Khơi dậy “tâm hồn” doanh nghiệp trong báo cáo thường niên

Khơi dậy “tâm hồn” doanh nghiệp trong báo cáo thường niên

(ĐTCK) Giám đốc truyền thông BVSC Bùi Mai Hiên chia sẻ, nếu Báo cáo thường niên chỉ là câu chuyện của những con số thì cũng như cách nói về một con người chỉ qua cân nặng và chiều cao. Báo cáo sẽ giá trị khi được viết, được kể như kể về ai đó mình yêu quý, ở đó, văn hóa và triết lý kinh doanh của DN chính là sức mạnh tiềm ẩn, như trái tim và tâm hồn con người.

Kể từ năm 2018, Ban tổ chức Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết, mà tiền thân là Cuộc bình chọn báo cáo thường niên (ARA), đã quyết định nâng tầm, thay đổi tên cũng như cách thức chấm điểm, bình chọn vinh danh các DN tốt nhất. Là một DN niêm yết, một thành viên tham gia cuộc bình chọn, chị có thể chia sẻ cảm nhận về sự thay đổi này?

Cuộc bình chọn báo cáo thường niên (ARA) tới nay đã bước sang năm thứ 10, có nghĩa rằng Ban Tổ chức đã có 10 năm đồng hành cùng DN niêm yết, từng bước chung tay hướng tới sự minh bạch, chuẩn mực trên thị trường, tôi nghĩ tựa như sự trưởng thành của một con người, khi chúng ta lớn lên cả về hình hài lẫn nhận thức, chúng ta cần được khoác một tấm áo mới, xuất hiện với một diện mạo mới.

Sau 10 năm, số lượng DN niêm yết đã tăng lên gấp nhiều lần, quy mô vốn hóa của các DN cũng tăng trưởng mạnh. Điểm đặc biệt là nhận thức và ý thức hoàn thiện mình cũng lớn dần lên trong mỗi DN, nên việc khoác một tấm áo mới cho cuộc bình chọn này là sự phù hợp và cần thiết.

Cuộc bình chọn không còn chỉ dừng lại ở chấm điểm để tìm ra báo cáo thường niên nào tốt để vinh danh, mà để tìm ra doanh nghiệp niêm yết nào tiêu biểu, điều này sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp không còn chỉ giới hạn tầm nhìn của mình là làm tốt báo cáo, mà cần tập trung phát triển có chiều sâu và bền vững hơn trong từng hoạt động của mình.

Bà Bùi Mai Hiên  

Được biết, BVSC từng có 3 năm liên tiếp được vinh danh trong TOP 10 Báo cáo thường niên tốt nhất tại các mùa giải ARA trước đây và năm nay tiếp tục được vinh danh trong TOP 10 DN niêm yết tiêu biểu trong nhóm Mid-Cap. Chị có thể chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc xây dựng báo cáo thường niên những năm qua?

 Tôi có may mắn gắn bó với việc làm báo cáo thường niên của công ty mình trong nhiều năm liên tiếp, điều đó cho tôi cơ hội sau mỗi năm nhìn lại được hiểu chính công ty mình với các góc nhìn toàn diện hơn và thêm yêu nó hơn. Vào đầu mỗi năm, nhóm làm báo cáo thường niên chúng tôi đều phải ngồi lại với nhau để nhìn lại một năm hoạt động, nếu như trước đây chúng tôi thường chỉ tập trung nhìn lại mình ở kết quả cuối cùng, doanh thu và lợi nhuận đạt được như thế nào? ROE, ROA, EPS… ra sao thì những năm gần đây chúng tôi dành nhiều thời gian hơn để nhìn lại chính mình nhưng ở các lát cắt cụ thể, và nó không chỉ là những con số đạt được. 

Chị có thể chia sẻ cụ thể hơn về quá trình này?

Làm báo cáo thường niên giống như bạn kể câu chuyện về công ty mình. Bạn hãy hình dung quá trình ấy giống như bạn kể câu chuyện về một ai đó bạn yêu quý.

Để làm điều đó trước hết bạn cần hiểu họ, mà diện mạo bên ngoài của một con người không nói hết được tất cả về họ. Tôi đọc được một nghiên cứu nói rằng, mô hình phát triển tổng thể một con người cần hội đủ 4 yếu tố, đó là có một cơ thể khỏe mạnh; có lý trí, tư duy nhạy bén để suy nghĩ và hành động; có một tâm hồn bình yên và một trái tim giàu cảm xúc để biết sống hạnh phúc.

Kể câu chuyện về doanh nghiệp cũng vậy. Các chỉ số tài chính, các chỉ tiêu đo lường hiệu quả kinh doanh, các thông tin về mô hình quản trị, cơ cấu tổ chức, định hướng chiến lược, kế hoạch kinh doanh, quản trị rủi ro, hay các phân tích và dự báo, các giải pháp thực thi, phản ánh sức khỏe của doanh nghiệp, các yếu tố nền tảng và tư duy của DN khi kinh doanh trên thị trường trong lĩnh vực ngành nghề của mình. Nhưng mỗi doanh nghiệp có một văn hóa và triết lý kinh doanh riêng và đó là sức mạnh tiềm ẩn bên trong mỗi doanh nghiệp.

Hay nói cách khác nó giống như phần trái tim và tâm hồn trong mỗi con người. Việc truyền thông về giá trị cốt lõi, về sự gắn kết với các bên liên quan, về chính sách cho người lao động, về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp…. cho thấy sự kết nối của doanh nghiệp với cả bên trong lẫn bên ngoài.

Một cuốn báo cáo phản ánh được đầy đủ các khía cạnh cả bên trong lẫn bên ngoài, cả phần xác lẫn phần hồn của doanh nghiệp, có quá khứ, có hiện tại lẫn khát vọng tương lai sẽ cung cấp cho công chúng bức tranh toàn diện hơn về doanh nghiệp mình đang hoặc sẽ đầu tư. 

Vậy theo chị cần chú trọng nội dung nào hơn trong các nhóm nội dung trên? Và nội dung nào thách thức hơn khi trình bày?

Theo quan điểm cá nhân thì tôi cho rằng, mỗi nhóm nội dung đều có vai trò và tầm quan trọng riêng để giúp người đọc nhận biết và thấu hiểu về công ty.

Đương nhiên, nhóm thông tin phản ánh về sức khỏe tài chính của DN, về quản trị công ty, về phân tích và dự báo… sẽ dễ trình bày hơn vì thường là những thông tin có thể lượng hóa được và có những hướng dẫn từ quy định pháp luật hoặc có thể tham khảo những thông lệ tốt trên thị trường.

Nhưng những nội dung thuộc về phần “hồn” hay nói cách khác là những giá trị tiềm ẩn bên trong mỗi DN thì không dễ thể hiện, vì nó đòi hỏi người làm báo cáo phải thực sự thấu hiểu chính công ty mình.

Vì mỗi công ty có một bản sắc văn hóa khác nhau nên chúng ta sẽ khó có thể tham khảo từ công ty khác để áp dụng cho mình, chỉ có thể tự mình tìm hiểu, nhận biết và chắt lọc những giá trị cần truyền tải. Nhưng thách thức này lại là cơ hội để chúng ta được sáng tạo và nó là cơ hội để chúng ta tạo sự khác biệt cho cuốn báo cáo của mình. 

Nếu trong một năm mà doanh nghiệp có tình hình tài chính không thực sự tốt, hoặc hiệu quả kinh doanh kém, hoặc chưa thể đầu tư nhiều vào các hoạt động xây dựng văn hóa công ty, làm thế nào để họ ghi điểm cho cuốn báo cáo thường niên?

Trước hết phải khẳng định rằng, yêu cầu tiên quyết đặt ra với một cuốn báo cáo thường niên là tính minh bạch và đó cũng là cách mà DN xây dựng niềm tin với cổ đông của mình cũng như với công chúng đầu tư nói chung.

Tương tự như việc phát triển tổng thể một con người cần hài hòa cả 4 nhóm yếu tố như tôi chia sẻ ở trên, có thể đâu đó có những giai đoạn trong cuộc sống cơ thể của bạn chưa khỏe mạnh, bạn bị bệnh ở đâu đó, nhưng nó sẽ chỉ là một giai đoạn nhất định và  các giá trị khác bên trong bạn vẫn đang tồn tại và phát triển để giúp bạn có cuộc sống tốt hơn mỗi ngày.

Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp trong một năm phụ thuộc vào nhiều yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan, nhưng các chỉ số tài chính năm đó chỉ là phần nổi trong tổng thể bức tranh về doanh nghiệp.

Ở góc độ chấm điểm của Ban tổ chức, tôi tin rằng Hội đồng chấm điểm sẽ không trừ điểm vì công ty bạn kinh doanh kém hiệu quả trong năm đó, nhưng họ sẽ trừ điểm khi bạn bỏ sót một thông tin cần phải công bố.

Tôi tin rằng, ở góc độ nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư tổ chức, họ không chỉ nhìn vào các con số trong một năm, họ còn nhìn ở cách mà công ty bạn kinh doanh như thế nào trên thị trường, cách công ty bạn quản trị rủi ro ra sao, họ nhìn vào tiềm năng ở đội ngũ ban lãnh đạo, những nhận định của công ty về cơ hội và thách thức và những đánh giá của công ty về điểm mạnh, điểm yếu của mình để tận dụng cơ hội và quản trị những thách thức đó như thế nào…. được trình bày trong cuốn báo cáo thường niên.

Tương tự, bạn đừng nghĩ rằng, xây dựng văn hóa công ty là cần phải tổ chức bao nhiêu sự kiện teambuilding hàng năm cho người lao động, hay tài trợ ngân sách cho bao nhiêu sự kiện cộng đồng…

Tại BVSC, chúng tôi có những hoạt động không cần phải đầu tư quá nhiều chi phí như phát động đạp xe kỷ niệm ngày thành lập Công ty; tham gia chạy bộ từ thiện, hay cán bộ của chúng tôi tình nguyện hiến máu, hoặc chúng tôi có các câu lạc bộ do chính các cán bộ lập nên như câu lạc bộ yoga, đạp xe, chạy bộ…

Những điều này không nhất thiết phải đầu tư quá nhiều tiền bạc, điều cần làm là tạo môi trường để người lao động được cống hiến trong công việc và được sống trong không khí vui vẻ, thân thiện và đoàn kết, mà đoàn kết chính là sức mạnh nội tại của DN. Và bạn có thể kể câu chuyện văn hóa công ty trong cuốn báo cáo thường niên theo cách của mình để người khác hiểu về mình.

Tin bài liên quan