Do tính khó khả thi của Quỹ bảo vệ NĐT, theo phương án đề xuất của Bộ Tài chính tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế trích lập và sử dụng Quỹ bảo vệ NĐT tại CTCK, hoặc ngay cả khi khả thi, thì cũng không giúp ích đáng kể trong bảo vệ NĐT trước những rủi ro khi tham gia TTCK, nên NĐT quan ngại: bao giờ họ mới được bảo vệ thỏa đáng?
Tạm chưa bàn đến tính khả thi của Quỹ, câu hỏi đặt ra là tại sao Quỹ chỉ dừng lại ở mức độ rất hạn chế về phạm vi bồi thường thiệt hại cho NĐT, đó chỉ là do lỗi kỹ thuật và sơ suất của nhân viên CTCK, mà không phải là các trường hợp CTCK phá sản, hoặc tình trạng DN niêm yết “tô hồng” hiệu quả kinh doanh, gian dối trong công bố thông tin… như thực tế diễn ra, gây thiệt hại cho NĐT?
Với quy định pháp lý hiện hành, theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), Quỹ bảo vệ NĐT như phương án đề xuất của Bộ Tài chính thể hiện nỗ lực của cơ quan quản lý trong từng bước cụ thể hóa các quy định pháp lý trong bảo vệ NĐT.
Sở dĩ Quỹ chỉ dừng lại ở bồi thường thiệt hại cho NĐT do sự cố kỹ thuật và sơ suất của nhân viên CTCK, mà không phải ở phạm vi rộng hơn là xuất phát từ quy định của Luật Chứng khoán.
Theo đó, Luật quy định: CTCK có nghĩa vụ trích lập quỹ bảo vệ NĐT để bồi thường thiệt hại cho NĐT do sự cố kỹ thuật và sơ suất của nhân viên trong công ty.
Với quy định khung trên, Bộ Tài chính không thể đề xuất ban hành cơ chế hướng dẫn lập Quỹ bảo vệ NĐT “vượt” luật, mặc dù biết theo thông lệ quốc tế, Quỹ bảo vệ NĐT được giao cho một pháp nhân độc lập xây dựng và vận hành, với vai trò như là một định chế gắn với mô hình tổ chức của TTCK, thì mới bảo vệ khá toàn diện NĐT, chứ không phải chỉ dừng lại ở phạm vi rất hạn chế như phương án đề xuất của Bộ Tài chính.
Với những hạn chế như vậy, nhưng theo UBCK, khi Quỹ bảo vệ NĐT được thành lập theo đề xuất của Bộ Tài chính, sẽ góp phần nâng cao ý thức tuân thủ của các CTCK trong quá trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng. CTCK sẽ phải chịu trách nhiệm với những thiệt hại của NĐT do sự cố kỹ thuật và sơ suất của nhân viên, chứ không thể hoàn toàn đổ lỗi do khách quan.
Xa hơn, giới đầu tư kỳ vọng, khi sửa Luật Chứng khoán trong thời gian tới, Bộ Tài chính, UBCK cần đề xuất phương án lập Quỹ bảo vệ NĐT ở quy mô là một định chế gắn với mô hình tổ chức mới của TTCK trong giai đoạn tới, để thay thế cho phạm vi bảo vệ NĐT hạn chế của Quỹ bảo vệ NĐT do CTCK thành lập như phương án hiện tại, qua đó bảo vệ NĐT toàn diện, khả thi hơn trước những rủi ro phát sinh khi tham gia thị trường.
Đây sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để cải thiện niềm tin cho NĐT, yếu tố quan trọng hàng đầu đối với thị trường sống bằng niềm tin như TTCK.