Có 5 mốc thời gian chính trong kế hoạch hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Pre F/S) Dự án Tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vừa được Ban quản lý Dự án đường sắt đề xuất với Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT).
Cụ thể, nếu được Bộ chủ quản thông qua đề cương - dự toán, Ban quản lý Dự án đường sắt sẽ tiến hành lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện việc hoàn thiện Pre F/S không chậm hơn tháng 12/2016. Đây là điều kiện cần đầu tiên để có thể thông qua báo cáo đầu kỳ (tháng 4/2017) với 4 nội dung quan trọng là khái quát về Dự án; sự cần thiết phải đầu tư; sơ bộ hướng tuyến và vị trí các nhà ga, depot, trạm bảo dưỡng sửa chữa.
Trong báo cáo giữa kỳ (tháng 9/2017), tư vấn sẽ xác định số liệu dự báo nhu cầu vận tải và thống nhất chủ trương liên quan đến công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật chủ yếu, phương thức khai thác, phân kỳ đầu tư, quy mô và khối lượng công trình chủ yếu. Trên cơ sở các ý kiến góp ý qua 2 bước, Báo cáo cuối kỳ của việc rà soát, hoàn thiện Pre F/S sẽ được hoàn tất vào tháng 12/2017.
Được biết, đây là bước khởi đầu cho lộ trình kéo dài 3 năm để hoàn thiện Đề xuất dự án hạ tầng có quy mô vốn, độ phức tạp về công nghệ lớn nhất hiện nay. Sau khi xin ý kiến của các bộ, ngành, đơn vị, tổ chức, hiệp hội, các chuyên gia trong và ngoài nước, hồ sơ báo cáo cuối cùng sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng Thẩm định Nhà nước vào tháng 9/2018. Trên cơ sở ý kiến của Hội đồng Thẩm định Nhà nước, hồ sơ nghiên cứu sẽ được tiếp thu, chỉnh sửa để Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án vào tháng 4/2019.
Lãnh đạo Ban quản lý Dự án đường sắt cho biết, trong quá trình hoàn thiện Pre F/S, đơn vị tư vấn sẽ phải tổ chức hội thảo, truyền thông công bố Dự án tới cộng đồng dân cư, các ban, ngành, tổ chức có liên quan, chuyên gia cho 4 nội dung: tốc độ thiết kế và tốc độ khai thác; phương án khai thác; phân kỳ đầu tư cho từng giai đoạn và phương án huy động vốn.
Theo các chuyên gia, đây là dự án hạ tầng đầu tiên của Việt Nam được tổ chức tham vấn ý kiến cộng đồng một cách bài bản, chuyên nghiệp, nhằm tạo sự đồng thuận cao trong dư luận xã hội trước khi xin chủ trương của cơ quan lập pháp.
Tính đến thời điểm hiện tại, có 3 nghiên cứu về đề xuất đầu tư Dự án Tuyến đường sắt tốc độ cao tuyến Bắc - Nam, gồm nghiên cứu của Liên danh tư vấn Việt - Nhật (VJC); Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA); Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Các nghiên cứu này đến nay đã cũ, mới nhất là nghiên cứu của JICA cũng đã được trên 3 năm (năm 2013), nhiều yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả đầu tư Dự án cần được cập nhật cho phù hợp, đặc biệt là tổng mức đầu tư, công nghệ, tốc độ chạy tàu...
Cần phải nói thêm rằng, theo Quyết định số 214/QĐ - TTg ngày 10/2/2015 phê duyệt điều chỉnh Chiến lược Phát triển đường sắt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, việc xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã được xác định lộ trình tương đối cụ thể. Theo đó, từ nay đến năm 2020, Bộ GTVT được yêu cầu nghiên cứu phương án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435 mm, trong đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn, đặc biệt là khu vực kết nối với Thủ đô Hà Nội và TP.HCM như các đoạn Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang;
Trong giai đoạn đến năm 2030, sẽ triển khai xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao (trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160 km/giờ đến dưới 200 km/giờ), đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa, hạ tầng tuyến có thể đáp ứng khai thác tốc độ cao tốc 350 km/giờ trong tương lai, ưu tiên xây dựng trước những đoạn có nhu cầu vận tải lớn trên trục Bắc - Nam theo khả năng huy động vốn.
Được biết, để nâng cao chất lượng hoàn thiện Pre F/S, Ban quản lý Dự án đường sắt đề nghị Bộ GTVT làm việc với JICA để nhà tài trợ hỗ trợ một số nội dung mà tư vấn trong nước chưa có kinh nghiệm, như dự báo nhu cầu vận tải; lập, cập nhật tổng mức đầu tư; đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội. “Bên cạnh đó, do công trình có quy mô lớn, kỹ thuật công nghệ hiện đại, lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam, nên việc sử dụng tư vấn nước ngoài để thẩm tra Pre F/S là cần thiết”, ông Lê Kim Thành, Tổng giám đốc Ban quản lý Dự án đường sắt đề xuất.