Cho tới thời điểm này, có thể nói, các yếu tố bất lợi từ bên ngoài bắt đầu thẩm thấu vào kinh tế - xã hội nước ta với tốc độ khá nhanh, với quy mô ngày càng lớn.
Lạm phát trên toàn cầu vẫn cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đồng đô - la Mỹ tiếp tục lên giá so với nhiều đồng tiền khác. Xung đột Nga - Ukraine tiếp tục leo thang với vô vàn bất định. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 cùng với dự báo về sự đình trệ của 3 nền kinh tế lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Trong nước, áp lực lạm phát gia tăng. Sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức do khó khăn trong tiếp cận tín dụng, lãi suất tín dụng cao hơn đáng kể, chi phí sản xuất gia tăng do tác động của biến động về tỷ giá...
Khả năng thanh khoản, đơn hàng giảm sút, cá biệt có một số ngành giảm mạnh. Các gói giải pháp tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp đang cạn dần dư địa. Niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp với thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản cũng bị tác động do tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Nhưng vấn đề là sự bất an không chỉ ở khu vực doanh nghiệp.
Trên nghị trường, các đại biểu đã dành nhiều thời gian để chia sẻ về tâm lý sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý... Đây chính là một phần nguyên do lớn đang kìm hãm tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, cản trở việc thực hiện các gói giải pháp của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội...
Hơn thế, tâm lý này còn tác động xấu tới doanh nghiệp, ảnh hưởng tới các động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 vốn khá nặng nề trong bối cảnh mới, vì vậy càng trở nên thách thức hơn.
Các đại biểu Quốc hội đã rất tâm tư khi nhắc đến những thực trạng này.
Vì Quốc hội, Chính phủ làm ngày, làm đêm với tư duy đặt người dân, doanh nghiệp là trung tâm trong xây dựng thể chế; để các chủ trương, chính sách mới sớm đi vào cuộc sống, góp phần kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh trong bối cảnh mới. Vậy mà kết quả đạt được còn rất xa so với kỳ vọng, mục tiêu, nhiệm vụ được thiết kế.
Rõ ràng, vấn đề ở đây không chỉ là nhận diện tình hình, mà là nhận diện đúng, kịp thời để có giải pháp giải tỏa phù hợp, cả ngắn hạn và dài hạn.
Có thể là giải pháp hoàn thiện hệ thống quy định, để cơ quan thực thi và cơ quan kiểm tra, thanh tra đồng thuận trong cách áp dụng.
Có thể là siết chặt hơn nữa kỷ luật hành chính, kỷ cương công vụ, xác định rõ đẩy mạnh đầu tư công, thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp là thước đo của năng lực, bản lĩnh và đạo đức cán bộ.
Cũng có thể là những cam kết trong cơ chế để bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm được cụ thể hóa.
Mấu chốt là khơi dậy được động lực làm việc, động lực cống hiến cho công chức, cho các cơ quan nhà nước trong phát triển và cung cấp dịch vụ công. Khi đó, 12 nhóm nhiệm vụ của Chính phủ trình Quốc hội để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2023, cũng như nhiều kịch bản, giải pháp đang được liên tục nghiên cứu, xây dựng để ứng phó với tình hình mới sẽ có thêm sức thuyết phục. Dòng tiền sẽ hướng đúng vào các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế, phục vụ sản xuất, kinh doanh và đầu tư, giảm áp lực lạm phát, lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán...
Niềm tin của doanh nghiệp, của thị trường, nhờ vậy, cũng sẽ trở lại mạnh mẽ.