Mặc dù vốn nhà nước chiếm hơn 49% tổng mức đầu tư Dự án PPP Đồng Đăng - Trà Lĩnh, nhưng vẫn không nhiều nhà đầu tư quan tâm tới dự án này

Mặc dù vốn nhà nước chiếm hơn 49% tổng mức đầu tư Dự án PPP Đồng Đăng - Trà Lĩnh, nhưng vẫn không nhiều nhà đầu tư quan tâm tới dự án này

Khơi mạnh hơn dòng vốn đổ vào dự án giao thông đường bộ

0:00 / 0:00
0:00
Có ba vướng mắc lớn liên quan đến cơ chế, chính sách hiện hữu đang được đề xuất ưu tiên chọn xử lý nhằm sớm khơi mạnh hơn dòng vốn đổ vào dự án giao thông đường bộ.

Phiên bản mới

Cho đến thời điểm này, Dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Dự án đường cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương là 2 công trình cao tốc nằm trong danh mục các dự án đường bộ đầu tư theo phương thức hợp tác công - tư (PPP) được đề xuất áp dụng thí điểm cơ chế tỷ lệ vốn nhà nước tham gia trên 50% tổng mức đầu tư.

Thông tin này xuất hiện trong Tờ trình số 5895/TTr-BKHĐT về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan đến đầu tư xây dựng công trình đường bộ vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ vào giữa tuần trước. Thời gian áp dụng các cơ chế thí điểm là 3 năm kể từ khi Nghị quyết được cấp có thẩm quyền thông qua.

Đây là điều chỉnh rất quan trọng để gia tăng tính khả thi tài chính của 2 dự án nêu trên, đang được UBND tỉnh Lâm Đồng triển khai gọi vốn theo phương thức PPP.

Trước đó, theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Dự án PPP đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có tổng mức đầu tư 17.200 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước tham gia là 6.500 tỷ đồng (tương đương 37,8% tổng mức đầu tư), vốn nhà đầu tư là 10.700 tỷ đồng (tương đương 62,2% tổng mức đầu tư). Dự án PPP đường cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương có tổng mức đầu tư 19.521 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước tham gia là 7,761 tỷ đồng (tương đương 39,8% tổng mức đầu tư), vốn nhà đầu tư là 11.760 tỷ đồng (tương đương 60,2% tổng mức đầu tư).

Ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá, do tỷ lệ vốn tín dụng và vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư phải tham gia dự án quá lớn đang khiến 2 công trình đầu tư theo phương thức PPP này mất sức hấp dẫn với các doanh nghiệp và nhà tài trợ vốn.

Để tháo gỡ vướng mắc này, UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép nâng trần vốn nhà nước tại 2 dự án lên trên 50% để giảm thời gian hoàn vốn, tăng độ hấp dẫn cho công trình.

Cần phải nói thêm rằng, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia các dự án PPP đường bộ là một trong 3 vấn đề được đề xuất ưu tiên chọn xử lý nhằm sớm khơi mạnh hơn dòng vốn đổ vào dự án giao thông đường bộ.

Tại Tờ trình số 5895 - phiên bản đã được cơ quan chủ trì soạn thảo cập nhật ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo số 2276/TB - TTKQH ngày 15/5/2023; Thông báo số 2295/TB - TTKQH ngày 16/5/2023 và ý kiến của các bộ, ngành, địa phương liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét áp dụng thí điểm cơ chế mới đối với các dự án PPP đường bộ.

Tính đến ngày 26/7/2023, số lượng dự án giao thông đường bộ được đầu tư theo phương thức PPP đề nghị áp dụng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án trên 50% là 2 công trình; số lượng dự án quốc lộ, cao tốc đề nghị phân cấp cho địa phương là cơ quan chủ quản và được sử dụng vốn ngân sách địa phương để thực hiện là 9 công trình.

Cụ thể, đối với các dự án giao thông đường bộ được chọn thí điểm, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), hỗ trợ, tái định cư.

Được biết, khoản 2, Điều 69, Luật PPP quy định, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP (bao gồm hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống kết cấu hạ tầng và chi trả kinh phí bồi thường, GPMB, hỗ trợ, tái định cư; hỗ trợ xây dựng công trình tạm) không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án.

Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, quy định trên khiến dự án rất khó bảo đảm hiệu quả tài chính, không hấp dẫn các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng, đặc biệt đối với trường hợp các dự án mà chi phí GPMB chiếm tỷ trọng lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài.

Nhận định nói trên là có cơ sở, bởi trên thực tế, chi phí GPMB tại một số dự án cao tốc đã chiếm hơn 30% tổng mức đầu tư, thậm chí tại Dự án Đường vành đai 4 TP.HCM qua tỉnh Bình Dương là 42,2%, qua tỉnh Long An là 43%, qua TP.HCM là 49,9%, qua tỉnh Đồng Nai là 56,6%.

Trước đó, trong tờ trình có nội dung tương tự trình Chính phủ vào tháng 3/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng đề xuất, đối với dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; các dự án trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, có yếu tố an ninh - quốc phòng được xem xét, quyết định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 65% tổng mức đầu tư dự án cho mục đích quy định tại điểm a và điểm c, khoản 1, Điều 69, Luật PPP.

Đẩy mạnh phân cấp

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, có một số dự án đường bộ đang chuẩn bị đầu tư triển khai giai đoạn tiếp theo nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, có nhu cầu vận tải giai đoạn đầu chưa cao; có một số dự án đi qua khu vực đồng bằng có nhu cầu GPMB nhiều, chiếm tỷ lệ cao trong tổng mức đầu tư dự án.

“Nếu áp dụng đúng tỷ lệ này, các dự án PPP nói trên sẽ phải kéo dài thời gian hoàn vốn, khó khăn trong việc huy động vốn từ các nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Đại diện Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình đường bộ cho biết, do vướng trần vốn nhà nước được quy định tại Luật PPP, nên trong bước chuẩn bị đầu tư, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc phải xây dựng phương án vốn nhà nước tham gia không vượt quá 50% tổng mức đầu tư, dù biết không đảm bảo tính khả thi tài chính, dẫn tới dự án không hấp dẫn nhà đầu tư, không thuyết phục các tổ chức tín dụng. Hiện cơ quan chủ trì soạn thảo vẫn đang để mở danh mục các công trình đường bộ được thí điểm áp dụng cơ chế mới về tỷ lệ vốn Nhà nước tại dự án PPP.

Bên cạnh cơ chế hỗ trợ cho dự án PPP, 2 cơ chế quan trọng nhằm tăng nguồn lực, hiệu quả đầu tư cho dự án giao thông cũng được đề cập trong Tờ trình số 5895/TTr-BKHĐT.

Đối với các dự án liên kết vùng đi qua địa bàn 2 tỉnh, thành phố, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép Thủ tướng được giao một địa phương quyết định chủ trương đầu tư và hỗ trợ vốn cho địa phương khác, cùng với hỗ trợ của ngân sách trung ương khi cần thiết.

Đây là cơ chế rất quan trọng để triển khai các công trình đường bộ kết nối 2 tỉnh, thành phố, bởi Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn không quy định về việc giao một địa phương quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án thực hiện trên địa bàn 2 địa phương. Luật Ngân sách nhà nước cũng quy định không được sử dụng ngân sách địa phương này để chi cho địa phương khác dù có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm quản lý để “bao sân”.

Các quy định này đang khiến một số địa phương gặp khó khăn khi đề xuất dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương, trong đó có các hạng mục cầu, hầm đi qua địa bàn 2 địa phương, nhưng dự kiến giao cho một địa phương có đủ năng lực tài chính là cơ quan chủ quản đầu tư cả dự án. Vướng mắc này đang xuất hiện tại các dự án cầu Kênh Vàng và đường dẫn 2 đầu cầu, kết nối Bắc Ninh và Hải Dương; cầu Hải Hưng kết nối Hưng Yên và Hải Dương; đường nối TP. Bắc Kạn - Hồ Ba Bể kết nối Bắc Kạn với Tuyên Quang; Dự án Hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên kết nối Lào Cai và Lai Châu; cầu Gành Hào và đường dẫn kết nối Bạc Liêu và Cà Mau...

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế: địa phương được giao thẩm quyền làm cơ quan chủ quản, sử dụng vốn ngân sách địa phương đầu tư các dự án cao tốc liên vùng, các tuyến quốc lộ với sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương khi cần thiết.

Được biết, trong thời gian vừa qua, nhiều địa phương đã có văn bản đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép được giao làm cơ quan chủ quản đầu tư, nâng cấp các đoạn tuyến quốc lộ, cao tốc thuộc địa bàn quản lý nhằm giải quyết những bức xúc về hạ tầng giao thông tại địa phương.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, Luật Xây dựng, hệ thống quốc lộ do Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) chịu trách nhiệm tổ chức quản lý, thực hiện đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, Luật Ngân sách nhà nước cũng quy định, việc đầu tư, nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương, do Bộ GTVT quản lý, quyết định đầu tư và bố trí vốn thực hiện.

Đối với các tuyến đường cao tốc, việc quản lý đầu tư xây dựng thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT theo quy định tại Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ.

Như vậy, các quy định pháp luật nêu trên không cho phép địa phương là cơ quan chủ quản, sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư các dự án đầu tư quốc lộ, cao tốc thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương. Điều này dẫn tới tình trạng, nhiều địa phương tuy có vốn, có nhu cầu đầu tư đoạn tuyến quốc lộ, cao tốc liên vùng đi qua địa phương mình, nhưng không thể triển khai, dẫn tới lãng phí nguồn lực chung của cả đất nước.

Theo ông Nguyễn Quang Vĩnh, với các địa phương có nguồn thu ngân sách cao, việc có cơ chế giao địa phương làm cơ quan chủ quản sử dụng nguồn vốn địa phương đầu tư các dự án giao thông (quốc lộ, cao tốc) thuộc nhiệm vụ chi và phạm vi quản lý của cơ quan trung ương sẽ thực hiện triệt để việc phân cấp, phân quyền.

Với cơ chế này, các địa phương sẽ cân đối nguồn lực, cắt giảm các dự án đầu tư manh mún, nhỏ lẻ để tập trung nguồn lực đầu tư cho các dự án trọng điểm, mang tính đột phá. Việc được hưởng trực tiếp lợi ích từ dự án sẽ gắn liền với trách nhiệm của địa phương trong công tác GPMB, tái định cư; kiểm soát ngay từ đầu việc cấp phép các nguồn vật liệu.

“Bên cạnh đó, việc giao một số địa phương thực hiện nhiệm vụ của cơ quan chủ quản của Bộ GTVT sẽ tạo đột phá trong đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ, qua đó phát huy được tối đa các tiềm năng, lợi thế của địa phương có tuyến đi qua, bao gồm cả việc sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước của Trung ương và địa phương”, lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá.

Tin bài liên quan