Trước những diễn biến khó đoán định của năm 2017, doanh nghiệp khối phi nhân thọ đặt sự thận trọng lên hàng đầu

Trước những diễn biến khó đoán định của năm 2017, doanh nghiệp khối phi nhân thọ đặt sự thận trọng lên hàng đầu

Khối bảo hiểm phi nhân thọ thận trọng đặt mục tiêu tăng trưởng 2017

(ĐTCK) Năm 2017 dù được hỗ trợ bởi các chính sách mới của Nhà nước về bảo hiểm (như bảo hiểm tài sản công, bảo hiểm thiên tai…), tạo yếu tố tích cực thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ vẫn tỏ ra khá thận trọng khi xây dựng các mục tiêu tăng trưởng, bởi e ngại thị trường còn khó khăn.

Tại Hội nghị tổng kết năm 2016 và triển khai Kế hoạch kinh doanh năm 2017 được tổ chức mới đây, ông Trần Hoài An, Tổng giám đốc BIC cho biết, mặc dù chưa đạt mục tiêu như kỳ vọng, nhưng kết quả kinh doanh cả năm 2016 của BIC vẫn cho thấy sự khả quan.

Cụ thể, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 1.671 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2015, trong đó doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 1.476 tỷ đồng, tăng 15% (cao hơn mức tăng trưởng bình quân của toàn thị trường, ước khoảng 12,5%). Lợi nhuận trước thuế của riêng Công ty mẹ BIC đạt 137,8 tỷ đồng, tăng 19%. Tỷ lệ nợ phí ở mức thấp nhất từ trước đến nay là 3,1% trên doanh tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc.

Đây là thời điểm các doanh nghiệp khối phi nhân thọ nên tập trung tiếp tục tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh, dịch vụ khách hàng và quản lý điều hành.

Chia sẻ về kế hoạch kinh doanh năm 2017, ông Trần Hoài An cho biết, BIC xác định sẽ tập trung các giải pháp để tăng trưởng hiệu quả, an toàn, bền vững, gia tăng thị phần và vị thế của BIC trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam. BIC đặt mục tiêu tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2017 là 1.900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất phấn đấu đạt 186 tỷ đồng, tập trung xây dựng các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, chất lượng quản trị, điều hành, cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ trước, trong và sau bán hàng.

Một hãng bảo hiểm khác là PTI cũng khá thận trọng khi đặt mục tiêu tăng trưởng năm nay, ước khoảng 10%  doanh thu phí bảo hiểm gốc (tương đương 3.320 tỷ đồng). Trong đó, nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới đặt mục tiêu đạt 2.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 60% tổng doanh thu, bảo hiểm con người là 626 tỷ đồng, tỷ trọng tương ứng là 19%. Lợi nhuận trước thuế 191 tỷ đồng và tiếp tục duy trì tỷ lệ cổ tức 12%.

Hãng bảo hiểm này dự kiến sẽ tiếp tục tăng tỷ trọng doanh thu từ các kênh bán hàng mà PTI đang có lợi thế như kênh VNpost, bancassurance, telesales.

Bên cạnh việc duy trì vị thế là doanh nghiệp đứng thứ 2 về bảo hiểm xe cơ giới, năm 2017, PTI sẽ phát triển các sản phẩm bảo hiểm con người, thiết kế, đóng gói sản phẩm theo từng phân khúc khách hàng… và quyết tâm giảm thời gian giải quyết hồ sơ bồi thường, nhằm gia tăng sự hài lòng về chất lượng dịch vụ của khách hàng.

Kết thúc năm 2016, Bảo hiểm PVI thêm một lần khẳng định vị thế là doanh nghiệp số 1 thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam. Hãng bảo hiểm này nhìn nhận, thành công nổi bật trong năm 2016 là việc tiếp tục mở rộng thị trường, chú trọng đầu tư mạng lưới bán lẻ, phát triển mạnh sản phẩm, đa dạng hóa các kênh phân phối và đặc biệt là nâng cao dịch vụ khách hàng. Ngoài ra, Bảo hiểm PVI cũng đã cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho nhiều dự án lớn và các công trình trọng điểm quốc gia.

Năm 2017, hãng bảo hiểm này vẫn tiếp tục chiến lược phát triển và mở rộng hệ thống bán lẻ trên nguyên tắc hiệu quả, đa dạng hóa các kênh phân phối, tiếp tục đẩy mạnh kênh bancassurance, gia tăng các tiện ích cho khách hàng, tăng cường kiểm soát tuân thủ và quản lý minh bạch toàn hệ thống…

Để khẳng định chiến lược đẩy mạnh công tác thâm nhập thị trường bán lẻ, ngay từ đầu năm, PVI đã tổ chức ra mắt Công ty Bảo hiểm PVI Cửu Long, nâng tổng số đơn vị thành viên lên 31 công ty.

Theo các chuyên gia trong ngành, việc các doanh nghiệp phi nhân thọ thận trọng trong việc xây dựng các chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2017 và tiếp tục tìm hướng phát triển kênh bán lẻ là hoàn toàn hợp lý. Thống kê cho thấy, mức tăng trưởng của khối phi nhân thọ trong năm 2016 ước đạt khoảng 14%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng hơn 25% của khối nhân thọ, cũng như toàn thị trường.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khối phi nhân thọ khi lên phương án kinh doanh cũng phải dựa vào nhiều yếu tố như tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, dự báo những khó khăn có thể gặp phải…

Năm 2016, nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với không ít khó khăn như vấn đề hạn hán, xâm ngập mặn ở đồng bằng Sông Cửu Long, ô nhiễm biển miền Trung, biến động giá dầu, nợ xấu chưa được xử lý triệt để… Và những khó khăn này vẫn có thể xảy ra trong năm 2017.

“Đây là thời điểm các doanh nghiệp khối phi nhân thọ nên tập trung tiếp tục tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh, dịch vụ khách hàng và quản lý điều hành”, một chuyên gia trong ngành nhìn nhận.

Tin bài liên quan