Tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 1990 - 2015 của Việt Nam đạt 6,6%, GDP bình quân đầu người đã tăng từ 100 USD theo giá hiện hành (khoảng 970 USD tính theo sức mua tương đương - PPP) năm 1990 lên đến 2.109 USD (tương đương 6.035 USD tính theo PPP) năm 2015.
Thị trường tài chính làm tương đối tốt việc huy động tiết kiệm, nhưng vẫn còn nhiều yếu kém trong việc phân bổ vốn tín dụng tới các ngành nghề, khu vực, doanh nghiệp sử dụng có hiệu quả nhất.
Quy mô nền kinh tế tăng từ 6,5 tỷ USD năm 1990 lên 193,4 tỷ USD vào năm 2015 (tương đương 552,3 tỷ USD tính theo PPP, xếp thứ 32 của thế giới). Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh, thu nhập của 40% dân số nghèo nhất đã tăng 9%/năm. Tuổi thọ của người dân đã tăng từ 65 tuổi lên gần 74 tuổi trong vòng hai thập kỷ qua. Nước ta đã tham gia nhóm nước có thu nhập trung bình thấp vào năm 2009.
Tuy nhiên, so với không ít nước trong khu vực, nước ta vẫn còn nhiều thách thức để theo kịp họ. Theo WB, năm 2015, Trung Quốc có thu nhập bình quân đầu người tính theo sức mua đương đương là 14.450 USD, Indonesia: 11.058 USD, Thái Lan: 16.340 USD, Malaysia: 26.950 USD… trong khi nước ta chỉ bằng hơn 1/2 của Indonesia, hơn 1/3 của Thái Lan và gần 1/4 của Malaysia.
Khát vọng của nước ta, theo Báo cáo Việt Nam 2035, phải trở thành một nền kinh tế thu nhập trung bình cao, nghĩa là đến năm 2035 đạt được mức thu nhập bình quân đầu người từ 18.000 - 22.000 USD tính theo sức mua tương đương, với mức tăng trưởng bình quân đầu người là 6 - 7%/năm.
Ông Cao Viết Sinh, Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Để đạt được mục tiêu trên, cần thực hiện hàng loạt chuyển đổi cần thiết, nâng cao khả năng quản trị nhà nước, đổi mới thể chế kinh tế thị trường, tự do hóa thị trường các nhân tố sản xuất, trong đó vấn đề phát triển thị trường tài chính, huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả đóng vai trò quan trọng.
Mặc dù thị trường tài chính đã mở rộng nhanh chóng, góp phần đưa nước ta từ một nước thu nhập thấp lên một nước thu nhập trung bình, nhưng còn nhiều việc phải làm để đóng góp nhiều hơn trong nền kinh tế có thu nhập ngày càng cao, trong đó phải thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển nhiều hơn.
Thị trường tài chính làm tương đối tốt việc huy động tiết kiệm, nhưng vẫn còn nhiều yếu kém trong việc phân bổ vốn tín dụng tới các ngành nghề, khu vực, doanh nghiệp sử dụng có hiệu quả nhất. Lượng lớn tín dụng của các ngân hàng thương mại nhà nước được trao cho doanh nghiệp nhà nước sử dụng không hiệu quả hoặc một số doanh nghiệp tư nhân có quan hệ thân hữu…
Trong bối cảnh kinh tế thế giới dự báo có nhiều thay đổi nhanh chóng, rủi ro và khó lường, chúng ta phải tạo dựng một nền tài chính bền vững, hiệu quả phục vụ tốt cho nền kinh tế có thu nhập cao trong tương lai.
Cụ thể, cần nâng cao khả năng ứng phó đối với các cuộc khủng hoảng tài chính tiềm ẩn, thông qua cải thiện số liệu về các hệ thống tài chính một cách tốt hơn, minh bạch hơn và được giám sát chặt chẽ với các tiêu chí phù hợp thông lệ quốc tế.
Đồng thời, phát triển khu vực ngân hàng hiện đại, bền vững, ưu tiên trước mắt là giải quyết nợ xấu lớn tồn đọng tại các ngân hàng, song song với yêu cầu tăng vốn của các ngân hàng một cách vững chắc, bảo đảm an toàn hệ thống và nâng cao khả năng quản trị ngân hàng.
Bên cạnh đó, cải cách khu vực ngân hàng để cải thiện hiệu suất nguồn vốn với chi phí vốn thấp nhất thông qua thực thi tốt hơn các quy định theo thông lệ quốc tế và giám sát rủi ro của các ngân hàng (đặc biệt là các ngân hàng thương mại nhà nước), tăng cường giám sát thận trọng ở cấp vĩ mô và cảnh báo các tác động từ bên ngoài.
Ngoài ra, từng bước chuyển đổi sang các quy định và kế toán quốc tế, hướng tới áp dụng Basel III (yêu cầu cao hơn về vốn, kể cả vốn cho rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động). Giám sát hoạt động cho vay một cách minh bạch hơn nhằm nâng cao chất lượng tín dụng và giảm thiểu cho vay theo quan hệ thân hữu.
Kinh nghiệm các nước cho thấy, vai trò của tư nhân trong lĩnh vực ngân hàng là rất quan trọng trong phát triển kinh tế. Việc tiếp tục chuyển dịch từ sở hữu nhà nước sang sở hữu tư nhân trong khu vực ngân hàng là xu hướng của nước đang phát triển có thu nhập cao. Các ngân hàng nước ngoài cũng có vai trò quan trọng và sự hiện diện của ngân hàng nước ngoài góp phần làm tăng tính minh bạch và sự tin cậy của các nhà đầu tư tư nhân.
Đẩy mạnh cổ phần hóa các ngân hàng thương mại nhà nước và cho phép từng bước tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong tổng số vốn của một ngân hàng thương mại nhà nước trong nước là hướng nâng cao trình độ quản trị và thu hút thêm nguồn vốn cho nền kinh tế.
Thị trường vốn với chi phí thấp có vai trò quan trọng trong mọi cuộc cải cách và hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế. Thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu cần có những thay đổi về các khuôn khổ pháp lý và kế toán cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Cần xây dựng mô hình có khả năng dự báo việc vay nợ với các tiêu chí và lãi suất phù hợp có khả năng cạnh tranh, chi phí vốn thấp, kích thích tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho phép các doanh nghiệp phát hành các loại trái phiếu doanh nghiệp xây dựng kết cấu hạ tầng với những điều kiện rõ ràng. Thị trường vốn trung hạn phải thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài hơn trên thị trường cổ phiếu để hỗ trợ đầu tư và phát triển kinh tế.
Với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra, tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều, cần có những thay đổi lớn trong các quy định về tài chính và sử dụng điện thoại để thiết lập một dịch vụ điện thoại di động, giúp cải thiện hoạt động chuyển tiền và tiền gửi tiết kiệm với chi phí thấp như các nước phát triển đang làm, nhằm thu hút sự tham gia của người dân trên diện rộng.