Khối ngoại sắp kết thúc đà bán ròng

Khối ngoại sắp kết thúc đà bán ròng

(ĐTCK) Thị trường liên tục giảm điểm mạnh, đợt giảm lần này không giống như hồi tháng 5 khi xảy ra sự kiện biển Đông. Nếu như tháng 5, các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh và là động lực quan trọng để nâng đỡ thị trường, thì đợt giảm điểm lần này họ lại đứng ngoài và việc bán ròng của khối ngoại đã góp phần làm tâm lý thị trường trở lên bi quan.

Đợt bán ròng dài từ tháng 7 đến nay có phần xuất phát từ việc mua ròng ở mức giá thấp trong quý II. Nói cách khác, sau khi mua ròng trong quý II, các nhà đầu tư nước ngoài đã chốt lời.

Có ý kiến cho rằng, việc khối ngoại bán ròng tại thị trường Việt Nam là do xu hướng chung của dòng vốn rút ra khỏi thị trường châu Á khi Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định cắt giảm gói QE3. Một số quỹ đầu tư vào Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi xu hướng này. Các đây 3 tháng, khi 2 quỹ hoán đổi danh mục (ETF) nước ngoài là FTSE Vietnam UCITS ETF và Market Vectors Vietnam ETF tiến hành đổi rổ, tổng giá trị tài sản quản lý bởi 2 quỹ này lúc đó lần lượt là 409,3 triệu USD và 632,7 triệu USD. Đến nay, các con số này đã giảm xuống còn 402,8 triệu USD và 503,5 triệu USD.

Ngoài ra, có thông tin rằng một số quỹ nước ngoài lớn dạng đóng đầu tư vào Việt Nam đang tính chuyện chuyển đổi mô hình sang quỹ mở và việc này đòi hỏi họ phải có một số thay đổi nhất định đối với danh mục đang nắm giữ. Cũng có một số quỹ không chuyển đổi mô hình, nhưng do tiên đoán giá dầu sẽ rớt mạnh, nên cũng đã tiến hành bán ra các cổ phiếu ngành năng lượng.

Cố gắng lý giải vì sao khối ngoại bán ròng liên tiếp nhiều tháng, có người cho rằng, các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của các doanh nghiệp Nhà nước diễn ra dồn dập đã làm phân tán sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường cổ phiếu niêm yết.

Tiền đồng mất giá cũng được cho có ảnh hưởng nhất định đến tâm lý của khối ngoại, vì điều đó cũng có nghĩa một phần lợi nhuận tạo ra tại Việt Nam sẽ bị trôi theo tỷ giá. Tháng 6/2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh tỷ giá USD/VND tăng 1%, tức tiền đồng mất giá 1% so với USD. Đây là lần điều chỉnh tỷ giá duy nhất kể từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, tỷ giá bắt đầu tăng mạnh từ ngày 12/11 trước các tin đồn về việc NHNN sẽ tiến hành điều chỉnh lần thứ hai.

Theo nhận định của khối công ty quản lý quỹ, quy định mới về cho vay chứng khoán là nguyên nhân chính khiến tâm lý thị trường chung xấu đi. Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng được NHNN ban hành gần đây và có hiệu lực kể từ tháng 2/2015 sẽ hạn chế các CTCK trong việc cấp vốn cho các nhà đầu tư để mua cổ phiếu.

Mặc dù vậy, xu hướng bán ròng đã suy yếu đáng kể từ tháng 10. Dự báo xu hướng này sẽ sớm kết thúc cùng với sự kết thúc chu kỳ vốn chảy ra khỏi thị trường châu Á. Bên cạnh đó, mặt bằng giá đã trở về mức hấp dẫn sau nhiều phiên giảm mạnh. Các quỹ cũng thực hiện xong việc tái cơ cấu danh mục. Hết tháng 12, lịch IPO cũng thưa hơn. Quan trọng hơn, hầu hết các chỉ tiêu vĩ mô đều cải thiện và triển vọng kinh tế năm 2015 ngày càng sáng sủa… Các nhà đầu tư nước ngoài được kỳ vọng sẽ quay trở lại thị trường khi họ bước vào một năm làm việc mới.

Thực tế, một số quỹ vẫn đón nhận được dòng vốn mới và tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Công ty Quản lý quỹ Asia Frontier Capital (AFC) cho biết, tháng 11 là tháng mà cả 2 quỹ AFC Asia Frontier Fund and AFC Vietnam Fund ghi nhận mức kỷ lục dòng tiền chảy vào hàng tháng và tính đến nay thì tổng giá trị tài sản của 2 quỹ đã lên đến khoảng 25 triệu USD.

Ông Andreas Vogelsanger, Tổng giám đốc AFC Vietnam Fund kỳ vọng xu hướng này sẽ còn tiếp tục, vì ngày càng có nhiều người bắt đầu nhận biết cơ hội đầu tư hấp dẫn ở các thị trường cận biên, đặc biệt là Việt Nam. Trong 5 tháng qua, cả 2 quỹ này không những không bán ròng, mà còn tiếp tục tăng đầu tư vào Việt Nam.

Mặc dù thị trường giảm điểm, nhưng AFC Asia Frontier Fund và AFC Vietnam Fund vẫn tăng trưởng lần lượt 24% và 31,7% tính từ đầu năm đến nay. Hai quỹ này còn tương đối mới và nhỏ tại thị trường Việt Nam, như AFC Asia Frontier Fund thành lập từ tháng 3/2012, còn AFC Vietnam Fund tháng 12/2013. Nếu tính từ khi thành lập thì mức tăng trưởng lần lượt là 40,7% và 34,8%.

Quan sát giao dịch của khối ngoại, có thể thấy, diễn biến theo hình sin khá rõ nét. Theo đó, khi chu kỳ bán ròng kết thúc cũng là lúc mở ra một chu kỳ đầu tư mới của khối này.

Tin bài liên quan