Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Lễ khởi công Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung. Ảnh: P.V
Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, cùng đại diện các bộ, ngành Trung ương, chủ đầu tư và nhà thầu thi công…
Tại Lễ khởi công, ông Lê Thành Hưng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP. Đà Nẵng cho biết, theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021, Cảng biển Đà Nẵng là cảng biển lớn nhất khu vực Miền Trung được quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt. Trong đó, Liên Chiểu là khu bến chính đóng vai trò là cảng cửa ngõ quốc tế khu vực miền Trung, tiếp nhận tàu có trọng tải 100.000D WT và lớn hơn, quy mô gồm các bến container, tổng hợp, hàng rời, bến cảng hàng lỏng/khí và các bến công vụ, sà lan.
Với lợi thế về kết nối giao thông liên vùng, Cảng Liên Chiểu nằm ở vị trí điểm cuối của các tuyến hàng lang kinh tế Đông Tây. Hiện các tuyến quốc lộ, đường Hồ Chí Minh, tuyến cao tốc Bắc Nam, đường ven biển kết nối toàn vùng Tây Nguyên và duyên hải miền Trung về Cảng và đặc biệt là sau khi cải tạo ga Kim Liên thành ga hàng hóa sau cảng, có tuyến xếp dỡ đường sắt trực tiếp trong cảng kết nối với tuyến đường sắt Bắc Nam, sẽ đảm bảo cảng Liên Chiểu thành cảng cửa ngõ miền Trung, tích hợp được tất cả các phương thức vận tải.
Đồng thời, với lợi thế cảng biển Đà Nẵng là cảng biển duy nhất tại khu vực miền Trung hiện đã thiết lập 30 chuyến tàu container cập cảng/tuần, trong đó có 7 tuyến nội địa và 23 tuyến quốc tế đi các nước nội Á.
Đây là các tiền đề quan trọng thu hút các hãng tàu thiết lập tuyến biển xa đi châu Âu, Bắc Mỹ, châu Phi khi các bến Liên Chiểu được đưa vào khai thác.
Ngày 15/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 359/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, phân khu cảng biển Liên Chiểu được quy hoạch có diện tích 1.285 ha, gồm khu bến cảng Liên Chiểu diện tích 450ha, phần còn lại được quy hoạch trở thành các khu công nghiệp, trung tâm logistics... gắn liền với hoạt động khai thác khu bến cảng Liên Chiểu.
Ngày 25/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 435/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung.
Ngày 18/4/2022, UBND TP. Đà Nẵng đã phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết Bến cảng Liên Chiểu tại Quyết định số 1059/QĐ-UBND với tổng diện tích 450 ha.
Gồm các phân khu chức năng, gồm Hạ tầng dùng chung (Đê chắn sóng có tổng chiều dài 2.090m; Luồng tàu vào cảng dài 7,3km, bề rộng 160m, Cao trình đáy -14,0m (hệ Hải đồ); các khu bến chính (Khu bến container diện tích 114ha, gồm 08 bến, với tổng chiều dài 2.750m, Khu bến tổng hợp diện tích 58ha, với tổng chiều dài 1.550m tiếp nhận tàu container, tổng hợp có trọng tải 100.000 DWT (sức chở từ 6.000 - 8.000Teus) lên đến 200.000DWT (sức chở 18.000 Teus); Khu bến thủy nội địa diện tích 38ha với tổng chiều dài tuyến bến 1.200m tiếp nhận tàu trọng tải đến 5.000DWT để tiếp chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa và ven biển giảm ách tắc hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ và Khu bến dầu (gồm 6 bến bố trí phía trong đê chắn sóng, tiếp nhận tàu trọng tải 30.000DWT).
Ngày 22/6/2022, UBND TP. Đà Nẵng đã có Quyết định số 1672/QĐ-UBND phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung, với tổng mức đầu tư 3.426,3 tỷ đồng.
Dự án bao gồm các hạng mục chính, gồm: Xây dựng Kè chắn sóng và đê chắn sóng: Chiều dài khoảng 1.170m thuộc công trình giao thông cấp đặc biệt; Luồng tàu và khu nước: Luồng tàu dài khoảng 7,3km, chiều rộng luồng tàu 160m, cao độ đáy nạo vét -14,0m (hệ Hải đồ), bố trí khu quay trở, hệ thống báo hiệu hàng hải thuộc công trình giao thông cấp I; Đường giao thông kết nối đến cổng cảng, quy mô 6 làn xe, bề rộng 30m; và Hạ tầng kỹ thuật cấp điện, cấp nước và công trình phụ trợ đồng bộ đến cổng của khu vực bến cảng khởi động.
Sau khi được UBND TP. Đà Nẵng giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư Dự án từ ngày 14/6/2021 đến nay là hơn 548 ngày, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Thành phố, Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và sở, ban, ngành địa phương hoàn thành hồ sơ, trình tự, thủ tục các bước theo luật định; tổ chức đấu thầu rộng rãi trên cổng thông tin của Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia.
Kết quả, nhà thầu Liên danh Công ty cổ phần Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân - Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng DACINCO - Công ty cổ phần Xây dựng Xuân Quang đã trúng thầu thi công. Thời gian thực hiện Hợp đồng là 1.380 ngày (gồm 1.080 ngày thực hiện và 300 ngày hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan đến hợp đồng).
Như vậy, công trình đủ điều kiện để khởi công theo quy định hiện hành.
“Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung sau khi hoàn thành sẽ tạo cơ sở để phát triển các bến giai đoạn tiếp theo theo quy hoạch. Hiện nay, cảng Liên Chiểu là 1 trong 7 dự án động lực TP. Đà Nẵng tập trung kêu gọi đầu tư trong thời gian đến. Đã có một số doanh nghiệp lớn được UBND Thành phố trao chứng nhận cho phép nghiên cứu đầu tư dự án Cảng biển Liên Chiểu. Sau khi hoàn thành, cảng Liên Chiểu sẽ là đòn bẩy, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố Đà Nẵng và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đất nước”, ông Hưng cho hay.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo Đà Nẵng và các cơ quan, đơn vị liên quan bấm chuông động thổ Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung. Ảnh: P.V |
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ khởi công Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói: Đây là bước chuyển cụ thể rất thiết thực, để hiện thực hóa mục tiêu chiến lược tại Nghị quyết số 43/NQ-TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Đó là, Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của nước ta và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ, thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế, với vị trí là hạt nhân của những đô thị được tăng trưởng cùng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên, để đến 2045, TP. Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thành phố biển đáng sống và đạt đẳng cấp khu vực Châu Á.
Theo Chủ tịch nước, ý nghĩa của Dự án Đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu - Phần hạ tầng dùng chung có mục tiêu nâng cấp cảng biển Liên Chiểu thông qua lượng hàng đến 5,5 triệu tấn/năm trong giai đoạn đầu và phát triển các bến giai đoạn tiếp theo để giảm tải cho cảng Tiên Sa và Sơn Trà, giảm áp lực giao thông đường bộ đi qua nội đô TP. Đà Nẵng, tăng cường kết nối vùng, liên vùng, phát triển bền vững kinh tế - xã hội, như tinh thần Quyết định 435/QĐ-TTg ngày 25/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ,
Với vị trí thuận lợi về độ sâu, kho bãi rộng, gần chuyến hàng cảng quốc tế, thị trường hàng hóa dồi dào từ hàng lang kinh tế Đông - Tây, cảng Liên Chiểu được đánh giá có tiềm năng trở thành cảng biển hàng đầu. Cùng với Đông Nam Á, khu vực cảng Liên Chiểu khá thuận lợi về kết nối giao thông, kết nối các khu công nghiệp của thành phố.
Cảng Liên Chiểu sẽ là điểm sáng, tạo bứt phá, không chỉ đối với ngành vận tải, logistics mà ngành du lịch, dịch vụ cũng được hưởng lợi, tạo thành mạng lưới thương mại quốc tế đa diện, mở rộng không gian phát triển không chỉ cho Đà Nẵng mà cả khu vực miền Trung, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững phên dậu, mạng sườn, tiền tiêu cho Tổ quốc. Điều này góp phần làm tăng vị thế của Đà Nẵng trên bản đồ các vịnh biển của Việt Nam và khu vực.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, việc Nhà nước đầu tư cảng liên chiểu Đà Nẵng không có nghĩa là chỉ đầu tư cho Đà Nẵng mà đầu tư cho cả vùng miền Trung, hướng đến quy mô kinh tế cả vùng, hay ít nhất là các tỉnh lân cận, để cùng chia sẻ không gian. Nhận thức này cũng cần lan tỏa trong công tác lập quy hoạch chiến lược.
Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND TP. Đà Nẵng, chủ đầu tư và các bên liên quan lưu ý 4 nội dung quan trọng.
Thứ nhất, không để xảy ra thất thoát, không tiêu cực, tham nhũng, đảm bảo chất lượng như thiết kế, đặc biệt là xây dựng đúng tiến độ, như đại diện đơn vị thi công đã cam kết là đến năm 2025, đưa công trình vào khánh thành, sử dụng, phát huy hiệu quả.
Thứ hai, đầu tư ứng dụng các công nghệ hiện tại, nhất là công nghệ lượng hóa, công nghệ số khai thác cảng biển, hướng đến xây dựng mô hình cảng xanh, theo tiêu chuẩn quốc tế.
Thứ ba, phải đạt mục tiêu giảm chi phí xây dựng hạ tầng, nhằm giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển.
Thứ tư, đảm bảo tính đồng bộ trong đầu tư hạ tầng kết nối cảng biển và hạ tầng logictics, nhất là giao thông liên kết vùng.