Nhiều doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch nửa đầu năm
Số liệu cập nhật từ các doanh nghiệp bảo hiểm cho thấy, đa phần đã hoàn thành nửa chặng đường năm 2018. Chẳng hạn, kết thúc 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu bảo hiểm gốc của Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) ước đạt 1.319 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2017 và hoàn thành trên 50% kế hoạch năm.
Tại Tổng CTCP Bảo hiểm hàng không (VNI), tổng doanh thu nửa đầu năm đạt hơn 488,79 tỷ đồng, hoàn thành 52% kế hoạch cả năm. Với Tổng CTCP Bảo hiểm BIDV (BIC), tổng doanh thu phí 2 quý đầu năm đạt 987 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017 và hoàn thành gần 50% kế hoạch năm.
Con số cập nhật của Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) tính đến giữa tháng 7/2018 cho thấy, hãng bảo hiểm này đạt doanh thu 2.100 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2017. Đại diện PTI cho biết, nếu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng này, PTI sẽ đạt 4.000 tỷ đồng doanh thu vào cuối năm 2018.
Tính chung toàn khối, theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu phí bảo hiểm gốc ước đạt 21.779 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị bồi thường ước tính 8.771 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 40%, trong đó bồi thường bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm tài sản và thiệt hại có tỷ lệ bồi thường khá cao, vào khoảng 50%.
Về nghiệp vụ, trong nửa đầu năm, chiếm thị phần cao nhất vẫn là bảo hiểm xe cơ giới, với doanh thu 7.088 tỷ đồng, tăng trưởng 7%, chiếm tỷ trọng 32,5% tổng doanh thu. Tiếp đến là bảo hiểm sức khỏe với doanh thu 6.523 tỷ đồng, tăng trưởng 24%, chiếm tỷ trọng 30%. Bảo hiểm tài sản và thiệt hại đạt doanh thu 2.877 tỷ đồng, giảm 5%, chiếm tỷ trọng 13,2%.
Bảo hiểm cháy nổ đạt doanh thu 1.786 tỷ đồng, tăng trưởng 7%, chiếm tỷ trọng 8,2%. Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đạt doanh thu 1.147 tỷ đồng, giảm 1%, chiếm tỷ trọng 5,3%. Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu đạt doanh thu 1.020 tỷ đồng, tăng trưởng 3%, chiếm tỷ trọng 4,7%.
Về kênh phân phối, cùng với kênh truyền thống là qua đại lý, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã tập trung liên kết với các ngân hàng để mở rộng hoạt động bán hàng và đây là kênh khá hiệu quả đối với nhiều hãng bảo hiểm trong thời gian qua. Bên cạnh đó, kênh trực tuyến cũng được đẩy mạnh trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như hiện nay.
Số hóa dữ liệu, đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hiểm, IAV đang xây dựng phương án chuyển đổi giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc tai nạn dân sự của chủ xe cơ giới bằng giấy truyền thống sang giấy chứng nhận điện tử. Hiện tại, IAV đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Y tế nghiên cứu cơ chế phối hợp trong việc chia sẻ cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm thương mại; xây dựng quy tắc điều khoản mẫu về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp bác sỹ…
Bên cạnh đó, để thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh và bền vững, tại diễn đàn CEO các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ mới đây, lãnh đạo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ tài chính) đã yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường quản trị và thẩm định rủi ro nhằm hạn chế tổn thất và bồi thường bởi hiện tại, vẫn có doanh nghiệp bảo hiểm lỗ nghiệp vụ, đặc biệt là các nghiệp vụ bảo hiểm hàng hải, bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu… Với nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe, tuy có tăng trưởng nhưng hiệu quả chưa cao.
“Các quy tắc, điều kiện, điều khoản biểu phí của một số nghiệp vụ như bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm cháy nổ… được xây dựng dựa trên các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp bảo hiểm, nhưng vẫn còn tình trạng không tuân thủ, dẫn đến lỗ nghiệp vụ.
Thời gian tới, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm sẽ tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra và giám sát để đảm bảo tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm không phá vỡ thể chế, gây ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường”, đại diện Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cho biết.