Khối ngoại có thể bắt đầu quay lại

Khối ngoại có thể bắt đầu quay lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những ngày đầu năm 2024, khối ngoại có động thái mua ròng trở lại, sau khi bán ròng khoảng 1 tỷ USD trong năm 2023.

Năm 2023 bán ròng sau khi năm 2022 mua ròng

Ông Trần Xuân Bách, Giám đốc vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho biết, trong năm 2023, khối nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 24.670,53 tỷ đồng, riêng quý IV là 16.541 tỷ đồng.

“Việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ giúp đồng USD mạnh lên, khiến các nhà đầu tư nước ngoài chuyển dịch dòng vốn từ các thị trường mới nổi như Việt Nam về Mỹ. Bên cạnh đó, theo quan sát trong quá khứ, khi lợi suất và lãi suất của các thị trường phát triển tăng dẫn tới dòng vốn tại các thị trường đang phát triển bị rút ra. Điều này cũng xảy ra trong giai đoạn cuối năm 2023, khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc tiệm cận mức đỉnh 5%”, ông Bách nói.

Trước đó, năm 2022, khối ngoại mua ròng gần 27.000 tỷ đồng, nâng tỷ lệ sở hữu từ mức trung bình lên 18,5% từ mức 17% trong năm 2021.

Nhiều thị trường chứng khoán trong khu vực ASEAN như Indonesia, Malaysia, Thái Lan cũng ghi nhận động thái bán ròng của khối ngoại trong năm 2023. Ở chiều ngược lại, dòng vốn trong năm qua có xu hướng chảy vào các thị trường phát triển như Mỹ, Nhật Bản, khu vực đồng tiền chung châu Âu, hoặc có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như Ấn Độ.

Nhiều “chất xúc tác” để vốn ngoại quay lại

Dòng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm quỹ ETF có thể sẽ chảy mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2024.

Ông Na Sungsoo, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Vina đánh giá, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu cuối năm 2023 có nhiều bất ổn, danh mục đầu tư vốn của các nhà đầu tư nước ngoài có phần thận trọng hơn ở các thị trường cận biên và mới nổi.

“Vì vậy, tôi cho rằng, việc rút vốn tại thị trường Việt Nam thời điểm cuối năm 2023 không xuất phát từ quan điểm tiêu cực của nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế trong nước”, ông Na Sungsoo nói.

Điều này phần nào được thể hiện ở việc dòng vốn FDI tại Việt Nam năm 2023 vẫn giữ phong độ tích cực và có khả năng duy trì trong năm 2024, bởi Việt Nam có nhiều lợi thế từ yếu tố địa chính trị, lực lượng lao động, cơ sở hạ tầng đến sự tăng trưởng nhanh chóng về chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

“Năm 2024, thị trường vẫn sẽ tồn tại những yếu tố bất lợi, tuy nhiên, tôi duy trì quan điểm đánh giá triển vọng thị trường lạc quan và kỳ vọng dòng vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam (bao gồm cả quỹ ETF) sẽ mạnh mẽ từ các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Na Sungsoo chia sẻ.

Theo ông Na Sungsoo, có một số chất xúc tác cho sự phát triển của thị trường chứng khoán năm nay như định giá VN-Index đang ở vùng thấp nhất trong 10 năm qua và chênh lệch lợi suất thu nhập ngày càng mở rộng (khoảng cách giữa giá trị VN-Index và lãi suất tiền gửi).

Bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào lập trường hỗ trợ liên tục từ Chính phủ về cả chính sách tài chính và tiền tệ; lãi suất ở mức thấp và chi tiêu đầu tư công ngày càng tăng; thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2024 được giảm từ 10% xuống 8%; lĩnh vực bất động sản đã có các chính sách “thân thiện” sẽ giúp đẩy nhanh quá trình hoàn thiện pháp lý của các dự án, qua đó xoa dịu những lo ngại và thúc đẩy tăng trưởng; việc rà soát chỉ số FTSE Russell EM Index và kế hoạch triển khai hệ thống KRX sẽ hấp dẫn quỹ ngoại.

Ngoài ra, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất trong năm 2024 sẽ có tác động tích cực đến thị trường chứng khoán toàn cầu, bao gồm Việt Nam.

Đồng quan điểm, ông Trần Xuân Bách cho biết, khi Fed bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ, sức mạnh đồng USD có thể suy giảm, tạo điều kiện cho các thị trường mới nổi như Việt Nam thu hút dòng vốn ngoại.

“Quan sát biến động của chỉ số DXY và hoạt động mua bán ròng của khối ngoại tại thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2015 - 2019 và từ 2021 đến nay, chúng tôi thấy có sự tương quan ngược giữa 2 yếu tố này. Khi chỉ số DXY có dấu hiệu yếu đi thì khối ngoại thường có xu hướng mua ròng trên thị trường”, ông Bách cho biết.

Thêm vào đó, quy mô vốn hóa tăng nhanh của thị trường Việt Nam trong các năm gần đây cùng triển vọng tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp năm 2024 sẽ giúp định giá P/E của VN-Index trở nên hấp dẫn so với mặt bằng chung các nước trong khu vực. Chưa kể, thị trường Việt Nam đang đứng trước cơ hội được các tổ chức đánh giá xếp hạng là FTSE và MSCI đưa vào danh sách nâng hạng trong một vài năm tới sẽ là yếu tố quan trọng để thu hút vốn ngoại.

Tin bài liên quan