Khoanh vùng “virus trì trệ” trên thị trường địa ốc

Khoanh vùng “virus trì trệ” trên thị trường địa ốc

(ĐTCK) Trong năm 2019, TP.HCM - siêu đô thị lớn nhất nước - chỉ có vỏn vẹn 4 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư, giảm 24 dự án; 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, giảm 64 dự án; trong đó, chỉ có 7 dự án được chấp thuận đầu tư mới.

Những con số đủ để nói lên sự trì trệ kéo dài trong một thị trường vốn có thừa sự sôi động trước đó.

Chưa hết, từ đầu năm 2020 đến nay, thị trường càng trở nên ngộp thở hơn do phải đối mặt với con virut corona quái ác, hàng loạt doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, kêu cứu khắp nơi.

Phân tích bức tranh chung, chắc đa số ý kiến đều đồng ý rằng, khó khăn của thị trường không xuất phát từ quỹ đất khan hiếm hay thị trường không có nhu cầu, mà cái gốc là sự ách tắc trong thủ tục, khiến các dự án hầu như bị “đứng hình”.

Nguyên nhân là khá rõ, còn hệ lụy cũng đã và sẽ còn hiển hiện!

Sự sụt giảm của thị trường bất động sản không chỉ tác động rất mạnh, làm giảm nguồn thu ngân sách, mà còn gây rủi ro về uy tín thương hiệu của doanh nghiệp và bỏ lỡ cơ hội kinh doanh. Không một doanh nghiệp nào phát triển dự án mà tự tin nói rằng không sử dụng vốn vay, ngược lại, tỷ lệ vốn vay thường rất lớn, kèm theo đó là chi phí lãi vay cao. Nếu tiền đã đổ xuống mà dự án bị đình lại vì yếu tố pháp lý vài quý, thậm chí vài năm thì coi như đó là hồi chuông “báo tử” cho doanh nghiệp.

Tại hội nghị do lãnh đạo TP.HCM tổ chức nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mới đây, sau khi lắng nghe các bên, chính Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã thừa nhận, trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ách tắc của dự án là các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành. Cùng với đó, nhiều dự án trong quá trình thanh tra, kiểm tra, rà soát thủ tục, dẫn đến việc đùn đẩy giải quyết của các cơ quan quản lý nhà nước, chưa đảm bảo một quy trình liên thông, đồng bộ.

Ông Phong cho rằng, những vấn đề này nếu không được giải quyết kịp thời sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển của thị trường, gây khó khăn cho doanh nghiệp và làm giảm nguồn thu ngân sách.

Nói về sự ách tắc của thị trường bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng nhấn mạnh, hiện nay, môi trường kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản vẫn chưa minh bạch, chưa công bằng, vẫn còn “tù mù”, vẫn còn dấu hiệu “nhóm lợi ích”. Cùng mặt bằng pháp lý như nhau, tại sao các dự án nhà ở tại TP.HCM lại bị vướng, nhưng tại các địa phương khác thì không bị vướng?! Các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp (xen kẹt đất nhà nước quản lý) như nhau, nhưng có một số dự án được phê duyệt đầu tư xây dựng, trong khi nhiều dự án khác lại chưa được phê duyệt, chưa đảm bảo tính công bằng.

Tại phiên họp của Thường trực Chính phủ mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ:  “Chúng ta phải chống cả hai loại virus, một là nCoV và một loại nữa là “virus trì trệ”, không chịu làm việc, lấy lý do là có dịch bệnh nên không hành động, làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước".

Thủ tướng yêu cầu không được đổ lỗi cho khách quan, không chịu triển khai các giải pháp mới, không chịu  cơ cấu lại ngành, lĩnh vực, sản phẩm do ảnh hưởng của Covid-19 gây ra, làm ảnh hưởng đến đời sống, việc làm, thu nhập của người dân và đặc biệt là hệ thống doanh nghiệp.

Cuộc chiến khoanh vùng “virus trì trệ” về thủ tục của thị trường địa ốc để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp có lẽ cũng không kém phần nóng bỏng. Cuộc chiến này đã được ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cam kết trước cộng đồng doanh nghiệp, cứ 3 tháng 1 lần, Thành phố sẽ tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp bất động sản và đến 30/4 năm nay cơ bản sẽ giải quyết xong những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đã gửi kiến nghị lên Thành phố. 

Đây  là lần thứ 3 từ năm 2019 đến nay, TP.HCM đã tổ chức gặp gỡ và có những lời hứa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng khó khăn vẫn chưa vơi. Song, có lẽ lời hứa của lãnh đạo TP.HCM lần nay đang tạo ra niềm hy vọng lớn cho nhiều doanh nghiệp đang bị “mắc cạn”.

Mong sao đừng để hy vọng thêm một lần thành sự thất vọng!        

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan