có thể không mới, nhưng tư duy phát triển mới đã được khởi tạo khi Việt Nam đã quan tâm nhiều hơn tới tăng năng suất, tới phát triển dựa vào đổi mới và sáng tạo.
Đã cương quyết thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cũng như chấp nhận thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc thị trường, công khai và minh bạch. Đã chấp nhận nguyên tắc thị trường trong phân bổ nguồn lực…
Tư duy phát triển mới ấy bắt đầu khởi tạo từ cuối năm trước, khi Quốc hội chính thức thông qua Luật Quy hoạch - “phát đại bác” bắn vào thành lũy cuối cùng của cơ chế kế hoạch hóa tập trung, khi Quốc hội đã bấm nút chấp nhận cơ chế đặc thù cho TP.HCM.
Và Quốc hội đang xem xét để có thể thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt - nền tảng pháp lý quan trọng cho việc hình thành các đặc khu Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong… tại kỳ họp vào giữa năm nay.
Có được những tư duy phát triển mới ấy, trên tinh thần tất cả vì lợi ích quốc gia, bỏ qua lợi ích nhóm và tư duy thành tích xưa cũ, nền kinh tế sẽ có thêm động lực quan trọng để tăng tốc và phát triển trong tương lai.