Khóc ròng vì cổ phiếu “tân trang”

Khóc ròng vì cổ phiếu “tân trang”

(ĐTCK) Khi đi tìm nguyên nhân giải thích cho tình trạng giá nhiều cổ phiếu giảm mạnh sau khi lên sàn chứng khoán, trong đó có cổ phiếu của những doanh nghiệp nhà nước được chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), bên cạnh các yếu tố liên quan đến thị trường, thì nhiều thành viên thị trường đặt ra nghi ngờ về việc cổ phiếu đã được “tân trang” trước khi IPO.

Là 1 trong 3 tổng công ty phát điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiến hành IPO vào đầu năm 2018, Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGenco 3) đã đưa cổ phiếu PGV lên sàn UPCoM ngày 21/3/2018, với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 24.800 đồng/cổ phiếu.

Thời gian gần đây, nhiều cổ phiếu thường tăng điểm sau khi được đưa lên sàn giao dịch. Tuy nhiên, hiệu ứng "lên sàn, tăng giá" lại không có tác dụng với PGV, bởi cổ phiếu này liên tục giảm sau đó. Chỉ trong hơn 3 tháng, giá cổ phiếu PGV “bốc hơi” hơn 50% giá trị, khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/7/2018 ở mức 12.000 đồng/cổ phiếu…

Trước phiên IPO diễn ra, EVNGenco 3 "chịu chơi" khi sang tận Singapore để tổ chức roadshow. Dù vậy, phiên IPO đã không thành công, EVNGenco 3 chỉ bán được 7,4 triệu cổ phần trong tổng số hơn 267 triệu cổ phần đưa ra chào bán. Lý giải nguyên nhân IPO ế ẩm, phân tích của một công ty chứng khoán cho rằng, là do giá cổ phiếu PGV đắt.

Theo Bản cáo bạch phục vụ cho đợt IPO, PGV dự kiến tổng số lỗ chênh lệch tỷ giá còn lại đến 31/12/2017 là 2.231 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Báo cáo tài chính riêng đã kiểm toán năm 2017, con số này cao hơn, đạt 2.449 tỷ đồng… Dự kiến tháng 8 tới, PGV mới triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông lần đầu để thảo luận thông qua các kế hoạch, chiến lược phát triển của Tổng công ty hậu IPO…

Nhà đầu tư nghi ngờ PGV được “làm đẹp” trước IPO, bởi một “người anh em” khác  là Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGenco 1) cũng đã có động thái tương tự trước khi IPO. Cụ thể, để lỗ tỷ giá không tác động xấu đến phiên IPO của EVNGenco 1, trong năm 2017, Công ty mẹ EVN đã bàn giao Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 về EVNGenco 1. Nhờ "giải pháp" đó mà EVNGenco 1 được hạch toán khoản lãi chênh lệch tỷ giá lên tới 2.849 tỷ đồng trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản nhà máy này trong năm 2017, qua đó thoát lỗ trong năm này…

Vào đầu năm nay, 475,1 triệu cổ phần của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) được đưa ra IPO, song chỉ 101 triệu cổ phần được sang tên, với giá đấu thành công bình quân đạt 13.011 đồng/cổ phiếu (xấp xỉ giá khởi điểm). Ngày 21/3/2018, cổ phiếu GVR chính thức giao dịch trên UPCoM với giá chào sàn 13.000 đồng/cổ phiếu.

Và tương tự như PGV, giá cổ phiếu GVR cũng liên tục giảm từ khi lên sàn và hiện đã về dưới mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu). Cụ thể, đóng cửa phiên 11/7, cổ phiếu GVR đạt mức giá 8.300 đồng/cổ phiếu, tức giảm trên 36% giá trị sau hơn 3 tháng giao dịch.

Với sự sụt giảm này, có lẽ nhà đầu tư kỳ vọng vào GVR khi đặt mua và trúng giá ở mức cao nhất trong phiên IPO là 20.800 đồng/cổ phiếu mà còn nắm giữ cổ phiếu chỉ còn biết “ngậm bồ hòn làm ngọt”…

“Những dấu hiệu của việc 'làm đẹp' trước khi IPO và lên sàn là doanh nghiệp bất ngờ chuyển từ lãi ít sang lãi nhiều, thậm chí từ lỗ bỗng chốc vụt lãi, kèm theo đó là doanh nghiệp đưa ra kế hoạch kinh doanh hoành tráng.

Chỉ khi kết quả kinh doanh được công khai thì nhà đầu tư mới 'vỡ mộng' vì quá chênh lệch so với kế hoạch được doanh nghiệp vẽ ra. Không ít doanh nghiệp còn hứa hẹn sớm đưa cổ phiếu lên sàn sau khi IPO, nhưng thực tế không như vậy…”, môi giới ở một công ty chứng khoán lớn chia sẻ về những than phiền của nhà đầu tư chót "ôm" cổ phiếu bị "tân trang".

Không dễ để tìm ra câu trả lời rõ ràng về tình trạng doanh nghiệp "làm đẹp" cổ phiếu, song diễn biến thực tế cho thấy, sự nghi ngờ không phải không có căn cứ. Do đó, để tránh rủi ro thua lỗ, việc tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin về doanh nghiệp trước mỗi quyết định đầu tư là vô cùng quan trọng.             

Tin bài liên quan