Nhiều cổ phiếu trên UPCoM không có thanh khoản, hoặc chỉ giao dịch vài nghìn đơn vị một phiên.

Nhiều cổ phiếu trên UPCoM không có thanh khoản, hoặc chỉ giao dịch vài nghìn đơn vị một phiên.

Khóc ròng với cổ phiếu thanh khoản thấp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thanh khoản nhỏ giọt của nhiều cổ phiếu trên thị trường UPCoM đang là nỗi ám ảnh của  nhà đầu tư, bởi dù đặt giá sàn cũng chưa chắc có ai mua.

Phiên giao dịch ngày 11/5/2022 chứng kiến sự suy giảm mạnh của thanh khoản trên ba sàn chứng khoán, với tổng giá trị giao dịch chưa đầy 13.000 tỷ đồng. Dù chỉ số VN-Index tăng, nhiều nhà đầu tư vẫn e ngại không giải ngân vì lo sợ bull-trap (bẫy tăng giá).

Thanh khoản cạn kiệt khiến nhiều nhà đầu tư gặp khó trong việc tái cơ cấu danh mục để chuyển sang những cổ phiếu có tiềm năng hơn, đặc biệt là với những cổ phiếu trên UPCoM.

Một nhà đầu tư tham gia nhóm K. cho biết, chị đang “mắc cạn” với cổ phiếu ANT của Công ty cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang. Chị mua 20.000 cổ phiếu ANT với mức giá 27.000 đồng/cổ phiếu, nay đã rớt xuống 15.100 đồng/cổ phiếu. Muốn cắt lỗ cổ phiếu cũng không đơn giản, vì mỗi phiên chỉ có dăm, ba nghìn đơn vị được khớp lệnh. Chị đành “cắn răng” phiên nào cũng treo bán ở giá sàn.

Cay đắng không kém là nhà đầu tư mua cổ phiếu CMT của Công ty cổ phần Công nghệ mạng và truyền thông. Từ mức 39.000 đồng/cổ phiếu, hiện thị giá CMT đã rớt xuống 21.900 đồng/cổ phiếu và không có giao dịch.

Tương tự, cổ phiếu SKH của Công ty cổ phần Nước giải khát Sanest Khánh Hòa từng giao dịch sôi động nhờ “game” M&A với Tập đoàn Masan giờ giao dịch èo uột vài nghìn cổ phiếu mỗi phiên. Hay cổ phiếu PPH của Tổng công ty cổ phần Phong Phú có những phiên chỉ giao dịch quanh 10.000 cổ phần.

Giai đoạn trước, khi thị trường chứng khoán liên tục xác lập các kỷ lục tăng giá mới, các cổ phiếu sàn UPCoM hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nhờ biên độ dao động giá lên tới 15%/phiên.

Điều này giúp thanh khoản của các cổ phiếu sàn này được cải thiện. Đến thời điểm này, khi cổ phiếu tốt ê hề trên hai sàn niêm yết, không có gì khó hiểu khi cổ phiếu trên UPCoM, nhất là cổ phiếu của những doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh thấp, quản trị công ty yếu kém bị nhà đầu tư thờ ơ.

Đơn cử như Tổng công ty cổ phần Phong Phú từng lùm xùm vì thoái vốn không minh bạch tại Công ty cổ phần Dệt may Nha Trang (mã NTT) và Công ty cổ phần Dệt Đông Nam. Ở cả hai doanh nghiệp này, PPH đều thoái vốn với tỷ lệ rất lửng lơ và làm mất quyền quản trị tại công ty con.

Ví dụ, tỷ lệ sở hữu của PPH tại NTT giảm từ 52% xuống 30,3%, số tiền PPH thu về là 50,8 tỷ đồng, giá chuyển nhượng khoảng 12.700 đồng/cổ phần. Đợt thoái vốn tại Công ty cổ phần Dệt Đông Nam được tiến hành qua công ty chứng khoán, thay vì tổ chức đấu giá tại các sở giao dịch chứng khoán.

PPH cũng chào bán hơn 1,5 triệu cổ phần, tương đương 25% vốn điều lệ tại Dệt Đông Nam, với mức giá khởi điểm 18.777 đồng/cổ phần, tổng giá trị thoái vốn hơn 28 tỷ đồng.

Sau phiên đấu giá, PPH còn sở hữu 35,99% vốn Dệt Đông Nam, “vừa đủ” để không nắm quyền phủ quyết. Trong khi doanh nghiệp này được nhiều đối tác “nhòm ngó” khi có trụ sở tọa lạc tại khu đất hơn 5,7 ha ở số 727 đường Âu Cơ, phường Tân Thành, quận Tân Phú, TP.HCM.

Doanh nghiệp này cũng từng gây xôn xao dư luận về vụ sát nhập công ty con là Công ty cổ phần Dệt gia dụng Phong Phú, tỷ lệ hoán đổi cổ phần là 1:1, nhưng Dệt Gia dụng Phong Phú hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) trong năm trước sáp nhập cao gấp đôi EPS của PPH, hay xóa khoản dự phòng giảm giá đầu tư tài chính khoảng 230 tỷ đồng trong báo cáo tài chính năm.

Nước giải khát Sanest Khánh Hòa - doanh nghiệp có tỷ lệ cổ phần nhà nước khá lớn - cũng gây ái ngại khi biên lợi nhuận liên tục đi xuống. Biên lợi nhuận ròng (tỷ suất lợi nhuận/doanh thu) của Công ty giảm từ mức 6,03% trong năm 2018 xuống 5,72% trong năm 2019, 4,9% trong năm 2020 và đến năm 2021 chỉ còn 3,9%.

Đáng nói là, dù kết quả kinh doanh đi xuống, nhưng có lẽ để không ảnh hưởng đến lương thưởng của doanh nghiệp (xếp hạng doanh nghiệp nhà nước), ngày 30/11/2021, khi chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm, Công ty đã tiến hành lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế từ 85,28 tỷ đồng còn 83,3 tỷ đồng.

Tại Hội thảo tháng 5 của Finn Group, các chuyên gia chứng khoán có đưa ra khuyến nghị về lựa chọn cổ phiếu trú bão và cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng trong quý II, quý III. Một tiêu chí chung được nhắc lại nhiều lần là thanh khoản phải đạt tối thiểu bình quân hơn 50.000 cổ phiếu/phiên.

Tin bài liên quan