Khối ngoại bán ròng và chỉ báo quá mua

Khối ngoại bán ròng và chỉ báo quá mua

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán trong nước vừa trải qua một tuần tăng giảm đan xen, trong đó xu hướng chính vẫn tiếp tục tăng theo thị trường khu vực và thế giới.

Cổ phiếu có câu chuyện riêng hút vốn

Các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới tiếp tục có diễn biến khả quan. Tại thị trường Mỹ, từ ngày 14 - 17/12, chỉ số S&P 500, Dow Jones và Nasdaq Composite lần lượt tăng 1,6%, 0,9% và 3,1% nhờ tâm lý lạc quan của nhà đầu tư khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục cam kết hỗ trợ nền kinh tế thông qua các gói kích thích, cũng như kỳ vọng các biện pháp hỗ trợ tài khoá của Tổng thống Joe Biden sẽ giúp thị trường tài chính ổn định.

Tại thị trường Việt Nam, kết thúc tuần giao dịch từ ngày 14 - 18/12, chỉ số VN-Index tăng 2,1% lên 1.067,46 điểm, chính thức vượt đỉnh năm 2019, chỉ số VN30 tăng 2,8% lên 1.036,65 điểm.

VN-Index dễ dàng vượt qua vùng kháng cự 1.020 - 1.035 điểm (đồ thị theo tuần).

VN-Index dễ dàng vượt qua vùng kháng cự 1.020 - 1.035 điểm (đồ thị theo tuần).

Đáng chú ý, thanh khoản thị trường tiếp tục bùng nổ, khối lượng và giá trị giao dịch khớp lệnh trên HOSE lần lượt tăng 14,7% và 18,5% so với tuần trước, cao nhất kể từ đầu tháng 6 tới nay.

Các cổ phiếu có tác động tích cực nhất tới thị trường là GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và một số cổ phiếu ngân hàng. Điểm nổi bật tuần qua là chỉ số chứng khoán tăng giảm đan xen với mức biến động giá lớn. Trong đó, các cổ phiếu có câu chuyện riêng thu hút dòng tiền mạnh mẽ.

Top cổ phiếu tác động mạnh tới chỉ số VN-Index tuần từ 14 - 18/12.

Top cổ phiếu tác động mạnh tới chỉ số VN-Index tuần từ 14 - 18/12.

Cụ thể, cổ phiếu GVR tiếp tục tăng giá, tổng mức tăng trong tuần là 21,3%, đạt 25.350 đồng/cổ phiếu. Đầu tuần, GVR công bố đã bán 9,34 triệu cổ phiếu SIP của Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRE. Ước tính, GVR thu về khoảng 1.320 tỷ đồng, trong khi tính tới 30/9/2020, Tập đoàn ghi nhận đầu tư vào SIP với giá trị hợp lý 300 tỷ đồng. Được biết, GVR hiện còn sở hữu 1,4 triệu cổ phiếu SIP và tiếp tục lên kế hoạch thoái vốn trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, GVR ước tính lợi nhuận trước thuế cả năm 2020 là 4.955 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với năm 2019. Như vậy, trong quý IV/2020, doanh nghiệp sẽ ghi nhận hơn 2.500 tỷ đồng lợi nhuận, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cổ phiếu KBC của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP thu hút nhà đầu tư khi thông tin từ Bloomberg cho biết, đối tác của Apple đã tăng cường sản xuất iPhone tại Ấn Độ và các công ty lắp ráp AirPod bổ sung một số dây chuyền lắp ráp tại Việt Nam, với khoản đầu tư mới trị giá 270 triệu USD, dự kiến bắt đầu sản xuất từ năm 2021. Được biết, Foxconn, đối tác của Apple đang xây dựng các dây chuyền lắp ráp iPad, MacBook tại nhà máy ở Bắc Giang và dự kiến đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2021.

KBC sở hữu nhiều quỹ đất khu công nghiệp tại Bắc Giang, Bắc Ninh, nơi thu hút được Samsung đặt nhà máy sản xuất điện thoại, nên nhà đầu tư tiếp tục kỳ vọng KBC sẽ là doanh nghiệp hưởng lợi đầu tiên từ sự dịch chuyển nhà máy của Foxconn.

Kết thúc tuần giao dịch, cổ phiếu KBC tăng 12,3% lên 17.800 đồng/cổ phiếu và thuộc Top cổ phiếu khu công nghiệp có mức tăng giá cao nhất.

Trong nhóm doanh nghiệp hưởng lợi từ định giá lại tài sản, đáng chú ý là Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk, mã chứng khoán MCM), đăng ký giao dịch trên UPCoM ngày 18/12.

Trước khi lên sàn, thị trường chứng kiến đà tăng giá mạnh của cổ phiếu các công ty sở hữu Mộc Châu Milk như Công ty cổ phần GTNfoods (GTN - sở hữu gián tiếp qua VLC), Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam - CTCP (VLC - sở hữu trực tiếp). Theo bản cáo bạch, VLC sở hữu 51% vốn điều lệ Mộc Châu Milk, GTN sở hữu 74,49% vốn điều lệ VLC.

Mộc Châu Milk sở hữu đàn bò sữa hơn 2.000 con tại trang trại, 24.500 con thông qua việc liên kết với 500 hộ nông dân và 3 trung tâm giống bò sữa lớn. Nhờ hoạt động chăn nuôi tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, khu vực có khí hậu ôn đới phù hợp với chăn nuôi bò sữa quy mô lớn đã giúp Công ty duy trì đà tăng trưởng trong nhiều năm, trung bình từ 12 - 15%/năm.

Đặc biệt, tính tới 30/9/2020, doanh nghiệp có 696,1 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm 57,4% tổng tài sản và không vay nợ.

Trong nhiều năm trở lại đây, lợi nhuận của GTN và VLC chủ yếu đến từ Mộc Châu Milk. Cổ phiếu MCM lên sàn chứng khoán giúp hai công ty này có thể định giá lại khoản đầu tư. Chính vì vậy, tuần qua, giá cổ phiếu GTN và VLC tăng thêm lần lượt 5,6% và 17,5%.

Hai cổ phiếu khác bùng nổ là IJC của Công ty cổ phần Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật và TDC của Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương, lần lượt tăng 36,8% và 18,1%.

Thực tế, nhiều nhà đầu tư quan tâm tới các doanh nghiệp sở hữu quỹ đất lớn có giá vốn thấp ở Bình Dương, trong đó, IJC vừa bán đấu giá thành công 80 triệu cổ phần trên HOSE với giá khởi điểm 12.500 đồng/cổ phiếu, tổng khối lượng đăng ký mua là 96,85 triệu cổ phiếu.

Việc IJC bán đấu giá cổ phần thành công là cơ sở cho kỳ vọng doanh nghiệp sẽ sớm khai thác quỹ đất hiện hữu, cũng như tạo kỳ vọng cho các cổ phiếu liên quan tới Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex) chuẩn bị bán đấu giá cổ phần như TDC được định giá lại.

Khối ngoại bán ròng và chỉ báo quá mua

Tuần qua, khối nhà đầu tư nước ngoài mua FUEVFVND 596,7 tỷ đồng, PME 382,6 tỷ đồng, VJC 127,7 tỷ đồng…; ở chiều ngược lại, khối ngoại bán ra TMS 552,6 tỷ đồng, GMD 320 tỷ đồng, VNM 260,3 tỷ đồng, VRE 233,4 tỷ đồng…

Nhìn chung, bất chấp thị trường tăng điểm, khối nhà đầu tư này vẫn xu hướng rút ròng, giá trị bán ròng trên HOSE là 809,28 tỷ đồng.

Thực tế, nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm tới nay, nhưng thị trường vẫn tăng điểm. Động thái mua bán của khối ngoại không ảnh hưởng nhiều tới thị trường bởi dòng vốn đầu tư trong nước vẫn đang dồi dào và kỳ vọng VN-Index sẽ tiến lên các mức điểm cao hơn, tương đương với mức tăng của các thị trường trên thế giới.

Mặc dù vậy, theo phân tích kỹ thuật, VN-Index được giao dịch ở vùng quá mua kéo dài, với chỉ báo sức mạnh tương đối (RSI) theo tuần chạm mức 75,2 điểm. Bên cạnh đó, thanh khoản tăng cao kỷ lục khi chỉ số vượt qua vùng kháng cự 1.020 - 1.035 điểm, trong đó xuất hiện các phiên tăng giảm đan xen với biên độ lớn.

Đặc biệt, phiên ATC ngày 17/12, do thanh khoản tăng cao, các lệnh nhập vào hệ thống giao dịch trên HOSE bị chậm. Trong lịch sử, sau sự cố giao dịch ngày 18/1/2018, hay ngày 9/6/2020 do thanh khoản tăng vọt, thị trường có diễn biến điều chỉnh.

Thị trường sau một giai đoạn tăng mạnh kéo dài, thanh khoản tăng cao là dấu hiệu cho thấy dòng tiền “dễ dãi” đang thu hút nhà đầu tư cá nhân, trong khi nhà đầu tư tổ chức sẽ tận dụng thanh khoản cao để bán ra, hiện thực hóa lợi nhuận.

Tin bài liên quan