Khởi kiện để thu hồi tiền đã trả sai cho điện mặt trời mái nhà vi phạm

0:00 / 0:00
0:00
EVNSPC yêu cầu điện lực trực thuộc tiếp tục rà soát thu thập chứng cứ, phân tích và kết luận pháp lý hợp đồng mua điện mặt trời mái nhà để không bỏ lọt các trường hợp gian lận.
Khởi kiện để thu hồi tiền đã trả sai cho điện mặt trời mái nhà vi phạm

Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) yêu cầu các công ty điện lực thông báo cho chủ đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái nhà việc hủy hợp đồng mua bán điện đồng thời tách đấu nối hệ thống phát điện mặt trời khỏi lưới điện với các trường hợp kết luận có sai phạm nghiêm trọng dẫn đến hợp đồng vô hiệu khi chủ đầu tư không thống nhất với kết luận, nhưng không cung cấp thêm bất cứ chứng cứ chứng minh tính hợp pháp của hệ thống bị kết luận vi phạm theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg và Thông tư 18/2020/TT-BCT.

Bước tiếp theo là điện lực truy thu và làm thủ tục khởi kiện để thu hồi phần tiền đã trả sai do chủ đầu tư vi phạm.

Để tiến tới truy thu và làm thủ tục khởi kiện để thu hồi phần tiền đã trả sai này, EVNSPC vừa tiếp tục yêu cầu các công ty điện lực thành viên (gồm 21 đơn vị từ Ninh Thuận trở vào, trừ TP.HCM) khẩn trương thu thập chứng cứ về các hệ thống điện mặt trời mái nhà và báo cáo kết quả soát xét theo hàng loạt nội dung.

Các thông tin được yêu cầu thu thập là dữ liệu công tơ mua bán điện thể hiện mức công suất phát điện khi đóng điện kích hoạt (hoặc sản lượng) trong khoảng thời gian từ khi đóng điện vận hành đến trước 24h00 ngày 31/12/2020; dữ liệu từ thiết bị nghịch lưu (inverter) để bổ sung cho chứng cứ nêu trên nhằm dự phòng tình huống dữ liệu trong bộ nhớ công tơ không có hoặc không còn khai thác đủ thông tin liên quan cho kết luận và dữ liệu công tơ phát điện (nếu có): bổ sung cho chứng cứ nêu trên với trường hợp thuê mái nhà bán điện tại chỗ.

Ngoài ra còn có các dữ liệu sản lượng ghi điện chiều EVN mua, EVN bán (CMIS), ngày chốt chỉ số (ghi điện) của tháng 1/2021, sản lượng 2 chiều các tháng từ khi đóng điện.

Kèm theo đó là ảnh chụp mặt bằng tổng thể (flycam, máy ảnh ...), ảnh vệ tinh hệ thống điện mặt trời được lắp đặt các thời điểm (nếu có): ngày nghiệm thu và đấu nối vận hành; ngày 31/12/2020; ngày 01/01/2021; ngày kiểm tra gần nhất…

EVNSPC cũng yêu cầu thu thập thêm các chứng cứ khác như CO/CQ, văn bản xác nhận các sự kiện, sự cố có yếu tố khách quan từ các cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân khác làm tạm ngưng, gián đoạn hoặc không thể thực hiện được việc vận hành phát điện hệ thống ĐMTMN… thuộc lập luận, giải trình của chủ đầu tư nhằm củng cố, bổ sung xác thực hệ thống điện mặt trời áp mái nhà được thực hiện đúng quy định.

Việc thu thập các chứng cứ này là nhằm hỗ trợ bổ sung cho việc đánh giá, xác thực, chứng minh rằng hệ thống điện mặt trời áp mái nhà của chủ đầu tư có được thực hiện đúng hay không đúng quy định hay không trong 3 trường hợp cụ thể sau.

Đó là thực hiện các điều kiện “vận hành phát điện và xác định chỉ số công tơ” theo các quy định tại khoản 4 Điều 8 QĐ 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020; có hay không việc “vi phạm tự ý lắp thêm tấm pin quang điện” quy định tại Điểm c, Khoản 1 Điều 5 Thông tư 18/2020/TT-BCT ngày 17/7/2020 và có hay không “vi phạm do có sự sai lệch công suất/số lượng tấm PV” tại thời điểm được lắp đặt hoàn tất, nghiệm thu kiểm tra kỹ thuật và ký kết hợp đồng mua bán ĐMTMN từ ngày 31/12/2021 trở về trước (đến 01/7/2019) (theo QĐ 13/2020/QĐ-TTg) so với công suất/tấm pin tại thời điểm kiểm tra xác định của ngành điện sau ngày 31/12/2020.

Trường hợp phía ngành điện không thu thập được bất kỳ chứng cứ dữ liệu từ công tơ mua bán điện, thiết bị nghịch lưu và công tơ phát điện, EVNSPC yêu cầu điện lực địa phương xác định hệ thống không vận hành trước thời điểm ngày 31/12/2020 theo quy định của Khoản 4 điều 8 Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg và kết luận không đủ điều kiện tiếp tục thực hiện hợp đồng.

Các trường hợp giải trình từ chủ đầu tư về việc "không vận hành" chỉ được xem như là một lý do chủ quan từ phía chủ đầu tư và ngành điện không có thẩm quyền giải quyết.

Việc xử lý sau đó được yêu cầu thực hiện theo hướng công ty điện lực thương lượng với chủ đầu tư để thống nhất việc tạm ngừng thực hiện hợp đồng trong thời gian tối đa là đến ngày 15/11/2021, mốc thời gian để chủ đầu tư cung cấp, bổ sung chứng cứ đảm bảo tính pháp lý hoặc có hướng dẫn từ Bộ Công Thương cho phép tiếp tục thực hiện hợp đồng theo chứng cứ mà chủ đầu tư cung cấp; hoặc hoàn thành xong việc xét xử tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật/Tòa án.

Việc tiến hành tạm ngừng thực hiện hợp đồng sẽ có 2 mức độ là tạm ngừng thanh toán, nhưng vẫn tiếp nhận nguồn điện hoặc tạm ngừng thanh toán, nhưng không tiếp nhận nguồn điện trong thời gian tạm ngừng.

Trường hợp chủ đầu tư không đồng ý với việc tạm ngừng thực hiện hợp đồng trong khoảng thời gian đã thống nhất với chủ đầu tư, thì công ty điện lực vẫn có thể chủ động tạm ngưng thanh toán tiền điện trong trong khoảng thời gian đã thống nhất.

Các trường hợp kết luận có sai phạm, chủ đầu tư chỉ thống nhất một phần và khắc phục, triệt tiêu được một phần rủi ro dựa trên các chứng cứ sau khi thu thập (có tính pháp lý, khách quan) nhưng chưa đủ loại trừ được hết các nghi ngờ vi phạm, ngành điện sẽ thực hiện ký thỏa thuận tạm thời bổ sung phụ lục hợp đồng điều chỉnh phần đã thống nhất và xử lý dứt điểm (theo thời hạn thỏa thuận). Phần chưa thống nhất yêu cầu chủ đầu tư cung cấp chứng cứ và tự tham vấn pháp lý từ cơ quan quản lý nhà nước có chức năng để trả lời hoặc hướng dẫn xử lý phần tranh chấp trong khoảng thời gian trước 10/11/2021; các nội dung không vi phạm được tiếp tục thực hiện hợp đồng theo đúng quyền hạn và nghĩa vụ quy định.

Các công ty điện lực địa phương cũng được yêu cầu báo cáo kết quả soát xét và xử lý cho Sở Công Thương để phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

Tin bài liên quan