“Khoảng trống” trong giám sát thị trường tài chính

“Khoảng trống” trong giám sát thị trường tài chính

(ĐTCK) Các chuyên gia cảnh báo, “gót chân Asin” đang bộc lộ trong hoạt động giám sát thị trường tài chính.

Giám sát kiểu... chữa cháy

Sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán diễn biến phức tạp, trong khi quản trị rủi ro tại không ít DN bị nhóm cổ đông lớn... qua mặt, gây ra những ẩn hoạ khôn lường trên thị trường tài chính.

Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (UBGS), ông Vũ Viết Ngoạn cảnh báo, tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo với sự liên thông của cả 3 khu vực: ngân hàng, chứng khoán và DN, đã làm méo mó, lệch lạc các dòng chảy tiền tệ trong nền kinh tế và được coi là một trong những nguyên nhân gây nên những bất cập của hệ thống tài chính thời gian qua...

“Thị trường tài chính đã xuất hiện một số tổ chức tài chính với mô hình công ty mẹ là các NHTM và các công ty con, công ty liên kết là các CTCK, bảo hiểm. Mô hình này tạo điều kiện phát triển nhiều loại rủi ro, như rủi ro trong giao dịch nội bộ, rủi ro chéo...”, ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch UBGS nói và cho rằng, thực trạng đáng quan ngại như vậy, nhưng quản trị rủi ro và quản trị DN còn nhiều hạn chế. Một số trường hợp quản trị DN và quản trị rủi ro đã bị qua mặt bởi một nhóm cổ đông lớn...

Hiện trạng đáng báo động là vậy, nhưng tại Hội thảo quốc tế "Tăng cường giám sát và lành mạnh hóa hệ thống tài chính" do UBGS, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và World Bank (WB) phối hợp tổ chức mới đây, các chuyên gia cảnh báo, hệ thống giám sát thị trường tài chính đang để lộ “gót chân Asin” đáng ngại.

“Trong khi khả năng phối hợp giám sát của UBGS với các cơ quan thanh tra, giám sát chuyên ngành khác vẫn còn hạn chế, thì với địa vị pháp lý của UBGS như hiện nay vẫn còn nhiều trở ngại khác về mặt thể chế và pháp lý, khiến cho việc điều phối giữa chính sách giám sát an toàn tài chính với chính sách kinh tế vĩ mô của cơ quan này trở nên không thực tế...”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright cảnh báo và phân tích thêm, chức năng và thẩm quyền giám sát của UBGS vẫn còn rất hạn chế, trong khi đó quyền giám sát chuyên ngành vẫn tiếp tục được duy trì theo mô thức cũ.

“Khoảng trống” trong giám sát thị trường tài chính ảnh 1

Quản trị rủi ro tại không ít DN đã bị nhóm cổ đông lớn... qua mặt

UBGS vẫn chưa thể đóng vai trò như một cơ quan điều tiết, giám sát có hiệu năng và hiệu quả, không có đủ công cụ và thẩm quyền, càng không phải là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm giám sát toàn bộ hệ thống tài chính quốc gia.

Những giới hạn này khiến cho mô hình giám sát tài chính của Việt Nam đang không rõ ràng, không nhất quán trong các quan hệ phối hợp và điều phối giám sát giữa các cơ quan giám sát chuyên ngành.

Theo ông Phước, hiện tại, cơ chế phối hợp giám sát giữa các cơ quan giám sát chuyên ngành và cơ quan quản lý khác được thực hiện dựa trên 3 kênh chính gồm: các thông tư liên tịch về phối hợp, trao đổi thông tin, giám sát, xử lý vi phạm; cơ chế lấy ý kiến đóng góp đối với chính sách, các dự thảo văn bản pháp quy; cơ chế điều phối hoạt động giám sát của UBGS.

Hiện nay, giữa các cơ quan giám sát chuyên ngành chưa có một thông tư liên tịch nào về phối hợp trong công tác giám sát. Việc gửi văn bản xin ý kiến đóng góp giữa các cơ quan giám sát chuyên ngành và tổ chức các hội thảo để lấy ý kiến trực tiếp, đôi lúc mang tính hình thức, việc tiếp thu và giải trình chưa thật sự đi vào chiều sâu. UBGS mới được thành lập và đi vào hoạt động, trong khi chưa có văn bản pháp quy quy định việc phối hợp giữa NHNN, Bộ Tài chính và UBGS.

Các chuyên gia nhìn nhận, yêu cầu tối thượng của giám sát tài chính là phải ngăn ngừa bất ổn (phòng cháy) chứ không phải xử lý bất ổn (chữa cháy), nhưng thực tế lại chưa đạt được yêu cầu này. Do vậy, nếu như vai trò điều phối của UBGS chỉ được giới hạn trong các mối quan hệ với các cơ quan giám sát chuyên ngành, thì chức năng phòng ngừa sẽ khó đạt hiệu quả.

 

Nên có Hội đồng ổn định tài chính

Để khắc phục những bất cập đang tồn tại trong giám sát thị trường tài chính, ông Phước cho rằng, việc thiết lập Hội đồng ổn định tài chính, có sự tham gia của các cơ quan hoạch định chính sách và cơ quản quản lý giám sát như thông lệ nhiều nước, rất đáng tham khảo cho Việt Nam.

Thành viên của hội đồng này có thể đến từ NHNN, Bộ Tài chính, UBGS với các nhiệm vụ: nhận dạng rủi ro ảnh hưởng đến ổn định tài chính có thể phát sinh từ bất ổn của tổ chức tài chính; lựa chọn công cụ chính sách phù hợp để xử lý rủi ro hệ thống; ứng phó với những đe dọa ảnh hưởng đến ổn định thị trường tài chính.

Trong điều kiện chưa thể thành lập Hội đồng ổn định tài chính, ông Tuấn kiến nghị, cần tăng quyền điều phối của UBGS, để không chỉ ở cấp độ với các cơ quan thanh tra, giám sát chuyên ngành, mà còn ở cấp độ cao hơn là các cơ quan thực thi chính sách trực thuộc Chính phủ.

Quyền này cần được thể chế hóa cụ thể trong một văn bản có giá trị pháp lý tương đương Luật hoặc Pháp lệnh, thay vì là một Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều chuyên gia cũng thống nhất quan điểm, xây dựng khuôn khổ chính sách kinh tế vĩ mô ổn định là một trong những điều kiện cơ bản tạo lập nền tảng vận hành ổn định và lành mạnh thị trường tài chính. Thực tế cho thấy, phối hợp thiếu hài hòa trong điều hành chính sách làm gia tăng nguy cơ bất ổn của thị trường tài chính, gây nên sức ép lớn cho hoạt động giám sát.

“Không có bằng chứng cho thấy một mô hình giám sát tài chính cụ thể nào tốt hơn so với những mô hình khác. Vì không thể trông đợi một mô hình giám sát thị trường tài chính lý tưởng, nên có hai điều quan trọng Việt Nam cần lưu ý.

Thứ nhất là khuôn khổ pháp lý nên bắt kịp những thay đổi lớn của thị trường, để tránh tạo ra “khoảng trống” cơ chế. Hai là tăng cường hiệu quả phối giữa các cơ quan giám sát, cũng như giữa các cơ quan này với NHNN, Bộ Tài chính và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam”, ông Jose De Luna Martinez, Chuyên gia cao cấp về tài chính (WB) khuyến nghị.

>>Thị trường tài chính rộng cửa với nhà đầu tư Mỹ

>>Hãy cứu các thị trường tài chính mới nổi!

>>Nhiều “lỗ hổng” trong giám sát thị trường tài chính