Dự án Feliz Home, Hoàng Mai, Hà Nội vẫn đang ngổn ngang. Ảnh: Dũng Minh

Dự án Feliz Home, Hoàng Mai, Hà Nội vẫn đang ngổn ngang. Ảnh: Dũng Minh

Khóc cười chuyện mua nhà của người nhập cư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) An cư, lạc nghiệp là ước mơ của bất cứ ai chứ không riêng lao động tỉnh lẻ lên thành phố lập nghiệp, thế nhưng câu chuyện mua nhà của người nhập cư thường lắm đoạn trường…

Đoạn trường mua bán

Sau những ngày tháng vất vả cho việc hoàn thiện, cuối cùng, Ngọc Anh, cậu bạn cùng quê cũng đã dọn về căn hộ chung cư mới nhận vào sát Tết Tân Sửu. Căn nhà đầu hồi 3 phòng ngủ, thiết kế đẹp, thuộc một dự án mới nằm gần cầu Thăng Long, Hà Nội.

Ngọc Anh kể, việc sở hữu ngôi nhà đến một cách tình cờ, bởi trước đó đã rất đắn đo trong chuyện có nên lựa chọn mua chung cư tại Hà Nội hay không. Là lao động tỉnh lẻ lên thành phố lập nghiệp, ai cũng mong có được một mái ấm làm điểm tựa, nhưng “đời đâu như là mơ”, cuốn sổ tiết kiệm ít ỏi cùng kinh nghiệm không nhiều khiến cậu phải xuôi ngược tìm nhà.

Nhà mặt đất thì không đủ tiền, nhà chung cư được cái này thì hỏng cái kia. Tìm được căn hộ gần Vân Canh do chủ cũ nhượng lại nhìn bề ngoài thì ổn, nhưng khi tìm hiểu kỹ mới biết chủ đầu tư xây sai thiết kế, ở vài năm vẫn chưa có sổ đỏ... Có dự án nhà ở xã hội ngay gần chỗ làm có mức giá khá phù hợp, nhưng thủ tục nhiêu khê, rồi còn phải chi đến vài chục triệu đồng tiền chênh cho “cò” mà chẳng biết có chắc chắn được suất mua hay không nên cũng đành buông.

Đoạn trường mua nhà của cậu có điểm kết khi may mắn gặp người bạn giới thiệu về dự án mới nêu trên. Tuy giá cao một chút, nhưng cảnh quan đẹp, cơ sở hạ tầng quanh dự án khá hoàn thiện, các tòa cùng dự án cư dân đều đã về ở và quan trọng là thủ tục pháp lý đầy đủ, nên cậu chấp nhận đi vay khắp nơi và xuống tiền với hy vọng “mua nhà, đổi vận” như các cụ vẫn thường nói.

Một câu chuyện khác lại là niềm hy vọng sớm chuyển thành nỗi thất vọng khi mái ấm không như ý khi cuối tuần trước, phóng viên được anh hàng xóm trọ cũ gọi điện mời về liên hoan chia tay khi bán xong căn hộ mới nhận bàn giao từ cuối năm trước.

Chia sẻ lý do phải bán cắt lỗ căn nhà của mình, anh cho biết, những tiện ích tại dự án không những chưa hoàn thành, mà còn bị cắt xén, từ chuyện nhà để xe, thẻ từ… tới quyền lợi cam kết trong hợp đồng. Hay như việc thu tiền điện, chủ đầu tư nói là thu hộ nhà cung cấp điện, nhưng khi cư dân yêu cầu phải có giấy ủy quyền và hóa đơn VAT của đơn vị cung cấp điện thì đơn vị này không cung cấp được. Đỉnh điểm là vấn đề liên quan tới sổ hồng, cư dân không nhận được câu trả lời thỏa đáng từ ban quản lý tòa nhà cũng như chủ đầu tư.

Mỗi câu chuyện mua nhà của người trẻ, nhất là những người xa xứ lập nghiệp ở chốn phồn hoa đô thị, cũng đều chất đầy nỗi niềm. Có một thực tế là, để có được một cuộc sống “dễ thở” ở chung cư, ngoài sự tinh tường, người ta nói còn cần cả “vận khí”. Giá nhà đất ngày một leo thang, mua chung cư trả góp mang tới phương án tiết kiệm hơn, nhưng nếu không may gặp phải những chủ đầu tư “treo đầu dê, bán thịt chó” thì lại thành nỗi ác mộng dài kỳ.

Như lời chia sẻ của Phong, lãnh đạo một sàn phân phối bất động sản tại Hà Nội, tại không ít dự án, lúc quảng cáo bán nhà thì luôn phải vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về dự án…, bởi đó là yêu cầu của chủ đầu tư, còn với các nhân viên bán hàng, họ sẽ “không biết gì ngoài việc bán hàng bằng mọi cách để thu về vài phần trăm hoa hồng”.

“Điều này có nghĩa, sau khi thanh toán xong xuôi, cư dân dọn vào ở rồi thì câu chuyện bán hàng dừng ở đây, trách nhiệm còn lại là của chủ đầu tư. Nếu chủ đầu tư chỉ lo giữ túi tiền của họ, phủi trách nhiệm và đi lo dự án khác thì đó coi như là rủi ro của người mua. Nói phổ biến thì hơi quá, nhưng thực tế là nhiều chung cư đang rơi vào tình trạng như vậy”, Phong nói.

Một câu chuyện điển hình vừa diễn ra là ngay đầu năm 2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội đã có văn bản đề nghị Thanh tra Bộ Xây dựng cung cấp thông tin để điều tra hành vi lừa dối khách hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế của chủ đầu tư chung cư Trương Định Complex tại số 129D Trương Định, Hà Nội.

Theo thông tin phóng viên thu thập được trước đó, dù đã bán nhà, bàn giao cho dân vào ở hơn 3 năm, nhưng đến nay chủ đầu tư là liên danh Công ty cổ phần Đồng Tháp và Handico 22 vẫn chưa nộp tiền sử dụng đất, tiền thuế, chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh cấp phép xây dựng tòa nhà.

Việc bàn giao nhà cho người mua cũng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, nghiệm thu theo quy định pháp luật. Chỉ khi cơ quan công an vào cuộc, chủ đầu tư mới có văn bản gửi Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đề nghị hướng dẫn thực hiện các biện pháp xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại dự án.

Không quá tệ như Trương Định Complex, thế nhưng cư dân sinh sống tại dự án Hanoi Paragon do Công ty cổ phần Xây dựng và thương mại VT của ông Thang Văn Lương làm chủ đầu tư cũng trong tình trạng “dở khóc, dở cười” khi chủ đầu tư này dường như mất khả năng thanh toán khi bước vào giai đoạn hoàn thiện các hạng mục tiện ích cũng như thực hiện nghĩa vụ tài chính để cấp giấy tờ sở hữu cho người dân.

Dự án Hanoi Paragon là tổ hợp khu nhà ở, văn phòng và dịch vụ cao cấp với tổng diện tích là 8.200 m2 và được quảng cáo là một dự án “có phong cách sống Singapore giữa lòng Hà Nội”. Vào thời điểm ra mắt, đây được xem là một trong những dự án có thanh khoản tốt nhất, trước khi phát hiện ra nhiều vấn đề như chưa hoàn thành các nghĩa vụ về tài chính, chưa nộp tiền sử dụng đất…

Chia sẻ với phóng viên, đại diện một nhóm cư dân sinh sống tại đây cho biết, đã liên hệ với luật sư để làm thủ tục kiện chủ đầu tư, nhưng cũng không hy vọng nhiều. Vị này than thở, cũng chỉ mới biết ông chủ của dự án này đã từng dính “phốt” với một dự án khác ở Pháp Vân khi thu tiền khách hàng tới cả chục năm mà chưa bàn giao nhà.

Một dự án khác là Happy Star Tower từng được quảng cáo rầm rộ trên nhiều kênh truyền thông với thông điệp “là dự án được kỳ vọng nhất hiện nay tại khu vực Long Biên” do Công ty TNHH Vintep Hà Nội làm chủ đầu tư. Thế nhưng, với người mua nhà tại dự án này, quãng thời gian hơn 2 năm qua là hành trình “sóng gió” khi cư dân cho rằng họ bị ép sử dụng dịch vụ giá cao, trong khi chất lượng sống thấp bởi liên tục bị cắt điện, cắt nước, nhà ở xuống cấp khi mới đi vào sử dụng không lâu…

Được biết, sau dự án Happy Star Tower tai tiếng, Vintep Hà Nội đã “thoát xác” thành Công ty cổ phần KLB và đang triển khai dự án Feliz Homes. Dự án này là tổ hợp gồm 3 tòa chung cư cao cấp với 2 tòa 27 tầng, 1 tòa 25 tầng, mỗi tòa tháp có 3 tầng hầm, với đầy đủ các tiện ích phục vụ cuộc sống như khu trung tâm thương mại cùng hệ thống công viên cây xanh, nhà trẻ độc lập, bể bơi, bãi đỗ xe quy mô lớn, sân vườn, khu vui chơi và thể thao ngoài trời... Hy vọng rằng, chủ đầu tư với tên tuổi mới, khi triển khai dự án mới sẽ tránh được những lùm xùm, khiếu kiện của khách hàng và cư dân tương lai như dự án cũ.

Thêm cơ hội cho người mua

Sau giai đoạn trầm lắng, theo dự báo của Công ty Chứng khoán VNDirect, nguồn cung căn hộ mới năm 2021 tại TP.HCM sẽ tăng 10-15% (tương đương khoảng 17.000 căn hộ), còn tại Hà Nội tăng tới 50 - 60% (tương đương khoảng 23.000 căn hộ), chủ yếu tại khu vực phía Tây và phía Đông Thủ đô.

Nguồn cung dồi dào hơn sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho những người có nhu cầu nhà ở, tuy nhiên, có thể nhận thấy, các dự án nhà ở giá bình dân là không nhiều, những người có thu nhập không cao sẽ phải chấp nhận đi xa hơn hoặc lựa chọn các dự án cũ, thiếu tiện ích khi những người khả năng tài chính cao có nhu cầu đổi nhà.

Ông Nguyễn Đức Thêm, Quản lý Kinh doanh, Bộ phận Kinh doanh Nhà ở Quốc tế, Savills Hà Nội cũng đồng ý với quan điểm nguồn cung nhà ở Hà Nội đã và vẫn sẽ tập trung ở phía Tây và Đông Hà Nội khi thống kê rằng, trong 5 năm vừa qua, khu vực phía Tây Hà Nội thường chiếm tỷ lệ khoảng 60 - 70% toàn nguồn cung thị trường; phía Đông cũng ghi nhận sự trỗi dậy mạnh mẽ trong năm 2019 và 2020 khi thị trường đón nhận một số dự án lớn.

Nhận định về diễn biến thị trường trong các tháng tới của năm 2021, theo ông Thêm, “việc phục hồi đồng bộ của tất cả các ngành nghề kinh doanh trên cả nước sẽ giải bài toán về việc làm, thu nhập và chất lượng sống của người dân, từ đó cải thiện nhu cầu nhà ở”. Chuyên gia này cho rằng, thị trường nhà ở năm nay sẽ phụ thuộc nhiều vào thị trường khách hàng trong nước cho mục đích để ở.

Đáng chú ý, đánh giá về xu hướng chọn nhà hiện nay, một chuyên gia của Savills Hà Nội chia sẻ rằng, khách hàng ưa chuộng các sản phẩm nhà ở tại các đại đô thị. Do đó, khi phát triển dự án, các chủ đầu tư cần chú trọng hơn tới kế hoạch phát triển tổng thể với phương án quy hoạch bài bản cho các tiện ích, dịch vụ nội khu, đa dạng về các sản phẩm nhà ở và thương mại như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại…, tất cả để nhằm mục đích kiến tạo môi trường sống đầy đủ tiện nghi cho cộng đồng dân cư.

“Thị trường đã quan tâm hơn tới các yếu tố về sống “xanh” như sức khỏe, môi trường sống, chất lượng không khí và thuận tiện di chuyển, do đó chủ đầu tư cần tạo ra được một môi trường sống khác biệt để có thể tạo nên sức hút cho dự án”, chuyên gia Savills khuyến cáo.

Tin bài liên quan