Theo dữ liệu do Viện Tài chính Quốc tế (IIF) tổng hợp, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút ròng khỏi cổ phiếu và trái phiếu các thị trường mới nổi 10,5 tỷ USD trong tháng 7. Điều đó đã khiến dòng tiền rút ròng trong 5 tháng qua lên tới hơn 38 tỷ USD - khoảng thời gian dài nhất của dòng tiền rút ròng kể từ khi kỷ lục bắt đầu vào năm 2005.
Động thái rút ròng có nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tài chính đang gia tăng ở các nền kinh tế đang phát triển. Trong ba tháng qua, Sri Lanka đã vỡ nợ, trong khi Bangladesh và Pakistan đều đã liên hệ với IMF để được hỗ trợ. Các nhà đầu tư lo ngại ngày càng có nhiều công ty phát hành khác trên khắp các thị trường mới nổi cũng gặp rủi ro.
Nhiều nước đang phát triển có thu nhập thấp và trung bình đang phải gánh chịu sự mất giá của đồng tiền và chi phí đi vay tăng cao do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và lo ngại suy thoái ở các nền kinh tế tiên tiến lớn. Mỹ trong tuần này đã ghi nhận tăng trưởng GDP âm hai quý liên tiếp.
Karthik Sankaran, chiến lược gia cấp cao tại Corpay cho biết: “Các nền kinh tế mới nổi đã có một năm tàu lượn siêu tốc thực sự, thực sự điên rồ”.
Các nền kinh tế mới nổi bị rút ròng 5 tháng liên tiếp. |
Theo dữ liệu từ JPMorgan, các nhà đầu tư cũng đã rút ròng 30 tỷ USD từ quỹ trái phiếu ngoại tệ các thị trường mới nổi trong năm nay. Trái phiếu ngoại tệ của ít nhất 20 thị trường cận biên và mới nổi đang giao dịch với lợi suất cao hơn 10% so với trái phiếu Kho bạc Mỹ tương đương. Chênh lệch ở mức cao như vậy thường được coi là một chỉ báo của căng thẳng tài chính nghiêm trọng và rủi ro vỡ nợ.
Điều này đánh dấu sự đảo ngược tâm lý mạnh mẽ từ cuối năm 2021 và đầu năm 2022 khi nhiều nhà đầu tư kỳ vọng các nền kinh tế mới nổi sẽ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Vào cuối tháng 4, tiền tệ và các tài sản khác ở các nước xuất khẩu hàng hóa như Brazil và Colombia đã hoạt động tốt nhờ giá dầu và các nguyên liệu thô khác tăng sau ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine.
Tuy nhiên, lo ngại về suy thoái và lạm phát toàn cầu, lãi suất Mỹ tăng mạnh và tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại đã khiến nhiều nhà đầu tư rút khỏi tài sản các thị trường mới nổi.
Jonathan Fortun Vargas, nhà kinh tế tại IIF cho rằng, việc rút tiền khỏi các thị trường mới nổi trong lần này là một động thái bất thường, vì trong các chu kỳ trước, dòng vốn rút ròng từ khu vực đã được cân bằng một phần bởi dòng vốn nộp ròng khác.
Các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng, không giống như các chu kỳ trước, có rất ít triển vọng về các điều kiện toàn cầu có lợi cho các nền kinh tế mới nổi vào thời điểm hiện tại.
Adam Wolfe, nhà kinh tế học tại Absolute Strategy Research cho biết: “Quan điểm của Fed dường như rất khác so với các chu kỳ trước. Họ sẵn sàng mạo hiểm hơn với một cuộc suy thoái của Mỹ và rủi ro làm mất ổn định thị trường tài chính để làm giảm lạm phát”.
Ông cảnh báo, có rất ít dấu hiệu về sự phục hồi kinh tế ở Trung Quốc, thị trường mới nổi lớn nhất thế giới. Điều đó cũng làm hạn chế khả năng thúc đẩy sự phục hồi ở các nước đang phát triển khác dựa vào Trung Quốc như một thị trường xuất khẩu và một nguồn tài chính.
“Hệ thống tài chính của Trung Quốc đang bị căng thẳng do suy thoái kinh tế trong năm qua và điều đó đã thực sự hạn chế khả năng của các ngân hàng trong việc tiếp tục tái cấp vốn cho tất cả các khoản vay của họ cho các thị trường mới nổi khác”, ông cho biết.
Trong khi đó, hoạt động trong lĩnh vực nhà máy lớn của Trung Quốc và cũng là một động lực tăng trưởng chính cho các thị trường mới nổi nói chung, đã rơi vào lãnh thổ thu hẹp. Theo các nhà kinh tế của Goldman Sachs, sự sụt giảm này là do “nhu cầu thị trường yếu và việc cắt giảm sản lượng trong các ngành sử dụng nhiều năng lượng”.
Trong khi đó, việc Sri Lanka vỡ nợ đã khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn không biết quốc gia nào sẽ là bên đi vay tiếp theo phải tiến hành tái cơ cấu.
Điển hình, chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ đối với trái phiếu nước ngoài do Ghana phát hành đã tăng hơn gấp đôi trong năm nay do các nhà đầu tư đánh giá nguy cơ vỡ nợ hoặc tái cơ cấu đang gia tăng.
Chi phí đi vay đối với các nền kinh tế mới nổi lớn như Brazil, Mexico, Ấn Độ và Nam Phi cũng đã tăng trong năm nay, nhưng ở mức độ ít hơn. Nhiều nền kinh tế lớn đã sớm hành động để chống lạm phát và đưa ra các chính sách bảo vệ họ khỏi những cú sốc bên ngoài.
Mặt khác, việc phụ thuộc vào nguồn vốn vay có nghĩa là cuối cùng các chính phủ phải kìm hãm nhu cầu trong nước để kiểm soát các khoản nợ, gây nguy cơ suy thoái.
Nhà kinh tế Jonathan Fortun Vargas cho biết, có rất ít lối thoát khỏi đợt bán tháo. “Điều đáng ngạc nhiên là chỉ báo tâm lý đã thay đổi mạnh mẽ như thế nào. Các nhà xuất khẩu hàng hóa là con cưng của các nhà đầu tư chỉ vài tuần trước, nhưng ở thời điểm hiện tại thì không có con cưng nào”.