Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ tại Vinataba đã hé lộ nhiều mảng tối trong hoạt động của doanh nghiệp này.

Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ tại Vinataba đã hé lộ nhiều mảng tối trong hoạt động của doanh nghiệp này.

Khoảng trống trách nhiệm của cổ đông Nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quản trị yếu kém tại một số doanh nghiệp có vốn Nhà nước đang gây thất thoát, lãng phí nguồn vốn và làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Nội bộ rối ren, kinh doanh sa sút

Đại hội cổ đông thường niên 2022 của Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công nghiệp và đô thị Việt Nam (gọi tắt là VCC, mã chứng khoán: CCV) diễn ra sáng 19/10, cho thấy mâu thuẫn gay gắt giữa một số thành viên Ban lãnh đạo cũng là cổ đông của Công ty.

Sau khi ông Trần Nhật Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị VCC trình bày báo cáo kết quả hoạt động của Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2017-2022, phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2022 - 2027 và bà Hoàng Thị Ngọc Loan, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc đọc báo cáo kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh năm 2021, kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2022, ông Trần Nhật Minh đã đề nghị đại hội biểu quyết thông qua hai báo cáo này luôn “để tiết kiệm thời gian của đại hội”.

Ngay lập tức, một số cổ đông bày tỏ sự phản đối. Ông Nguyễn Văn Bằng, ủy viên Hội đồng quản trị, cổ đông lớn cho rằng, đại hội đang làm ngược, chưa thảo luận đã biểu quyết thông qua báo cáo là sai nguyên tắc. Tuy nhiên, ông Minh lấy quyền chủ tọa đã bác đề xuất này vì lý do “ưu tiên làm công tác nhiệm kỳ” (bầu Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới).

Ông Bằng không đồng tình vì cho rằng các báo cáo “có vấn đề”, cụ thể là không hợp lý, không minh bạch trong quản lý tài chính. Theo vị này, thu nhập của lãnh đạo Công ty quá cao, lương của Tổng giám đốc trong năm 2021 là hơn 56 triệu đồng/tháng, chưa kể thù lao, còn của Chủ tịch Hội đồng quản trị là hơn 40 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, thu nhập của người lao động đang quá thấp, công ty mẹ là Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC), đơn vị có 51% vốn tại VCC đã có văn bản yêu cầu hoàn thiện quy chế tiền lương nhưng cả hai báo cáo tại đại hội không đề cập tới.

Bên cạnh đó, ông Bằng cũng phản ánh, Tổng giám đốc và Kế toán trưởng tự mang báo cáo tài chính năm 2019, 2020 đã kiểm toán trình thẳng lên công ty mẹ VNCC mà không thông qua đại hội cổ đông. Hội đồng quản trị cũng không được biết.

Đáng lưu ý, ông Dương Thế Lập, thành viên Ban Kiểm soát VCC phản đối kế hoạch phân bổ số tiền hơn 1,459 tỷ đồng đã chi cho du lịch, tham quan nước ngoài bị “treo” nhiều năm vào nguồn chi phí sản xuất - kinh doanh hợp lệ của Công ty trong 3 năm 2022 - 2024, như đề xuất của Tổng giám đốc Hoàng Thị Ngọc Loan.

“Hội đồng quản trị và đại hội cổ đông không có quyết định nào cho phép tổ chức các chuyến tham quan, du lịch đó. Nếu bây giờ cho phép phân bổ số tiền này vào chi phí hợp lệ của Công ty thì có nghĩa là những người không được hưởng thụ các chuyến đi đó cũng phải chịu chi phí một cách vô lý. Xử lý như thế là vi phạm pháp luật”, ông Lập nói.

Cùng với mâu thuẫn trong quản lý, điều hành doanh nghiệp nói trên, hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty cũng có dấu hiệu sa sút. Từ năm 2017 - 2025, doanh thu của VCC lao dốc từ 185,6 tỷ đồng xuống còn 118,32 tỷ đồng; lợi nhuận giảm từ 9,77 tỷ đồng xuống còn 8,38 tỷ đồng.

Những tranh cãi khiến đại hội cổ đông của VCC dự kiến chỉ tiến hành trong một buổi sáng thì kéo dài tới tận tối 19/10/2022.

Sai phạm trong sử dụng vốn và tài sản

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản, thoái vốn và tái cơ cấu tại Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), hé lộ nhiều mảng tối trong hoạt động của doanh nghiệp có vốn Nhà nước này.

Theo đó, Vinataba đã làm trái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vi phạm pháp luật về chuyển nhượng tài sản doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ khi chuyển nhượng 30.927,7 m2 tại 152 Trần Phú (quận 5, TP.HCM), không xin phép Thủ tướng Chính phủ; không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, có nguy cơ thất thoát tiền của Nhà nước, của doanh nghiệp. Đây là khu đất “vàng”, có diện tích lớn, vị trí đẹp, trước là Nhà máy thuốc lá Sài Gòn thuộc Công ty TNHH MTV Thuốc lá Sài Gòn (doanh nghiệp có 100% vốn thuộc Vinataba).

Kết luận cũng chỉ rõ, việc thực hiện dự án tại 235 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội,) đã có một số sai phạm, dự án kéo dài hơn 10 năm chưa triển khai, ảnh hưởng đến tiến độ di dời nhà máy Thuốc lá Thăng Long, đến hiệu quả sử dụng vốn của Vinataba.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cho rằng hoạt động mua nguyên liệu thuốc lá của Vinataba có dấu hiệu của tội “trốn thuế” theo Điều 200, Bộ luật Hình sự 2015 và kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra.

Trước đó, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp Nhà nước (là những doanh nghiệp có vốn Nhà nước với tỷ lệ từ 50% trở lên), đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2021, cơ quan này đã ban hành kết luận 27 cuộc thanh tra tại các doanh nghiệp Nhà nước, phát hiện sai phạm với số tiền lên tới hơn 46.000 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là đầu tư, quản lý, sử dụng vốn và tài sản còn yếu kém, nhiều trường hợp để xảy ra sai phạm, thất thoát, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Dấu hỏi trách nhiệm của cổ đông Nhà nước

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, nhiều cổ đông VCC cho rằng, những rối ren, mâu thuẫn tại doanh nghiệp này đã diễn ra nhiều năm nhưng công ty mẹ VNCC không có giải pháp hiệu quả để xử lý, thậm chí còn có dấu hiệu buông lỏng quản lý.

Theo quan sát của phóng viên, sau khi ông Trần Nhật Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị VCC công bố thành phần chủ toạ điều hành đại hội gồm có ông Minh, bà Loan và ông Bằng thì ông Bằng nêu ý kiến rằng, đại hội có mặt ông Nguyễn Huy Khanh (ủy viên Hội đồng quản trị, người đại diện quản lý 51% cổ phần của công ty mẹ VNCC tại VCC) thì nên để ông Khanh điều hành. Tuy nhiên, ông Khanh đã từ chối điều hành với lý do “mấy phút nữa phải đi có việc quan trọng” và một lúc sau ông Khanh rời đại hội.

Trong quá trình thảo luận, khi ông Bằng và ông Lập nêu ý kiến gay gắt về những điều mà hai ông này cho là “sai phạm gây thất thoát của ban giám đốc”, ông Minh không có giải đáp thoả đáng tại cuộc họp. Đại hội cổ đông của VCC có sự tham gia của hai cán bộ tới từ VNCC là ông Nguyễn Đình Thi và bà Đào Thị Tuyết Thanh nhưng hai vị này cũng không có ý kiến gì.

Trong hoạt động quản trị của doanh nghiệp có vốn Nhà nước, trách nhiệm của cổ đông Nhà nước được thể hiện gián tiếp qua vai trò của người đại diện phần vốn tại doanh nghiệp.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh

Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, trong hoạt động quản trị của doanh nghiệp có vốn Nhà nước, trách nhiệm của cổ đông Nhà nước được thể hiện gián tiếp qua vai trò của người đại diện phần vốn tại doanh nghiệp.

Nếu doanh nghiệp để xảy ra sai phạm, thất thoát tài sản thì người đại diện bị xử lý. Đầu tiên là xử lý nội bộ theo pháp luật về công chức, viên chức, xử lý kỷ luật về mặt Đảng; nếu đủ căn cứ xử lý hình sự thì sẽ xử lý hình sự.

“Tuy nhiên, cái khó hiện nay là trách nhiệm của người đại diện với cổ đông Nhà nước lại chỉ được quy định bằng thoả thuận”, ông Truyền nói.

Được biết, mới đây, Chính phủ đã đề xuất Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Theo đó, có 4 chính sách lớn được xem xét sửa đổi, bao gồm quyền và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Bà Hà Thu Thanh, Thành viên Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam

Quản trị công ty có 4 cấp độ, trong đó cấp độ tối thiểu, đầu tiên là tuân thủ luật pháp và các quy định hiện hành. Nếu không tuân thủ cấp độ này, chi phí hoạt động sẽ cao hơn, hiệu quả thấp đi và ảnh hưởng đến giá trị tương lai của doanh nghiệp.

Thời gian qua, tại một số doanh nghiệp, vấn đề thực thi quản trị công ty hiệu quả dường như chưa được coi trọng lắm. Trong khi đó, quản trị công ty tốt thể hiện được năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thể hiện sự bình đẳng đối xử đối với quyền lợi của tất cả các đối tác và các bên có cổ đông, nâng cao hiệu quả kinh doanh, khả năng tiếp cận vốn, tiết kiệm giảm chi phí, nâng cao uy tín của ban lãnh đạo, ban điều hành.

Tin bài liên quan