Ðà tăng trưởng dẫn đầu thế giới của khu vực châu Á trong những năm qua có động lực lớn từ các khoản vay nợ để đầu tư cho sân bay, cơ sở hạ tầng, khu đô thị…, phục vụ hàng triệu người chuyển vào sinh sống tại các thành phố.
Mô hình này tạo nên những rủi ro khó có thể lường trước về chi phí lãi vay, nhất là khi nền kinh tế toàn cầu đang đối diện với thử thách lớn từ dịch bệnh.
Các nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu tại khu vực châu Á đang muốn nhanh chóng thoát hàng, sau khi ồ ạt rót vốn vào khu vực này, giúp phát hành trái phiếu lãi suất cao (junk bond) bằng USD của châu Á tăng tới 140% trong năm 2019.
Junk bond là các loại trái phiếu có mức độ uy tín thấp hơn các tiêu chuẩn thông thường, tiềm ẩn nguy cơ không được thanh toán và thường được chào bán với lãi suất cao.
Thêm vào đó, không giống trái phiếu ngân hàng hay trái phiếu chính phủ, junk bond không được đảm bảo chắc chắn, nguy cơ vỡ nợ có thể xảy ra bất cứ khi nào tình hình tài chính của doanh nghiệp gặp khó khăn.
Báo cáo mới nhất của Goldman Sachs Group Inc đánh giá, phát hành trái phiếu lãi cao tại châu Á đã tăng lên mức kỷ lục, ít nhất kể từ khi dữ liệu được thu thập năm 2010 tới nay và nguy cơ vỡ nợ sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Ðáng chú ý, châu Á rơi vào tình cảnh ngặt nghèo hơn bởi đồng nội tệ của các nền kinh tế trong khu vực đang giảm giá mạnh so với USD, khiến các doanh nghiệp vay nợ bằng đồng bạc xanh gặp nhiều khó khăn.
Sự mất giá của đồng tiền phụ thuộc lớn vào triển vọng tăng trưởng kinh tế, cũng như nỗ lực điều hành của chính phủ để ngăn kinh tế rơi vào suy thoái.
Tuy nhiên, đây là câu chuyện cần nhiều thời gian để giải quyết, trong khi với các doanh nghiệp, hạn chót đã cận kề. Khoảng 40% trong số 11.400 tỷ USD trái phiếu được các công ty châu Á phát hành sẽ tới hạn trước khi kết thúc năm 2021, bao gồm khoảng 23 tỷ USD junk bond sẽ đến hạn năm nay.
Nếu như trước đây các nhà quản lý tài sản có khẩu vị rủi ro cao tìm tới trái phiếu doanh nghiệp, thì hiện tại, trong bối cảnh các thị trường tài chính có nhiều biến động khó lường, đây là đối tượng đầu tiên muốn rút lui.
Kể từ ngày 20/2 tới nay, nhà đầu tư đã rút khoảng 34 tỷ USD khỏi thị trường trái phiếu doanh nghiệp, theo Viện nghiên cứu Tài chính quốc tế.
Theo Xavier Jean, giám đốc cao cấp khối xếp hạng doanh nghiệp tại S&P Global Ratings, tình hình hiện tại gợi nhắc tới khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, khi các doanh nghiệp sở hữu khối nợ khổng lồ bằng USD.
Mặc dù thị trường trái phiếu nội địa tại châu Á đã trở nên vững vàng hơn và hệ thống ngân hàng cũng hoạt động lành mạnh hơn, nhưng khu vực trái phiếu doanh nghiệp vẫn khá “hỗn độn”.
Cùng chung quan điểm, Raymond Chia, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tín dụng châu Á tại Schroder Investment Management cho rằng, quy mô các doanh nghiệp châu Á đã lớn hơn so với thời kỳ khủng hoảng tài chính diễn ra, nhưng sức mạnh không chắc đã vững bằng bởi được xây dựng trên đống nợ.
Trong các thị trường, Indonesia là khu vực đối diện rủi ro lớn nhất. Ðồng tiền của nước này giảm giá 14% kể từ đầu năm tới nay so với USD, mức giảm mạnh nhất so với các đồng tiền trong khu vực và thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở đây có quy mô lớn hơn so với các nước láng giềng.
Trong tháng qua, S&P đã hạ mức tín nhiệm tín dụng hoặc thay đổi triển vọng tăng trưởng sang “tiêu cực” đối với 6 công ty Indonesia với khối nợ lên tới 3,2 tỷ USD.
Một cái tên khác cần được nhắc tới là Trung Quốc, khi theo Alicia Garcia Herroro, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis SA, nợ tại quốc gia này hiện chiếm khoảng 1/4 tổng khối nợ doanh nghiệp trên toàn cầu và xét riêng về các khoản nợ rủi ro cao, đây là “tay chơi” lớn nhất.
Năm 2019, khoảng 40% các khoản nợ có rủi ro cao nhất trên toàn cầu thuộc về các doanh nghiệp Trung Quốc.