Phóng viên đi khảo sát thực tế thị trường để có thông tin chính xác, thiết thực

Phóng viên đi khảo sát thực tế thị trường để có thông tin chính xác, thiết thực

"Khóc cười" cùng doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Trong bối cảnh hiện nay, phóng viên theo dõi thị trường bất động sản đôi khi còn “đóng vai” người tư vấn để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp thị và quảng bá sản phẩm, dự án sao cho hiệu quả.

Những tâm tư khó sẻ chia

Thường xuất hiện với bộ vest bảnh bao, đi xe sang, tham dự các sự kiện lớn, gặp gỡ nhiều người nổi tiếng… là những điều thường thấy ở các sếp doanh nghiệp bất động sản. Nhưng thực tế, đằng sau vẻ hào nhoáng đó là những tâm tư “khó chia sẻ cùng ai”, nhất là trong thời điểm hiện nay, khi việc kinh doanh bất động sản không còn dễ như trước.

Trong cuộc “trà dư, tửu hậu” mới đây, Hoàng - giám đốc một sàn phân phối tại TP.HCM tâm sự, anh bén duyên với nghề bất động sản từ năm 2011. Trước khi tách ra thành lập doanh nghiệp riêng, anh từng làm việc ở nhiều nơi với nhiều vị trí khác nhau, song chưa bao giờ thấy việc kinh doanh lại khó khăn như bây giờ.

“Là một sàn giao dịch nhỏ nên thường không được các chủ đầu tư lớn ưu tiên lựa chọn, vì vậy chúng tôi phải tìm đủ mọi cách để có hàng bán, chấp nhận làm F2, F3… nhận hoa hồng thấp hơn, thế nhưng khi có hàng rồi thì việc triển khai cũng gặp không ít khó khăn”, anh nói, đồng thời chia sẻ thêm, là người lãnh đạo ‘đứng mũi chịu sào’, anh phải giải quyết mọi vấn đề ảnh hưởng đến nguồn thu của công ty, do đó ngày nghỉ lễ hay cuối tuần vẫn là ngày làm việc.

“Tôi không thể bỏ việc đấy mà đi chơi được. Tôi không có ông chủ, nhưng có cả trăm khách hàng và nhân viên. Sẽ ra sao nếu công ty không có doanh thu? Nếu nhân sự cốt cán nghỉ việc thì sao? Nếu công ty bị khách hàng kiện thì sao?... Tôi luôn bị ám ảnh bởi những chữ ‘nếu’ đó và luôn phải lo lắng. Bởi tất cả, từ nhân viên, đối tác, khách hàng cho tới gia đình đều sẽ bị ảnh hưởng bởi quyết định của tôi. Nói chung là nhiều áp lực vô cùng”, vị giám đốc trẻ này giãi bày.

Ngoài những điều khó nói kể trên, việc triển khai dự án của các doanh nghiệp cũng gặp không ít chuyện “cười ra nước mắt”. Bởi lẽ, nhiều doanh nghiệp đã tự bỏ tiền túi ra để thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng. Thế nhưng, khi thực hiện xong gần như toàn bộ, chỉ còn một thủ tục cuối cùng là xác định giá đất chưa hoàn thành mà dự án đành nằm “bất động” trong thời gian dài.

Có dự án được triển khai xây dựng và đã bàn giao cho khách hàng, nhưng vì vướng thủ tục nên chưa thể cung cấp đầy đủ giấy tờ cho khách hàng. Tuy vậy, trên các phương tiện truyền thông và trước khách hàng, doanh nghiệp vẫn phải “khoe” những điểm tốt, mà khó để cập tới những hạn chế do lo ngại ảnh hưởng tới doanh nghiệp, dự án, cho dù những hạn chế đó chưa hẳn xuất phát từ phía doanh nghiệp.

Đơn cử như câu chuyện của Tập đoàn H.T, doanh nghiệp này hiện có khoảng 10 dự án, tương đương gần 8.000 căn hộ đã hoàn thành, bàn giao cho khách hàng đưa vào sử dụng nhưng chưa được cấp sổ hồng vì vướng thủ tục hành chính. Trong khi đó, bức xúc vì phải chờ đợi quá lâu, khách hàng thường xuyên kéo đến trụ sở công ty căng băng rôn đòi quyền lợi.

Một lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn cho biết, việc kéo dài thời gian hoàn tất thủ tục không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mà còn tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp không có lỗi trong việc này, nhưng vẫn bị mang tiếng là bội tín với khách hàng, điều đó ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, thương hiệu công ty. Ấy vậy mà việc này cũng chẳng dễ dàng chia sẻ công khai trên báo chí, bởi khi xuất hiện những thông tin tiêu cực thì dự án dễ bị mất giá, doanh nghiệp mất điểm đối với nhà đầu tư”, vị này nói, đồng thời chia sẻ thêm rằng, thị trường bất động sản dù đang có nhiều chuyển biến, nhưng khó khăn vẫn rất lớn, bởi cả 3 đối tượng chính trên thị trường là chủ đầu tư, đơn vị phân phối và khách hàng đều suy yếu. Trong đó, khó khăn lớn nhất đối với chủ đầu tư hiện nay chính là nguồn vốn. Số doanh nghiệp tiếp cận được vốn tín dụng còn hạn chế, cho dù các ngân hàng đã cởi mở hơn trong việc mở hầu bao.

Chưa kể, khó khăn của doanh nghiệp không chỉ dừng ở giai đoạn huy động vốn, mà còn kéo dài sang cả giai đoạn sau khi hoàn thành dự án. Việc có tài chính để triển khai dự án vốn đã rất khó khăn, đến khi dự án hoàn thành thì lại rơi vào cảnh khó bán hàng.

“Ngay cả các dự án cũ cũng đang dư thừa và phải cắt lỗ rất nhiều nên việc dự án mới không có thanh khoản là điều dễ hiểu. Cũng chính vì vậy mà số lượng doanh nghiệp phân phối bất động sản giải thể, đóng cửa, số lượng ‘sale’ nghỉ việc hoặc phải làm thêm nhiều việc khác để tồn tại được với nghề còn khá phổ biến”, vị này cho hay.

Trong quá trình triển khai dự án thường có nhiều điều “khó nói”

Trong quá trình triển khai dự án thường có nhiều điều “khó nói”

Sẵn sàng tâm thế “hơn cả đồng hành”

Được phân giao theo dõi lĩnh vực bất động sản, người viết luôn phải chủ động theo dõi, tìm kiếm những thông tin “nóng” xoay quanh lĩnh vực được phân giao. Song, mục đích cuối cùng không phải để “bóc mẽ”, mà là đồng hành và sẻ chia cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Bởi thông qua thông tin được đăng tải trên báo chí, các cơ quan quản lý nhà nước đã lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp về việc thực hiện chủ trương, chính sách được ban hành để nâng cao hiệu quả quản lý của các chính sách đó. Ngược lại, nội dung những bài báo cũng góp phần giúp tường minh hơn các chủ trương, chính sách, luật pháp của Đảng và Nhà nước để doanh nghiệp thực hiện đầy đủ và có hiệu quả.

Dù vậy, trong bối cảnh hiện nay, phóng viên theo dõi thị trường còn “đóng vai” là nhân viên tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp thị và quảng bá sản phẩm, dự án sao cho hiệu quả. Vì hơn ai hết, là người thường xuyên theo dõi thị trường và tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp, chuyên gia, nhà đầu tư… nên phóng viên hiểu rõ về nhu cầu thị trường và người tiêu dùng.

Bản thân người viết cũng từng nhận được lời đề nghị như trên từ một lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản khi đang triển khai một dự án đất nền tại Đồng Nai. Vị này chia sẻ rằng, sự tư vấn từ các phóng viên chuyên theo dõi thị trường sẽ là một nguồn thông tin quý giá, giúp doanh nghiệp xác định mục tiêu và lập kế hoạch kinh doanh, chiến lược tiếp thị hiệu quả. Bằng cách này, doanh nghiệp có thể tập trung nguồn lực vào các chiến dịch quảng cáo và tiếp thị chính xác, giảm thiểu lãng phí và tăng cường hiệu suất.

Song, để có được niềm tin và có thể tư vấn hiệu quả cho doanh nghiệp, mỗi phóng viên cần tạo quan hệ gắn kết, sẵn sàng tâm thế chia sẻ và đồng hành hơn nữa với doanh nghiệp. Cùng với đó, phải thực hiện tốt quy tắc chuẩn mực của phóng viên, chuẩn mực đạo đức nghề báo. Đồng thời, cẩn trọng trước những thông tin chưa được kiểm chứng, không đúng thực tế, bởi chỉ cần một bài báo thiếu trách nhiệm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của doanh nhân, doanh nghiệp...

Tin bài liên quan