Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, lễ công bố Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam là một hoạt động quan trọng nhất của Chương trình kết nối Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2018.
Sáng kiến Mạng lưới đổi mới sáng tạo đã thu hút hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia công nghệ tiêu biểu cho thế hệ tài năng, trí thức người Việt đang học tập và làm việc ở nước ngoài hưởng ứng tham gia, cùng với hàng trăm nhà khoa học, chuyên gia công nghệ trong nước và các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu, cùng gặp gỡ, tạo mối liên kết, trao đổi, chia sẻ tầm nhìn, chiến lược phát triển khoa học công nghệ và những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam cần đẩy mạnh trong thời gian tới.
Các bộ, cơ quan của Chính phủ sẽ lắng nghe, tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu các ý kiến của các bạn trẻ tài năng về những giải pháp phát triển đất nước dựa trên nền tảng công nghệ 4.0, để từ đó, tham mưu cho Chính phủ trong việc xây dựng chiến lược, thể chế, khuôn khổ pháp luật để hình thành một hệ sinh thái thông qua việc xây dựng, nhân rộng mô hình các Trung tâm đổi mới sáng tạo tiên tiến và hiệu quả trong cả nước.
Thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo và huy động lực lượng nhân tài, trí thức trong lĩnh vực khoa học, công nghệ là nòng cốt.
Theo Bộ trưởng, các bạn trẻ tài năng trở về ngày hôm nay đều là những tài năng, trí tuệ, đều khát khao cống hiến, chung tay xây dựng đất nước, vì một Việt Nam thịnh vượng.
“Thông qua sáng kiến Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, các bạn sẽ kết nối nhiều hơn nữa những tài năng, trí tuệ Việt Nam trên toàn thế giới, kết hợp với các nhà khoa học, các chuyên gia công nghệ, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tạo thành một sức mạnh mới, nguồn lực quan trọng, đưa đất nước ta không ngừng vươn lên, sánh vai cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới”, Bộ trưởng kỳ vọng.
Trước buổi lễ, sáng 19/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp mặt hơn 100 đại biểu tham dự Chương trình.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá rất cao việc trở về của các bạn trẻ tiêu biểu cho các nhà khoa học, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang bùng nổ và trở thành cơ hội lớn, ngàn năm có một, đối với các nước đang phát triển như nước ta, để chuyển đổi nền kinh tế, đột phá phát triển, thu hẹp khoảng cách, tránh tụt hậu.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn quan tâm thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, coi cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó cốt lõi là dữ liệu lớn, nền tảng mở, trí tuệ nhân tạo, robot … là cơ hội lớn mà “nếu không nắm bắt thì sẽ bị tiếp tục tụt hậu”.
Sự nhiệt huyết và quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ cũng như các Bộ trưởng đã tham gia các hoạt động trong suốt 2 ngày cuối tuần với hơn 100 nhà khoa học trẻ đã truyền cảm hứng và truyền lửa cho các trí thức trẻ.
Tiến sỹ Lê Viết Quốc, hiện đang làm việc tại Google chia sẻ, anh rất ấn tượng với các vị lãnh đạo và cảm nhận thấy sự chân thành, cầu thị lắng nghe của các nhà lãnh đạo. Đây là cơ hội cho Việt Nam để có thể bắt kịp và đi cùng thế giới trong cuộc cách mạng 4.0.
Tiến sỹ Bùi Hải Hưng, nhà nghiên cứu của Google Deepmind (Mỹ) cho hay, ngành AI (trí tuệ nhân tạo) thế giới tương đối “có duyên” với người Việt đang làm về công nghệ. Số người Việt Nam trên thế giới hoạt động trong lĩnh vực AI không phải là nhỏ, trong đó có những chuyên gia hàng đầu thế giới tại các môi trường hàng đầu như Google, Facebook, Microsoft…, những giáo sư tại các đại học hàng đầu thế giới. Đặc biệt, có những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực này đã tương đối thành công.
Thế nhưng, Việt Nam vẫn chưa có tiếng nói, dấu mốc trên bản đồ AI thế giới.
“Việt Nam nên làm gì? Theo tôi, nên tập trung xây dựng một trung tâm nghiên cứu AI hàng đầu của Việt Nam và đây là cách hiệu quả nhất để thế giới biết đến Việt Nam trên bản đồ AI”, Tiến sỹ Bùi Hải Hưng kiến nghị.
Trong khi đó, PGS. TS Hồ Anh Văn từ Viện Công nghệ khoa học và kỹ thuật tiên tiến Nhật Bản, cho rằng, công thức thành công của mạng lưới kết nối đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ là: Thành công = năng lực x nhiệt huyết x cách nghĩ. Và nếu các trí thức ở nước ngoài cần sự nhiệt huyết, thì Chính phủ cần có các chính sách cụ thể và các trí thức trong nước cần sự đón nhận sẵn sàng.
Từ những trải nghiệm của mình, Tiến sỹ Võ Quang Huệ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho rằng, trong sâu thẳm trái tim mọi người đều có lòng yêu nước, được sống trên đất nước mình, đóng góp công sức xây dựng đất nước, làm việc sẽ rất hào hứng và có nhiều niềm vui. Hơn nữa, trong thế giới phẳng như hiện nay, không phải làm việc ở Việt Nam, các nhà khoa học sẽ mất mối quan hệ ở nước ngoài. Ông Huệ mong sẽ có nhiều tài năng sẵn sàng trở về cống hiến cho đất nước hơn nữa.