Khởi công Cảng hàng không Quảng Trị: Đầu tư PPP sân bay vẫn hấp dẫn

0:00 / 0:00
0:00
Hôm nay, ngày 6/7, Cảng hàng không Quảng Trị được khởi công xây dựng theo phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP). Sự kiện này cho thấy nhà đầu tư vẫn tiếp tục quan tâm đầu tư PPP vào hạ tầng hàng không.
Phối cảnh sân bay Quảng Trị.

Phối cảnh sân bay Quảng Trị.

Tín hiệu vui về đầu tư PPP vào hạ tầng hàng không

Sau hơn 5 năm sân bay Vân Đồn - sân bay đầu tư PPP đầu tiên - được đưa vào khai thác, vẫn chưa có sân bay nào triển khai đầu tư thành công theo phương thức PPP. Tháng 3/2022, tỉnh Lào Cai đã động thổ dự án Sân bay Sa Pa nhưng đến nay vẫn chưa chọn được nhà đầu tư. Với dự án PPP sân bay Phan Thiết, năm 2023 nhà đầu tư cũng đã chấm dứt hợp đồng sau nhiều năm thi công dở dang.

Vì vậy, sự kiện khởi công Cảng hàng không Quảng Trị (gọi tắt là sân bay) theo phương thức PPP vào đầu tháng 7/2024 cho thấy vẫn có nhà đầu tư quan tâm, tham gia đầu tư vào sân bay.

Theo quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư của UBND tỉnh Quảng Trị, nhà đầu tư thực hiện dự án thành phần 2 (xây dựng cảng hàng không) thuộc dự án sân bay Quảng Trị là Liên danh Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng giao thông T&T (thành viên Tập đoàn T&T Group) và Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO 4.

Đáng chú ý, nhà đầu tư tham gia dự án PPP sân bay Quảng Trị với tổng mức đầu tư hơn 5.821 tỉ đồng do mình thu xếp mặc dù dự án không áp dụng cơ chế chia sẻ giảm doanh thu. Sau 2 năm chuẩn bị và xây dựng dự án, nhà đầu tư sẽ vận hành, khai thác sân bay Quảng Trị với thời gian dự kiến 47 năm 2 tháng.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt năm 2023, sân bay Quảng Trị là 1 trong 8 sân bay được hình thành, đưa vào khai thác hàng không dân dụng từ nay đến năm 2030. Các sân bay còn lại hình thành trong giai đoan này gồm: Long Thành, Lai Châu, Sa Pa, Nà Sản, Phan Thiết, Thành Sơn và Biên Hòa

Quyết định phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng cũng nêu rõ giải pháp huy động vốn đầu tư với các sân bay mới là huy động tối đa các nguồn vốn để đầu tư theo phương thức PPP. Do đó, dự án PPP sân bay Quảng Trị được khởi công không chỉ hiện thực hóa giải pháp huy động vốn PPP mà Chính phủ đã đề ra mà còn cho thấy hạ tầng hàng không vẫn hấp dẫn tư nhân đầu tư.

Ngoài phát triển kinh tế, sân bay Quảng Trị còn là cầu nối tri ân

Chủ trương đầu tư dự án sân bay Quảng Trị theo phương thức PPP được Thủ tướng phê duyệt nêu rõ mục tiêu dự án nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải đường hàng không ngày càng tăng cao, góp phần thúc đẩy phát triển chính trị, kinh tế, xã hội.

Đồng thời, sân bay Quảng Trị cũng đảm bảo tính cơ động cao trong việc phòng thủ, cũng như công tác cứu hộ, cứu nạn; đảm bảo quốc phòng - an ninh của khu vực Trung bộ nói chung và của tỉnh Quảng Trị nói riêng; phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển giao thông vận tải.

Theo TS. Nguyễn Bách Tùng, chuyên gia thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không, việc đầu tư sân bay Quảng Trị có ý nghĩa rất lớn không chỉ với Quảng Trị mà cả khu vực bắc miền Trung. Quảng Trị có tiềm năng du lịch rất lớn với nhiều bãi biển đẹp và các khu di tích lịch sử nổi tiếng thu hút nhiều người dân trong nước và du khách quốc tế.

Sắp tới Quảng Trị cũng có nhiều dự án công nghiệp được đầu tư khi tỉnh này có lợi thế lớn nằm trên 2 hành lang kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây kết nối các nước Lào, Thái Lan, Myanmar.

Theo ông Tùng, tuy có sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) và Phú Bài (Thừa Thiên Huế) lân cận nhưng khách đến Quảng Trị từ hai sân bay này vẫn có những bất tiện, khó khăn nhất định. Sân bay Quảng Trị được đầu tư không phải để bay sang Phú Bài hay Đồng Hới mà để kết nối đường bay với các địa phương xa hơn. Có sân bay tại Quảng Trị sẽ tạo điều kiện cho hành khách đến nhiều hơn, thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế xã hội nhanh hơn.

“Chủ trương đầu tư PPP vào hạ tầng giao thông luôn được Nhà nước xác định xuyên suốt để huy động nguồn vốn ngoài đầu tư công. Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, nhu cầu vốn đầu tư, phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 420.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện chỉ có sân bay Vân Đồn được đầu tư PPP hoàn thành đưa vào khai thác. Dự án sân bay Quảng Trị có nhà đầu tư tham gia là tín hiệu tốt để tiếp tục thực hiện những dự án PPP hàng không trong thời gian tới”, ông Tùng nhận định.

Phối cảnh sân bay Quảng Trị.

Phối cảnh sân bay Quảng Trị.

Với góc độ nhà đầu tư lần đầu tiên tham gia dự án sân bay, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Ủy ban Chiến lược Tập đoàn T&T Group cho biết, nhắc đến Quảng Trị là nhắc đến những dấu ấn lịch sử linh thiêng với rất nhiều những di tích gắn liền với các cuộc chiến tranh trong lịch sử dân tộc. Vì vậy, Cảng hàng không Quảng Trị không đơn thuần phục vụ mục tiêu thúc đẩy kinh tế xã hội, mà còn là một công trình mang tính tiếp nối và tri ân vùng đất anh hùng; là cầu nối gắn kết, kết nối nhân dân cả nước hướng về vùng đất thiêng Quảng Trị.

Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cũng chia sẻ, sân bay Quảng Trị chứa tình cảm rất lớn của đồng bào và nhân dân cả nước cũng như sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các ban bộ ngành Trung ương đối với tỉnh Quảng Trị; là niềm trăn trở của bao thế hệ lãnh đạo tỉnh Quảng Trị qua nhiều nhiệm kỳ, là mơ ước của nhân dân trong tỉnh, là mong muốn của các đối tác, du khách gần xa với Quảng Trị.

Bởi vậy, sân bay Quảng Trị không chỉ là cơ sở hạ tầng giao thông, mà còn là điều kiện quan trọng thu hút doanh nghiệp trong nước và quốc tế đến đầu tư, góp phần xây dựng Quảng Trị giàu đẹp. Đặc biệt, dự án còn là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân địa phương và những gia đình có người thân, đồng đội chiến đấu, hy sinh tại chiến trường Quảng Trị, bạn bè quốc tế đến với mảnh đất, con người Quảng Trị được thuận lợi, nhanh chóng và dễ dàng hơn.

“Chúng tôi trân trọng cảm ơn và ghi nhận sự nỗ lực, tâm huyết của Tập đoàn T&T Group đã đồng hành với tỉnh Quảng Trị và tiếp nối để xây dựng Quảng Trị ngày càng phát triển bền vững”, ông Hưng bày tỏ.

Theo Quyết định chủ trương đầu tư dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sân bay Quảng Trị được xây dựng tại các xã Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Quy mô cấp sân bay 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II. Công suất khai thác theo quy hoạch là 1 triệu hành khách và 3.100 tấn hàng hóa/năm.

Sân bay Quảng Trị được dự kiến đầu tư với công suất khoảng 2,2 triệu hành khách/năm vào năm 2046 và khai thác đến 5 triệu hành khách vào năm 2047; nhà ga hàng hóa được mở rộng theo lộ trình để đạt công suất 25.500 tấn/năm vào năm 2059.

Dự án sân bay Quảng Trị được chia thành: dự án thành phần 1 (giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ quan Nhà nước tại cảng hàng không) thực hiện theo hình thức đầu tư công; dự án thành phần 2 (xây dựng Cảng hàng không) thực hiện theo phương thức PPP, loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt dự án thành phần 2 với quy mô cấp sân bay 4C. Ngoài khai thác máy bay code C (Airbus A321, A320 hoặc tương đương), sân bay có khả năng phát triển cho khai thác máy bay code E (Boeing B747, B787, Airbus A350 và tương đương); đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5 triệu hành khách và 25.500 tấn hàng hóa/năm.

Dự án sân bay Quảng Trị được nhà đầu tư thực hiện theo phương thức PPP với lộ trình sau:

Trước năm 2026 sân bay Quảng Trị được xây dựng hoàn thành các công trình cơ bản đáp ứng khai thác 500.000 khách/năm gồm: đường băng dài 2.400m, rộng 45m; đường lăn nối đường băng với sân đỗ; sân đỗ máy bay đáp ứng 3 vị trí code C. Giai đoạn này, nhà ga hành khách được khai thác tầng 1 đảm bảo công suất 500.000 khách/năm. Đồng thời, xây dựng các công trình đảm bảo hoạt động bay, hạ tầng kỹ thuật, giao thông kết nối đảm bảo khai thác đồng bộ với công suất trên.

Giai đoạn đến năm 2030, sân bay Quảng Trị sẽ xây dựng thêm đường lăn, tăng chỗ đỗ máy bay lên 5 vị trí code C và có thể đỗ máy bay code E, nâng cấp nhà ga thành 2 cao trình đảm bảo khai thác 2,2 triệu khách/năm; xây dựng nhà ga hàng hóa công suất 5.600 tấn/năm.

Giai đoạn sau năm 2030, sân bay Quảng Trị sẽ xây dựng, mở rộng các công trình khu bay, nhà ga hành khách và các công trình liên quan để đảm bảo công suất khai thác 5 triệu hành khách/năm và khoảng 25.500 tán hàng hóa/năm.

Tin bài liên quan