Khoảng trống xử lý nợ xấu

0:00 / 0:00
0:00
Việc Quốc hội chưa thể thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại kỳ họp lần này cùng Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu (Nghị quyết 42) hết hiệu lực vào cuối năm nay có thể dẫn đến khoảng trống pháp lý trong xử lý nợ xấu tại ngân hàng và các tổ chức tín dụng.
Khoảng trống xử lý nợ xấu

Báo cáo tài chính quý III/2023 của các ngân hàng niêm yết cho thấy, tỷ lệ nợ xấu cũng như tổng nợ xấu mới hình thành đang ở mức cao nhất trong 5 năm gần đây. Riêng nợ xấu tuyệt đối của 27 ngân hàng niêm yết hiện tăng tới 61% so với đầu năm.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng chỉ rõ, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống tính tới cuối tháng 7/2023 là 3,56%, cao gấp đôi so với con số 1,69% vào cuối năm 2020; tỷ lệ nợ xấu nội bảng cộng với nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 6,16%. Trong khi đó, theo thông tin cập nhật của nhiều đại biểu Quốc hội, thì tỷ lệ nợ xấu (gồm cả nợ tiềm ẩn) tính tới cuối tháng 8/2023 đã lên tới 8%.

Thực tế cho thấy, từ đầu năm đến nay, công tác thu hồi, xử lý nợ xấu của các ngân hàng gặp nhiều khó khăn do thị trường bất động sản gần như đóng băng, giao dịch sụt giảm, giá trị tài sản đảm bảo giảm sâu. Song điều khiến các ngân hàng và tổ chức tín dụng lo ngại nhất không hẳn là thực trạng trên, mà trước mắt là Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12 năm nay.

Cho dù Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp này đưa vào nhiều nội dung của Nghị quyết 42, đồng thời bổ sung một loạt quy định khác nhằm giúp các ngân hàng, tổ chức tín dụng tháo gỡ khó khăn về xử lý nợ xấu, nhưng dự kiến phải đến tháng 5/2024, dự thảo này mới được Quốc hội xem xét, thông qua. Điều đó có nghĩa, việc xử lý nợ xấu sẽ đối mặt với khoảng trống pháp lý trong ít nhất nửa năm. Nếu quá trình luật hóa một số nội dung của Nghị quyết 42 diễn ra chậm, thì ngân hàng và các tổ chức tín dụng càng thêm khó khăn khi xử lý nợ xấu.

Suốt 7 năm qua, Nghị quyết 42 đã giúp các ngân hàng giải quyết nhiều vấn đề liên quan tới nợ xấu. Song thời gian triển khai thí điểm 7 năm dường như là quá dài, nếu tiếp tục thí điểm thì cũng không hẳn đã hoàn toàn hợp lý. Hơn thế, việc luật hóa một số nội dung của Nghị quyết 42 không hề đơn giản, vì nhìn về tổng thể, nghị quyết này có phạm vi điều chỉnh rộng hơn một luật chuyên ngành.

Cũng bởi vậy, việc luật hóa các quy định trong Nghị quyết 42 cần phải đồng bộ, thống nhất với các luật có liên quan về lĩnh vực tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, thi hành án hình sự… Hẳn nhiên, điều này đòi hỏi cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra cần có thêm thời gian rà soát các quy định có liên quan trong hệ thống pháp luật, đảm bảo khi được thông qua, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ giúp tháo gỡ cơ bản những điểm nghẽn, bất cập xảy ra trong thời gian qua.

Để tránh khoảng trống pháp lý trong xử lý nợ xấu, hiện có ý kiến cho rằng, Quốc hội nên gia hạn Nghị quyết 42 thêm 6 tháng nữa.

Lý do là, trong bối cảnh nợ xấu ngày càng tăng, thị trường mua bán nợ chưa hình thành, các tổ chức tín dụng cần sự hỗ trợ của rất nhiều cơ quan, ban ngành trong xử lý nợ xấu. Cụ thể, Tổng cục Thi hành án dân sự cần rà soát lại những vụ việc thi hành án còn tồn đọng, liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ để tập trung giải quyết dứt điểm, đảm bảo giá trị tài sản thu hồi là lớn nhất. Bộ Công an cần kiên quyết xử lý những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự trong quá trình thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, giúp việc thu giữ xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ diễn ra theo quy định pháp luật…

Đặc biệt, giải pháp bức thiết nhất lúc này - theo đề xuất của các doanh nghiệp , ngân hàng thương mại và cũng nằm trong tầm tay của cơ quan quản lý - là NHNN nên cân nhắc gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ.

Tất nhiên, việc kéo quá dài thời hạn cơ cấu nợ là giải pháp “lợi bất cập hại”, vì không thể hiện đúng bản chất nợ xấu, nhưng lại cần thiết giúp ngân hàng và doanh nghiệp gỡ khó trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng là giải pháp giúp ngân hàng quyết liệt triển khai cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, đồng thời hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý nợ xấu - theo đúng tinh thần mà Thủ tướng đã nhấn mạnh khi báo cáo trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV về kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch năm 2024.

Tin bài liên quan