Các bạn trẻ giới thiệu về  ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh tại Start-up Festival 2016

Các bạn trẻ giới thiệu về ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh tại Start-up Festival 2016

Khởi nghiệp nghĩ tới phá sản

(ĐTCK) Khởi nghiệp nghĩ tới phá sản, nghe qua tưởng chừng như vô lý. Bởi lẽ, không có bất cứ ai kinh doanh lại nghĩ đến chuyện phá sản, đặc biệt đối với các dự án khởi nghiệp (start-up) và doanh nghiệp trẻ khao khát hướng tới thành công. 

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của doanh nghiệp luôn tiềm ẩn những rủi ro không dễ dàng lường trước. Để tránh rơi vào tình cảnh thụ động và những rủi ro pháp lý, không thể không nghĩ đến câu chuyện phá sản.

Trong buổi cafe chiều cuối năm 2016 với người viết, anh Thái - một start-up chuyên về thời trang chia sẻ những khó khăn công ty anh đang gặp phải dẫn đến nguy cơ giải thể. Còn nhớ, 2 năm trước, anh hào hứng kể về việc được một quỹ đầu tư nước ngoài rót tiền thành lập doanh nghiệp.

Cách tốt nhất là doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm tới phá sản ngay từ đầu để quản trị và loại trừ rủi ro.

- Luật sư Nguyễn Thế Truyền.

Thế nhưng, bởi những lý do khách quan mà sự hoạt động của doanh nghiệp dần bị chệch hướng, dẫn đến hết vốn. Các đồng sáng lập vì thế lần lượt rời đi. Doanh nghiệp bây giờ không còn khả năng hoạt động, nhưng để giải quyết triệt để các vấn đề còn tồn đọng, đứng dậy sau thất bại, khôi phục danh tiếng là điều anh hết sức trăn trở.

Trong kinh doanh, thực sự rất khó để biết trước điều gì sẽ xảy đến. Giả thiết, một ngày đẹp trời, doanh nghiệp bất ngờ nhận được “trát” của tòa án mở thủ tục phá sản do yêu cầu của một chủ nợ bất kỳ, hoặc theo thông báo nợ thuế từ cơ quan thuế, hay thông báo nợ tiền bảo hiểm từ cơ quan bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp đối diện câu chuyện pháp lý này ra sao?

Để trả lời câu hỏi trên, trước hết, cần nhìn lại sự thay đổi của pháp luật trong Luật Phá sản 2004 (luật cũ) và Luật Phá sản 2014 (luật mới).

Theo luật sư, quản tài viên Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty hợp danh Quản lý và thanh lý tài sản Thiên Thanh,  điểm ưu việt lớn nhất trong quá trình thực hiện Luật Phá sản đó chính là tạo ra một hệ tư duy về phá sản trong hoạt động của doanh nghiệp, mặc dù vẫn còn đó không ít vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện.

Chẳng hạn, Luật Phá sản cũ tiếp cận theo nguồn vốn thì Luật Phá sản mới tiếp cận theo dòng tiền. Trước đây, một doanh nghiệp trị giá 1.000 tỷ đồng hoặc có vốn pháp định 5.000 tỷ đồng, nếu chỉ nợ 100 triệu đồng thì phá sản ra sao là một bài toán không có đáp số thì nay, luật mới đã bổ sung bằng cách “xoáy” trực tiếp vào khả năng thanh toán, dòng tiền của doanh nghiệp.

  Luật sư Nguyễn Thế Truyền

Chính vì thế, Luật Phá sản 2014 đã đem đến cho doanh nghiệp những sự lựa chọn. Câu chuyện phá sản giờ đây không chỉ bó hẹp là việc giải quyết các khoản nợ, mà còn có thể lựa chọn cải thiện chính mình để phòng ngừa rủi ro như cân đối dòng tiền, thời gian khất nợ với các điều kiện hay thỏa thuận rành mạch hơn. Điều này mang lại những cơ hội giúp cho chủ doanh nghiệp nhìn lại vấn đề quản trị, từ đó cấu trúc lại doanh nghiệp tốt hơn.

Giải thích rõ hơn, luật sư Nguyễn Thế Truyền cho biết, rất nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam mắc 2 lỗi lớn, đó là vi phạm nguyên tắc sử dụng dòng tiền trong kinh doanh (mang vốn vay lưu động để đầu tư cơ bản, thường là trung và dài hạn) và “cấu đầu rút ruột” từ thuế, bảo hiểm để gộp tất cả và coi đó là lợi nhuận.

Báo cáo hàng năm của Tổng cục Thuế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, cứ 10 doanh nghiệp thì có đến 5 - 6 doanh nghiệp nợ thuế/trốn thuế, không đóng/nợ tiền bảo hiểm. Có những doanh nghiệp thành lập 10 năm nhưng cũng từng ấy thời gian nợ thuế, trốn thuế. Khi cơ quan quản lý “sờ gáy”, doanh nghiệp lại tìm cách trốn tránh, đối phó, thậm chí hối lộ để tiếp tục nợ thuế, trốn thuế.

Vị luật sư có nhiều năm kinh nghiệm nhận định, với Luật Phá sản 2014, doanh nghiệp rất dễ “dính đòn” nếu câu chuyện phá sản được đẩy lên cao. Trước kia, liên quan đến những khoản nợ, thường được giải quyết bằng vụ kiện tranh chấp kinh doanh thương mại tại tòa án dài lê thê với những thủ tục tố tụng làm nản lòng bất cứ ai thì nay, doanh nghiệp phải đối mặt với chuyện phá sản không mong muốn, thụ động bất cứ thời điểm nào.

Hiện nay, nếu doanh nghiệp không nộp báo cáo thuế thì ngay từ báo cáo thuế đầu tiên đã bị phạt theo quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thuế và nhân lãi phạt theo số ngày nộp chậm sau đó. Ước tính, trong 1 - 2 năm, doanh nghiệp sẽ phải chịu phạt mức tiền thấp nhất là từ 80 - 100 triệu đồng, thậm chí còn cao hơn. Khi đó, cơ quan quản lý có quyền đề nghị mở thủ tục phá sản doanh nghiệp.

Ở một góc độ khác, nếu không phá sản doanh nghiệp, cơ quan thuế sẽ quản lý nhiều doanh nghiệp ảo, số thuế phải nộp theo kế hoạch cũng ảo, lại tăng dần theo từng năm. Việc giải quyết triệt để các khoản nợ bằng thủ tục phá sản sẽ giúp cơ quan quản lý loại bỏ được những hồ sơ, doanh nghiệp chây ỳ, nợ đọng mà bấy lâu nay luôn là nỗi trăn trở của ngành thuế/bảo hiểm. Không những thế, thông qua thủ tục phá sản, khả năng thu hồi được số tiền thuế là không nhỏ cho ngân sách nhà nước.

Cơ quan quản lý chỉ cần thực hiện thao tác nộp đơn đề nghị doanh nghiệp phá sản; kể cả đó là việc phá sản trên hình thức (tức là chủ doanh nghiệp không tìm thấy hoặc thực tế không tồn tại). Bằng một quyết định của tòa án, cơ quan quản lý làm “sạch” hồ sơ doanh nghiệp ảo, doanh nghiệp “ma”. Loại bỏ hẳn một loại hình doanh nghiệp lâu nay vẫn tồn tại “doanh nghiệp bỏ trốn”,  với số lượng ngày một nhiều, khiến các cơ quan quản lý đau đầu.

Về phía doanh nghiệp, phá sản theo Luật Phá sản 2014 còn giúp chủ doanh nghiệp có cơ hội làm lại từ đầu (sau 3 năm), tránh “án tích” về một doanh nghiệp bỏ trốn vẫn còn treo lơ lửng đâu đó.

Luật sư Truyền cho hay, bước đầu tiên một doanh nghiệp tham gia vào câu chuyện phá sản là mở thủ tục phá sản. Từ khi có quyết định mở thủ tục phá sản đến tuyên bố phá sản là một quá trình tố tụng với những bước khác nhau.

Toàn bộ quá trình này chính là cơ hội để thay đổi, xem xét lại doanh nghiệp, chẳng hạn tái cấu trúc, thay đổi cách quản trị tài chính, thu hồi khoản nợ khó đòi, cân đối dòng tiền, tiết kiệm chi tiêu, thay đổi mặt hàng hoặc công thức quản lý, thậm chí thay đổi định hướng phát triển của doanh nghiệp, thay đổi thị trường.

Thủ tục phá sản theo Luật Phá sản 2014 hiện hành do đội ngũ quản tài viên thực hiện theo chỉ định của thẩm phán thụ lý vụ án, thay cho chế định tổ quản lý thanh lý tài sản trong Luật Phá sản 2004. Do đó, việc thương lượng, hòa giải giữa các bên chủ nợ, đối tác có thể được diễn ra theo cách linh hoạt, nhanh chóng, đảm bảo bí mật kinh doanh.

Một doanh nghiệp sinh ra là do một thủ tục hành chính bắt buộc, nhưng để kết thúc có thể lựa chọn thực hiện theo 2 cách. Một là thông qua thủ tục hành chính giải thể tại cơ quan đã cấp phép hoạt động. Hai là theo quy trình tố tụng là phá sản.

Thông thường, thủ tục hành chính theo luật định thì đơn giản nhưng thực tế lại tốn kém, mất thời gian và thường khó thực hiện. Còn theo trình tự tố tụng phá sản, tưởng chừng như phức tạp, nhưng thực tế lại diễn ra khá nhanh và hiệu quả.

Với các quy định mới về phá sản, yêu cầu doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của pháp luật cũng như thỏa thuận giữa các bên trong quan hệ hợp tác, nhất là đối với những doanh nghiệp cần đặt uy tín lên hàng đầu như bất động sản, phân phối hàng tiêu dùng, thời trang... Bởi lẽ, sau 3 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán đầy đủ, dù chỉ thiếu 1 đồng, chủ nợ có quyền yêu cầu tuyên bố doanh nghiệp phá sản.

“Vì vậy, cách tốt nhất là doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm tới phá sản ngay từ đầu để quản trị và loại trừ rủi ro”, luật sư Nguyễn Thế Truyền nói.

Tin bài liên quan