“Những rủi ro của thị trường bảo hiểm nói chung, hay khối phi nhân thọ nói riêng tại Việt Nam hiện nay, ngoài yếu tố nội tại như trình độ quản trị, còn phải kể đến các yếu tố bên ngoài như: kinh tế khó khăn khiến sức cầu ngành bảo hiểm suy giảm, đặc biệt khối bảo hiểm phi nhân thọ đã giảm các nghiệp vụ bảo hiểm tàu thuyền/cháy nổ, kỹ thuật, hàng hóa…
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh như giảm phí bảo hiểm phi kỹ thuật, tăng chi phí bán hàng…, dẫn đến nhiều doanh nghiệp lỗ từ hoạt động lõi là kinh doanh bảo hiểm, lợi nhuận có được vẫn chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư”, ông Đinh Việt Đông, Chủ tịch HĐQT ABIC phát biểu tại kỳ họp đại hội đồng cổ đông mới đây.
Theo đánh giá của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), năm 2016 vẫn tồn tại hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
Tỷ lệ chi phí kết hợp là tổng các loại chi phí tính trên doanh thu phí bảo hiểm gốc. Nếu tỷ lệ này đạt trên 100%, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp lỗ từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
“Ngoài nâng chi phí hoạt động kinh doanh, tình trạng giảm phí bảo hiểm, mở rộng điều khoản bảo hiểm là khá phổ biến. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, cũng như khả năng thanh toán của doanh nghiệp”, đại diện Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cho hay.
Liên quan đến chi phí, một trong những chỉ tiêu quan trọng thể hiện tính hiệu quả trong hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là tỷ lệ chi phí kết hợp (combined ratio), được đo lường dựa trên chi phí và tỷ lệ bồi thường.
Tỷ lệ này được tính như sau: tổng các loại chi phí (bao gồm chi phí bồi thường, chi phí bán hàng, lương, chi phí doanh nghiệp, chi phí khác) tính trên doanh thu phí bảo hiểm gốc.
Nếu tỷ lệ chi phí kết hợp đạt trên 100%, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, hay nói cách khác là lỗ từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về chi phí kết hợp của BIC, ông Trần Hoài An, Tổng giám đốc BIC cho biết, những năm gần đây, BIC đã đưa ra các giải pháp quản lý, kiểm soát hoạt động bồi thường, cố gắng tiết giảm chi phí hoạt động, quản lý kinh doanh để giảm tỷ lệ chi phí kết hợp.
“Năm 2016, BIC đã tiết giảm tối đa các khoản đầu tư phương tiện, trụ sở, cũng như các khoản chi phí lớn…, nhưng do ảnh hưởng của thiên tai (các cơn bão số 1, số 2 gây tổn thất lớn tại khu vực Đồng bằng Bắc bộ), kết hợp tổn thất của một số vụ cháy lớn, khiến số tiền bồi thường của BIC năm qua ở mức cao, dẫn đến tỷ lệ chi phí kết hợp vượt 100%...”, ông An chia sẻ.
Trong năm nay, ông An cho biết, Công ty mẹ BIC tiếp tục lên kế hoạch tỷ lệ chi phí kết hợp là 101%, nhưng với các công ty thành viên thì BIC giao chỉ tiêu dưới 97%, nhằm hướng tới mục tiêu có lãi từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Trên thực tế, không chỉ BIC, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khác cũng đã tăng cường thắt chặt chi phí từ năm 2016, chấp nhận “hy sinh” doanh thu, nhất là với mảng cạnh tranh gay gắt như bảo hiểm xe cơ giới. Đây là mảng thường mang lại doanh thu cao và chiếm thị phần lớn trong cơ cấu doanh thu, nên hầu như doanh nghiệp phi nhân thọ nào cũng bán.
Về nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, mảng chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu doanh thu của PJICO (đạt 44,16%, tương ứng 1.097 tỷ đồng), ông Đào Nam Hải, Tổng giám đốc PJICO cho hay, quyết tâm không thực hiện các hoạt động cạnh tranh kém lành mạnh (trong khi chi phí khai thác của thị trường ở mức cao), cộng với lượng xe máy tiêu thụ trên thị trường giảm…, là các nguyên nhân dẫn đến doanh thu nghiệp vụ bảo hiểm xe máy năm 2016 của Công ty chỉ đạt 85 tỷ đồng, giảm 24% so với con số của năm 2015.
Mặc dù vậy, theo Tổng giám đốc PJICO, trong năm nay, Công ty sẽ tiếp tục cạnh tranh với các đối thủ bằng việc cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ và các giá trị gia tăng khác cho khách hàng, chứ không cạnh tranh bằng chi phí, đồng thời tăng cường quản trị rủi ro hướng tới mục tiêu an toàn hoạt động.
“Riêng về mảng xe, doanh thu từ bảo hiểm xe máy năm 2017 phấn đấu đạt 105 tỷ đồng, thậm chí chấp nhận không tăng trưởng so với thực hiện của năm 2016, doanh thu từ bảo hiểm ô tô phấn đấu đạt 1.067 tỷ đồng…”, ông Hải nói.
Về phía cơ quan quản lý, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm khuyến nghị, các doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin với nhau, đặc biệt là về hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh đang tồn tại như hiện nay, để thị trường bảo hiểm nói chung và phi nhân thọ nói riêng hoạt động ngày một chuyên nghiệp hơn…