Cả ngày 9/6, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017. Nhiều đại biểu đã bày tỏ băn khoăn về khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay.
Giải trình, làm rõ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, có cơ sở để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Không tăng trưởng cao thì sẽ tụt hậu
Giải thích vì sao trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Chính phủ vẫn nhất quán mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đó là do năm nay là năm thứ hai chúng ta thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, cũng như Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Năm 2017 cũng là năm bản lề, quan trọng tạo tiền đề cho việc thực hiện mục tiêu kế hoạch 5 năm.
“Thêm nữa, nhu cầu của chúng ta là phải phát triển nhanh để tránh tụt hậu so với các nước xung quanh trong khu vực”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Và yếu tố quan trọng thứ ba, tăng trưởng cao cũng là để tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển, cũng như để duy trì sự ổn định các cân đối lớn của nền kinh tế, như nợ công, bội chi ngân sách, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, góp phần ổn định xã hội và ổn định chính trị.
“Chính phủ cũng xác định không tăng tưởng bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường, bất ổn vĩ mô để lấy tăng trưởng và cũng xác định là ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững là mục tiêu hàng đầu. Vì thế, giải pháp căn cơ là khơi dậy mọi tiềm năng và tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Dù kinh tế còn nhiều khó khăn, song theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện nay, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều thuận lợi hơn 2016.
Theo phân tích của Bộ trưởng, nông nghiệp phục hồi mạnh hơn, do thời tiết thuận lợi và thực hiện các giải pháp tái cơ cấu ngân hàng, có khả năng đạt được mức tăng trưởng 3,05% trong năm nay. Trong khi đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng tích cực, sau khi phân tích, làm rõ từng ngành, từng lĩnh vực thì năm nay có thể tăng trưởng 13%; khu vực dịch vụ có thể tăng trưởng 7,79%; xuất khẩu khả năng tăng trưởng 10%; tiêu dùng cũng tăng trưởng tốt - khoảng 10%...
“Đó là những cơ sở tốt để Chính phủ tin vào mục tiêu tăng trưởng 6,7%”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và nhấn mạnh rằng, các cơ sở khác cho mục tiêu tăng trưởng còn là nhiều dự án trọng điểm đang được đẩy nhanh tiến độ, giải ngân vốn đầu tư công, vốn tư nhân, vốn ODA và cả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng giải ngân tích cực. Và tất cả sẽ góp phần vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Khai thác thêm 1 triệu tấn dầu là “tốt cho nền kinh tế”
Liên quan đến các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, một số đại biểu Quốc hội bày tỏ mối lo ngại khi Chính phủ quyết định khai thác thêm 1 triệu tấn dầu thô. Tuy nhiên, theo khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thì quyết định này là “tốt cho nền kinh tế”.
Thông tin từ Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, năm ngoái, cả nước khai thác 15,2 triệu tấn dầu, đầu năm nay - vừa căn cứ vào khả năng khai thác, vừa tính đến việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều rộng kết hợp chiều sâu, chú ý chất lượng tăng trưởng - Chính phủ đã xác định không khai thác dầu thô quá mứ, nên xây dựng kế hoạch khai thác 12,28 triệu tấn dầu trong năm nay.
Nhưng trước tình hình giá dầu phục hồi tốt, cũng như xem xét khả năng khai thác thực tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ quyết định “tận dụng cơ hội này để khai thác thêm 1 triệu tấn dầu phục vụ cho tăng trưởng”.
“Điều này hoàn toàn tốt cho nền kinh tế chứ không đến nỗi là khai thác quá mức hay làm cạn kiệt nguồn tài nguyên. Xin báo cáo để các đại biểu Quốc hội an tâm”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 24 để cụ thể hóa các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng cho các bộ ngành, từ đó các bộ ngành sẽ có các kịch bản cũng như mục tiêu tăng trưởng cho từng ngành, từng lĩnh vực và có giải pháp phù hợp.
Hai nhóm giải pháp dài hạn và ngắn hạn đã được Chính phủ đề cập. Nhóm giải pháp dài hạn, tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cải cách thể chế cũng như tăng năng suất lao động, mở rộng thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước.
Nhóm giải pháp ngắn hạn, tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực phát triển, thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn đầu tư, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình thực hiện Chỉ thị 24 của Thủ tướng Chính phủ của các bộ ngành, địa phương để có điều chỉnh kịp thời…
“Cũng có đại biểu cho rằng khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, nhưng Chính phủ thấy hoàn toàn là có cơ sở để chúng ta phấn đấu đạt được. Tất nhiên là với điều kiện tất cả chúng ta, tất cả hệ thống chính trị, cả người dân và doanh nghiệp, phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ tất cả các giải pháp mà Chính phủ đặt ra. Mục tiêu cao là để phấn đấu, tạo tiền đề cho việc thực hiện Kế hoạch 5 năm”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Chỉ còn 4% vốn đầu tư trung hạn chưa giao
Phát biểu tại phiên thảo luận, một số đại biểu Quốc hội đã đề cập chuyện giao kế hoạch vốn đầu tư công chậm. Tuy nhiên, theo giải trình của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Luật Đầu tư công có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Lần đầu tiên, chúng ta xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Tuy nhiên, tới tháng 11/2016, kế hoạch đầu tư công trung hạn mới được thông qua. Hiện tại, giao vốn đầu tư công đợt 1 đã đạt 64%. Đợt 2, đang chờ Quốc hội thông qua dự kiến sẽ giao trong tháng 6, đạt được 32%.
“Như vậy chỉ còn 4% là chưa giao. Đấy là vốn cho những công trình quan trọng quốc gia mà Quốc hội đang thông qua lần này”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Liên quan đến đầu tư công, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội hôm nay, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản và sử dụng hiệu quả nguồn vốn này. Đây chính là điều kiện quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.