Tập đoàn Đức Long Gia Lai bị khởi kiện và đã bị Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai tuyên mở thủ tục phá sản. Trong ảnh: Trụ sở của Tập đoàn Đức Long Gia Lai.

Tập đoàn Đức Long Gia Lai bị khởi kiện và đã bị Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai tuyên mở thủ tục phá sản. Trong ảnh: Trụ sở của Tập đoàn Đức Long Gia Lai.

Khởi kiện mở thủ tục phá sản doanh nghiệp: Chiêu đòi nợ “hiểm” - Bài 4: Con dao hai lưỡi

0:00 / 0:00
0:00
Nếu doanh nghiệp quá lạm dụng quy định Luật Phá sản để triệt hạ nhau, có thể dẫn tới hậu quả chơi dao hai lưỡi.

Bài 4: Con dao hai lưỡi

Theo các luật sư, Luật Phá sản giúp bảo vệ quyền lợi của chủ nợ, nhưng có thể bị doanh nghiệp lợi dụng, biến thành “công cụ” để triệt hạ đối thủ, gây tổn hại về hình ảnh và uy tín đối với doanh nghiệp bị khởi kiện. Song nếu không đủ chứng lý, thì bên khởi kiện cũng có thể bị kiện ngược.

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ nợ, người lao động

Theo luật sư Nguyễn Tấn Thi, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hoa Sen (TP.HCM), so sánh với các biện pháp đòi nợ khác, thì giải pháp kiện yêu cầu mở thủ tục phá sản ở thời điểm này có nhiều yếu tố thuận lợi.

Trước tiên, chi phí liên quan đến việc khởi kiện có khung quy định của nhà nước, chứ không phải tự thỏa thuận như các dịch vụ đòi nợ trước đây. Theo quy định, lệ phí nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản rất thấp, chỉ 1,5 triệu đồng. Thù lao cho quản tài viên thực hiện thanh lý tài sản cũng được quy định theo khung: nếu tổng giá trị tài sản khi thanh lý dưới 100 triệu đồng, thì chỉ tốn thù lao 5% tổng giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý; từ trên 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, thì thù lao tương đương 20 tháng lương cơ sở; từ trên 1 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng, thì thù lao tương đương 36 tháng lương cơ sở…

Hơn thế, theo Luật Phá sản, sau khi nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn, tòa án phải ra phán quyết mở hay không mở thủ tục phá sản.

Trong khi đó, ở vụ kiện dân sự đòi nợ thông thường, nếu không có tình tiết phức tạp, thì một vụ án khởi kiện này có thể kéo dài khoảng 6 tháng; nếu phức tạp, thì có thể kéo dài khoảng 8 tháng, chưa kể, khâu thi hành án cũng khá “lê thê”.

Cũng theo Luật Phá sản, đối tượng có quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp rất đa dạng, từ chủ nợ cá nhân hay tập thể, từ người lao động, công đoàn cơ sở cho tới cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên và cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 6 tháng…

Đáng nói là, kể cả những doanh nghiệp đang có lợi nhuận, nhưng có khoản nợ đến hạn trong thời gian 3 tháng mà không trả nợ (mất khả năng thanh toán), thì thẩm phán vẫn ra quyết định mở thủ tục phá sản theo quy định.

Như vậy, về cơ bản, Luật Phá sản bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ nợ, người lao động một cách tối ưu, bởi hậu quả của việc doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán là rất nghiêm trọng. Một doanh nghiệp dù nhỏ khi mất khả năng thanh toán cũng làm cho hàng trăm người bị mất việc làm, mất thu nhập; ngân hàng và các doanh nghiệp cho vay khó có khả năng thu hồi công nợ. Chỉ khi có quyết định của tòa án tuyên bố doanh nghiệp phá sản, mới có thể xử lý những tài sản còn lại của doanh nghiệp đó nhằm thu hồi, thanh toán các khoản nợ, các khoản lương, bảo hiểm của người lao động cũng như xử lý các khoản thuế.

Đừng để Luật Phá sản bị biến thành công cụ “triệt hạ” nhau

Nhiều luật sư đã chỉ ra “khe hở” trong việc thực hiện Luật Phá sản. Đó là quy định: dù doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh tốt, có lợi nhuận, nhưng có khoản nợ đến hạn trong thời gian 3 tháng mà không trả nợ, thì vẫn coi là “mất khả năng thanh toán” và thẩm phán sẽ ra quyết định mở thủ tục phá sản.

Liên quan vấn đề này, từ cuối năm 2020, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã gửi góp ý tới Tòa án Nhân dân tối cao, đề nghị rà soát và đánh giá tình hình thực hiện các quy định của Luật Phá sản.

VCCI cho rằng, Luật chưa có căn cứ rõ ràng và chính xác để xác định một doanh nghiệp, hợp tác xã thực sự lâm vào tình trạng “mất khả năng thanh toán” và khó để phân biệt với tình huống “không chịu thanh toán”.

Trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp có đầy đủ khả năng thanh toán, nhưng do nhiều nguyên nhân không chịu thanh toán (do hai bên chưa thống nhất về công nợ…), hoặc không thể thanh toán tại thời điểm bị đòi nợ (do chưa thu hồi được khoản nợ khác để có dòng tiền trả nợ…). Vì vậy, căn cứ này có khả năng trở thành “công cụ” để các đối tác “đòi nợ” lẫn nhau và có thể dẫn tới hậu quả là doanh nghiệp bị khởi kiện bị ảnh hưởng về uy tín và thiệt hại trên thực tế.

Không chỉ vậy, theo luật sư Lê Ngô Trung, Giám đốc Công ty Luật TNHH Trung Lê và Cộng sự (TP.HCM), với quy định và hướng dẫn trên, có thể sẽ có doanh nghiệp lợi dụng tình huống “quá hạn thanh toán, có tài sản mà không thanh toán” để đề nghị tòa án mở thủ tục phá sản, ngoài mục đích yêu cầu thanh toán, còn có mục đích gây tổn hại về hình ảnh, uy tín và “ngăn chặn” các giao dịch của đối phương.

Đối với các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các công ty đại chúng, dù khoản nợ không đáng kể so với nguồn tài sản hiện hữu, nhưng khi rơi vào tình huống bị đối thủ “triệt hạ” theo phương thức khởi kiện yêu cầu mở thủ tục phá sản (dù sau đó, tòa án có chấp thuận yêu cầu hay không), thì thiệt hại sẽ là rất lớn.

Vì vậy, cần có quy định phù hợp và sát với thực tế hơn về các trường hợp này, bởi khi bị thiệt hại và phải chịu những hệ lụy kéo theo, doanh nghiệp khó có thể khởi kiện để yêu cầu được đền bù tổn thất.

Cẩn trọng khi “chơi dao”

Chỉ ra những điểm thuận lợi của giải pháp thu hồi nợ thông qua việc khởi kiện yêu cầu mở thủ tục phá sản, nhưng luật sư Nguyễn Tấn Thi không ủng hộ việc sử dụng biện pháp này như một “công cụ” để đòi nợ và hơn thế là để các doanh nghiệp “triệt hạ” nhau.

Bởi trong kinh doanh, dòng tiền luôn luân chuyển, việc doanh nghiệp này nợ “gối đầu” doanh nghiệp kia rất phổ biến. Đặc biệt, trong vụ Coteccons và Ricons, cả 2 đều là “con nợ” của nhau, chứ không chỉ mình Coteccons.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn cũng lao đao, gặp khó về dòng tiền. Vì vậy, đối với các khoản công nợ, trước tiên, nên có sự chia sẻ từ 2 phía, sau đó, cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng để làm rõ: doanh nghiệp cố tình không trả nợ, hay chậm trả vì khó khăn, hoặc mất khả năng thanh toán để có giải pháp phù hợp, chứ chưa nên “mạnh tay” áp dụng luật để “xử” nhau. Bởi hậu quả sau quyết định “lạnh lùng” là uy tín, thương hiệu gây dựng hàng chục năm của doanh nghiệp, đặc biệt là công ty đại chúng, có thể đổ vỡ, kéo theo sự đổ vỡ của các đối tác, cổ đông theo hiệu ứng “domino”.

Đơn cử trường hợp của Tập đoàn Đức Long Gia Lai, công ty này đã thừa nhận, do tình hình tài chính khó khăn, nên không có khả năng trả nợ ngay một lúc (nợ Công ty Lilama 45.3 tổng số tiền là 17 tỷ đồng), nên muốn thanh toán theo từng đợt trong khoảng thời gian từ năm 2023 đến năm 2026, hoặc sớm hơn, nếu tình hình kinh doanh của Công ty dần ổn định.

Trong khi đó, phía Lilama 45.3 cho rằng, Đức Long Gia Lai đã không tuân thủ việc thanh toán theo thỏa thuận và cố tình trì hoãn bởi Lilama 45.3 đã gia hạn, nên mới khởi kiện.

Trong tình huống này, theo các luật sư, thay vì để 2 doanh nghiệp tự thỏa thuận và kết quả bất thành, buộc tòa án phải ra phán quyết mở thủ tục phá sản, nên có cuộc đàm phán giữa 2 doanh nghiệp dưới sự chứng kiến của cơ quan chức năng để hình thành cam kết trả nợ trên tinh thần chia sẻ khó khăn với nhau. Nếu tới thời hạn cam kết, mà Đức Long Gia Lai tiếp tục không tuân thủ, thì mới tiến hành biện pháp “mạnh”.

Mặt khác, xét về động cơ, mục đích, có thể hiểu rằng, bên yêu cầu phá sản muốn “dọa” để bên đang vay nợ lo sợ mà trả tiền. Tuy nhiên, nhìn từ vụ việc Tập đoàn Tân Tạo đang khởi kiện ngược doanh nghiệp và cá nhân đề nghị tòa tuyên mình phá sản, có thể thấy, nếu kiện mở thủ tục phá sản mà chứng lý không chặt chẽ, có thể sẽ bị đối phương “phản pháo”, kiện ngược, chưa kể nguy cơ rủi ro bị kiện bồi thường thiệt hại từ các đối tác, cổ đông của công ty đại chúng.

Như vậy, nếu cá nhân hay tổ chức “tận dụng” lợi thế của Luật Phá sản để ồ ạt khởi kiện đề nghị tuyên phá sản nhằm “triệt hạ” nhau, mà cơ quan chức năng không xem xét, cân nhắc kỹ càng, thì có thể gây ra hậu quả khôn lường. Bởi khi quy mô của doanh nghiệp phá sản càng lớn, tham gia vào quá trình phân công lao động càng sâu rộng, số lượng bạn hàng càng đông, thì việc doanh nghiệp đó bị phá sản càng có thể dẫn đến sự phá sản hàng loạt của các doanh nghiệp bạn hàng theo “hiệu ứng domino”.

Đề cập vụ việc của Tập đoàn Đức Long Gia Lai (đã bị Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai tuyên mở thủ tục phá sản), luật sư Nguyễn Tấn Thi, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hoa Sen phân tích, theo quy định của Luật Phá sản, thì doanh nghiệp mất khả năng thanh toán trong trường hợp này vẫn có quyền được tiếp tục hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, để tránh phát sinh lỗ hoặc kinh doanh phi pháp nhằm tẩu tán tài sản, thì mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này phải chịu sự giám sát của Thẩm phán và quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

Trong thời gian này đến trước ngày ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản, nếu Đức Long Gia Lai thanh toán khoản nợ cho Lilama 45.3 hoặc 2 bên thỏa thuận được việc gia hạn và được Lilama 45.3 rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, thì Tòa án xem xét quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản theo quy định tại khoản 1, Điều 86, Luật Phá sản nếu có căn cứ xác định đã thanh toán hết nợ cho tất cả các chủ nợ hoặc có thỏa thuận giữa các chủ nợ và doanh nghiệp, hợp tác xã về việc gia hạn trả nợ. Trường hợp này được coi là doanh nghiệp, hợp tác xã không mất khả năng thanh toán vì không còn khoản nợ đến hạn chưa thanh toán.

Tin bài liên quan