Lãnh đạo Bộ GTVT, tỉnh Đồng Nai và TP.HCM nhấn nút khởi công dự án - Ảnh: Lê Quân.
Dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (giai đoạn 1) thuộc đường Vành đai 3, TP.HCM chiều dài 8,22 km, gồm 6,3 km qua địa bàn Đồng Nai và 1,92 km đi qua địa bàn TP.HCM. Điểm đầu của dự án giao với tỉnh lộ 25B thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai; điểm cuối giao với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc TP.Thủ Đức,TP.HCM.
Hạng mục quan trọng nhất của Dự án thành phần 1A là cầu Nhơn Trạch dài 2,6 km, kết nối TP.HCM với Đồng Nai. Đây là cây cầu rất quan trọng tạo ra hướng kết nối mới giữa TP.HCM với vùng Đông Nam Bộ.
Toàn bộ Dự án thành phần 1A có tổng mức đầu tư 6.955 tỷ đồng, gồm vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) là 190,77 triệu USD (tương đương 4.175 tỷ đồng) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 2.779 tỷ đồng.
Tại lễ khởi công, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (thuộc Bộ GTVT) cho biết, dự án sẽ được thi công trong 3 năm.
Sau khi hoàn thành sẽ góp phần rút ngắn thời gian cũng như tạo điều kiện đi lại thuận lợi từ huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến TP. HCM và Bình Dương, tăng cường tính kết nối các đô thị vệ tinh, mở rộng không gian phát triển công nghiệp, logistics.. cho các tỉnh, thành phố trong khu vực. Đặc biệt góp phần phân luồng từ xa và giảm ách tắc cho các tuyến đường nội đô TP.HCM.
Về dài hạn, đường vành đai 3 là tuyến đường kết nối đến Sân bay Long Thành theo hướng quốc lộ 51, giúp giảm tải cho cao tốc Long Thành- Dầu Giây, giúp giảm chi phí vận tải cho doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch, Đồng Nai.
Sau khi biết cầu Nhơn Trạch được khởi công, ông Nguyễn Văn Điệp, Phó giám đốc Công ty VCAC, cho biết, mỗi tháng, doanh nghiệp chạy hàng trăm chuyến hàng chở container giữa TP.HCM với Đồng Nai. Hiện nay, do tình hình kẹt xe thường xuyên ở quốc lộ 51 nên hiệu suất quay đầu xe giảm một nửa. Doanh nghiệp còn phải chịu rất nhiều chi phí tiêu hao nhiên liệu khi kẹt xe quá nhiều.
Khi có cầu Nhơn Trạch sẽ tạo thêm hướng đi mới, khi đó xe có thể từ TP.Thủ Đức đi Đồng Nai sẽ gần hơn và không phải vòng qua cao tốc Long Thành – Dầu Giây hoặc quốc lộ 1 hướng cầu Đồng Nai.
Đánh giá về tầm quan trọng của Đường vành đai 3, TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, vùng Đông Nam Bộ là trung tâm công nghiệp, cảng biển và logistics lớn nhất của cả nước đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và trên 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam. Hiện nay, 70% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của khu vực Tây Nam Bộ đều thông qua cảng biển khu vực TP.HCM và cảng biển Vùng Đông Nam Bộ.
Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng giao thông của TP.HCM nói riêng và khu vực Đông Nam Bộ nói chung đang đối mặt với tình trạng quá tải, thiếu kết nối đồng bộ.
Khi Dự án thành phần 1A của đường Vành đai 3, TP.HCM hoàn thành đưa vào khai thác sẽ góp phần nâng cao tính kết nối giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận, kết nối các đô thị vệ tinh, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cho vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ.