Khoảng trống về cơ chế thực thi quyền cổ đông

(ĐTCK) Pháp luật có nhiều quy định dành quyền cho cổ đông nhỏ nhưng vẫn thiếu cơ chế để thực thi.
Luật DN 2014 quy định rõ cổ tức phải được trả trong vòng 6 tháng kể từ khi kết thúc ĐHCĐ

Luật DN 2014 quy định rõ cổ tức phải được trả trong vòng 6 tháng kể từ khi kết thúc ĐHCĐ

Cổ đông nhỏ, luật trao quyền…

Nguyên tắc cơ bản của công ty cổ phần là nguyên tắc đối vốn. Nôm na là ai bỏ tiền nhiều hơn thì có quyền cao hơn. Nhưng nếu tất cả chỉ nhìn vào tỷ lệ cổ phần thì những nhà đầu tư nhỏ chả ai dại gì bỏ tiền cho người khác tiêu. Chính vì thế mà loại hình doanh nghiệp này đòi hỏi hình thành chế định để điều chỉnh quan hệ giữa các cổ đông - ông chủ của công ty cổ phần.

Nhìn vào Luật Doanh nghiệp 2005, không thiếu các quy định về quyền cổ đông, từ cổ đông sở hữu 1 cổ phần cho đến cổ đông sở hữu n cổ phần. Điều 79 Luật Doanh nghiệp quy định 8 quyền cơ bản đối với bất kỳ cổ đông nào, như tham dự phát biểu trong ĐHCĐ, nhận cổ tức, tra cứu và trích lục danh sách cổ đông, tra cứu, sao chụp điều lệ công ty, biên bản, Nghị quyết ĐHCĐ…

Luật Doanh nghiệp 2005 cùng với các quy định pháp luật chứng khoán còn dành thêm nhiều quyền cho cổ đông hoặc một nhóm cổ đông sở hữu 5%, 10% cổ phần trở lên như đề cử người vào HĐQT, Ban kiểm soát, yêu cầu triệu tập ĐHCĐ trong một số trường hợp, yêu cầu ban kiểm soát kiểm tra một số vấn đề cổ đông thắc mắc, xem xét và trích lục Nghị quyết HĐQT, BCTC bán niên, cả năm…

Đáng chú ý, một quyền rất quan trọng cho cổ đông là quyền khởi kiện: khởi kiện đề nghị Tòa án hủy bỏ Nghị quyết ĐHCĐ và khởi kiện trách nhiệm dân sự khi thành viên HĐQT, Tổng giám đốc gây thiệt hại.

Với hàng loạt quy định như vậy, một số nhà đầu tư nhỏ từng chia sẻ rằng, quy định bảo vệ cổ đông nhỏ thì không hẳn là thiếu. Vậy tại sao những lời “kêu cứu”, những đơn thư về việc quyền lợi cổ đông nhỏ bị xâm phạm vẫn xuất hiện trên các mặt báo? Ấy là vì, quy định thì có mà thực thi thì không! 

Thực thi thì không

Chỉ nhìn đơn giản vào quy định về quyền được nhận cổ tức. Nhà đầu tư mua cổ phần là kỳ vọng vào cổ tức và khả năng tăng giá trong tương lai. Thế nhưng, người viết bài từng chứng kiến một trường hợp cổ đông phải “ăn nói khép nép” trong mỗi kỳ đại hội vì chỉ mong được nhận nốt số cổ tức còn lại. Số là công ty trước đây làm ăn cũng “tạm được”, cổ tức trả đều đều độ trên 10%, nhưng khi kinh tế xấu đi, công ty rơi vào cảnh khó khăn, không trả cổ tức nhiều năm.

Vấn đề là cổ tức 12% của năm cuối cùng trước khi công ty ngừng trả cổ tức vẫn chưa được thanh toán cho cổ đông! Không may là cổ phiếu này chiếm tỷ lệ lớn nhất trong danh mục đầu tư của cổ đông kia. Chính vì vậy mà mỗi kỳ Đại hội, cổ đông này bao giờ cũng phải “nhỏ nhẹ” và “tha thiết” đề nghị Ban lãnh đạo công ty sớm thanh toán nốt số cổ tức cho cổ đông. Mặc dù nhận thấy nhiều “vấn đề” trong điều hành của Ban lãnh đạo, nhưng cổ đông này không dám lớn tiếng chỉ trích hay có hành động quyết liệt bởi sợ “ném chuột vỡ bình”.

Hay trường hợp một doanh nghiệp đã niêm yết còn nợ cổ tức 10%, mỗi kỳ đại hội, các cổ đông đều chất vấn gay gắt về thời gian trả cổ tức, lý do vì sao không trả cổ tức, lợi nhuận đó đã được dùng làm gì mà không trả cho cổ đông…? Những câu hỏi này đều được Ban lãnh đạo công ty “uốn dẻo” cho qua và cổ tức vẫn chỉ là chuyện trên giấy…

Một yêu cầu đối với công ty cổ phần và TTCK là minh bạch thông tin nhưng trong rất nhiều trường hợp, ngay cả danh sách cổ đông, doanh nghiệp cũng giấu vì lo ngại các cổ đông sẽ liên hệ, liên kết, tập hợp nhau yêu cầu này nọ dù rằng những yêu cầu này đều là những quyền mà luật định.

Rồi chuyện dự ĐHCĐ. Nhiều khi người ta cứ nói rằng cổ đông nhỏ từ bỏ quyền làm chủ, nhưng sự thực là muốn làm chủ cũng không được. Cả năm mới có một đại hội thường niên để cổ đông có cơ hội tiếp xúc toàn diện với tình hình hoạt động thực tế trong năm qua, năm tới và cả những ý tưởng kinh doanh dài hơi của doanh nghiệp. Nhưng muốn dự đại hội cũng lực bất tòng tâm bởi công ty tổ chức đại hội ở những tỉnh lỵ xa xôi, dù trụ sở “đất vàng đất bạc” ngay trung tâm thành phố lớn không thiếu.

Vốn điều lệ 1.400 tỷ đồng, trụ sở cũ đặt tại số 10 Trần Nguyên Hãn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), trụ sở mới đặt tại Tòa nhà Gelex 52 Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), chưa kể còn liên doanh, liên kết kinh doanh nhiều khách sạn nổi tiếng ở vị trí đẹp, nhưng vài năm nay, Tổng công ty Thiết bị điện Gelex vẫn tổ chức ĐHCĐ ở… Bắc Ninh. Điều này đã làm khó các cổ đông bởi đường sá xa xôi, không lẽ lại khăn gói quả mướp ra bến đi xe khách lên dự đại hội!

Chưa kể nhiều vấn đề nho nhỏ kiểu dầu gạo muối mắm như: muốn dự đại hội phải đăng ký trước, mẫu ủy quyền phải có dấu treo của công ty, thư mời họp đến sát ngày, tài liệu gửi kèm thiếu… Tại đại hội, muốn phát biểu, tranh luận cũng khó vì họp muộn, ca nhạc kéo dài, báo cáo đọc lâu nên thời gian thảo luận đôi khi chỉ còn 10 - 15 phút… Tất cả đều hướng tới mục tiêu làm nản lòng cổ đông nhỏ.

Với nhiều rào cản như vậy nhưng cũng có cổ đông, nhóm cổ đông kiên trì tập hợp đủ tỷ lệ để yêu cầu một số quyền đã được quy định. Chẳng hạn, trường hợp một nhóm cổ đông đã tập hợp đủ tỷ lệ 5% và làm văn bản yêu cầu công ty chưa niêm yết cho xem xét, trích lục sổ biên bản và các nghị quyết HĐQT, BCTC giữa năm và hàng năm, các báo cáo của Ban kiểm soát.

Những vấn đề nêu trên nhìn chung đều là các quyền của cổ đông mà luật quy định, doanh nghiệp có thể thực hiện, cũng có thể vi phạm. Nếu vi phạm, cổ đông chỉ có thể đơn thư, kiến nghị đến cơ quan quản lý hay các cơ quan báo chí. Kết quả giải quyết thì thuộc loại “khó nói trước”. Tuy nhiên, có một quyền quan trọng hơn, đó là quyền khởi kiện. Và nếu cơ quan tài phán ra quyết định, doanh nghiệp buộc phải thực hiện. Chỉ có điều, muốn khởi kiện thật không dễ dàng.

Đầu tiên là đơn khởi kiện phải được thụ lý. Luật quy định cổ đông được quyền khởi kiện đề nghị Tòa án hủy bỏ Nghị quyết ĐHCĐ nếu việc tổ chức, ra quyết định tại Đại hội không đúng trình tự, thủ tục. Có tòa án tỉnh chỉ cần một cổ đông khởi kiện, bất kể tỷ lệ cổ phần, vẫn thụ lý vụ án. Nhưng có tòa án lại đòi hỏi cổ đông hoặc nhóm cổ đông phải sở hữu 1% vốn điều lệ mới thụ lý án.

Có Tòa án nhận đơn khởi kiện xong, rồi im lặng hàng tháng trời. Cổ đông gọi điện liên hệ, thì chỉ nhận được câu trả lời: Tòa đã gửi công văn yêu cầu bổ sung chứng cứ, tài liệu và không quên nhấn mạnh thêm, nếu không gửi bổ sung tài liệu đúng hạn, Tòa án sẽ từ chối thụ lý.

Cổ đông hốt hoảng xin đề nghị gửi lại theo đúng địa chỉ ghi trong đơn khởi kiện. Chờ thêm một thời gian, vẫn không thấy thông báo, cổ đông lại gọi điện, câu trả lời vẫn như cũ, lại đề nghị, lại chờ… Cuối cùng, cổ đông bỏ cuộc vì Hà Nội - Sài Gòn, hai đầu đất nước, đâu có thể đơn giản trực tiếp đến Tòa án nhận công văn.

Ngay cả khi có được bản án tuyên hủy Nghị quyết ĐHCĐ thì tiếp theo cổ đông không biết làm sao để bản án được thi hành. Có trường hợp công ty mặc kệ bản án không tổ chức lại ĐHCĐ. Trường hợp công ty có thiện chí thì vẫn còn nhiều trở ngại như chốt danh sách cổ đông, chưa kể lúng túng không biết ứng xử ra sao với nội dung Nghị quyết đã được thực hiện. 

Để cổ đông nhỏ tự bảo vệ

Từ 1/7/2015, Luật Doanh nghiệp 2014 chính thức có hiệu lực. Với việc sửa đổi toàn diện Luật Doanh nghiệp 2005, đạo luật này được kỳ vọng khắc phục những bất cập trước đó và tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch cho mọi loại hình doanh nghiệp không riêng gì công ty cổ phần.

Riêng với quy định về quyền cổ đông, cơ bản được giữ nguyên như Luật Doanh nghiệp 2005, như Điều 114 giữ nguyên các quy định về quyền của cổ đông phổ thông. Bổ sung Điều 132 quy định rõ cổ tức phải được trả trong vòng 6 tháng kể từ khi kết thúc Đại hội thường niên; Điều 161 quy định về quyền khởi kiện đối với thành viên HĐQT, giám đốc, tổng giám đốc.

Dù Luật Doanh nghiệp 2005 hay Luật Doanh nghiệp 2014, những quy định về quyền của cổ đông là không thiếu, nhất là những quy định có tính bảo vệ, dành quyền cho những cổ đông sở hữu tỷ lệ cổ phần khiêm tốn. Nhưng liệu những điều luật này có phát huy tác dụng, trở thành cơ sở để cổ đông tự bảo vệ mình hay không lại phụ thuộc rất lớn vào cơ chế thực thi.

Đơn giản như việc trả cổ tức. Trước tình trạng doanh nghiệp chây ì cổ tức, Luật mới đã đưa hẳn vào Luật quy định buộc doanh nghiệp phải trả cổ tức trong vòng 6 tháng sau ngày tổ chức ĐHCĐ. Vậy nếu doanh nghiệp vẫn cứ chây ì thì sao? Khởi kiện ra tòa? Cổ đông có được tính lãi trong thời gian chậm trả cổ tức không và lãi được tính như thế nào?

Cho đến nay, các văn bản hướng dẫn Luật Doanh nghiệp 2014 chưa được hoàn thiện nhưng nội dung về cổ tức không được giao cho Chính phủ hướng dẫn, do đó Chính phủ sẽ không ban hành các văn bản hướng dẫn về nội dung này. Và nếu chỉ giải quyết theo con đường khởi kiện thì e rằng, sẽ có nhiều doanh nghiệp cố tình quên đi món nợ cổ tức bởi không mấy cổ đông nhỏ khởi kiện do những khó khăn về thủ tục và chi phí tố tụng so với số tiền cổ tức nhận được.

Câu chuyện về quyền cổ đông nhỏ thực chất không nằm ở việc thiếu quy định, mà ở chỗ thiếu cơ chế thực thi. Chừng nào cơ chế thực thi không có, thì quyền cổ đông, muốn thực hiện cũng không dễ!

Những câu chuyện trên tất nhiên chỉ xảy ra ở các DN có quản trị công ty yếu. DN có quản trị công ty tốt luôn biết cách thể hiện sự tôn trọng với cổ đông nhỏ. Đó cũng là lý do nhà quản lý, ngoài việc làm luật, còn dành nhiều nỗ lực thúc các DN nâng cấp chất lượng quản trị công ty.

Tin bài liên quan