Trái phiếu phát hành mới của doanh nghiệp sản xuất hầu như vắng bóng trên thị trường từ đầu năm tới nay

Trái phiếu phát hành mới của doanh nghiệp sản xuất hầu như vắng bóng trên thị trường từ đầu năm tới nay

“Khoảng trống” thị trường trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khan hàng giá tốt, cầu vốn của các tổ chức phát hành chất lượng ở mức thấp, trong khi các quy định pháp lý áp dụng với thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thay đổi, khiến cho thị trường này chưa thực sự hồi phục như kỳ vọng.

Khan hàng giá tốt

Lãnh đạo một công ty quản lý quỹ thuộc ngành bảo hiểm cho biết, quy mô vốn mà công ty này quản lý vào khoảng 5.000 tỷ đồng, trái phiếu ngân hàng hoặc trái phiếu chính phủ không nằm trong rổ hàng hóa mà tổ chức đầu tư này nhắm đến do lãi suất tương đối thấp. Rổ hàng trái phiếu của công ty này chủ yếu với mức coupon trên 9%/năm, có tài sản bảo đảm, có bảo lãnh thanh toán… Tỷ lệ lớn khách hàng của Quỹ là nhóm doanh nghiệp bất động sản.

Sau cú sốc trên thị trường TPDN cuối năm 2022, sức khỏe doanh nghiệp yếu đi trông thấy; đồng thời, những khó khăn trên thị trường bất động sản cũng khiến nhu cầu thực của tổ chức phát hành giảm. Nhu cầu thực nghĩa là doanh nghiệp phát hành dùng tiền sử dụng phát triển dự án thực (không nhằm đảo nợ).

“Chúng tôi có nguồn tiền để giải ngân, nhưng không kiếm được doanh nghiệp phát hành trái phiếu đủ điều kiện để giải ngân. Doanh nghiệp có nhu cầu phát hành thì nhiều nhưng hội đồng đầu tư sàng lọc 20 - 30 doanh nghiệp, chỉ chốt được 1 - 2 doanh nghiệp”, lãnh đạo công ty quản lỹ quỹ trên chia sẻ.

Ông Kim Hwan Kyoon, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Asam cho biết, nhà đầu tư Hàn Quốc có nhu cầu lớn với các tài sản đem lại thu nhập cố định cao hơn lãi suất tiết kiệm như TPDN Việt Nam. Quỹ này có thể huy động tầm 2.000 tỷ đồng giải ngân vào TPDN Việt Nam, nếu tìm được doanh nghiệp đạt các tiêu chí đề ra. Asam đã thắng lớn với các thương vụ đầu tư vào trái phiếu/trái phiếu chuyển đổi của CTCP Đầu tư thương mại TNG.

Với sự chững lại của nền kinh tế, số lượng doanh nghiệp có nhu cầu phát hành trái phiếu để tăng trưởng trong tương lai cũng giảm, trong khi nhiều lô trái phiếu đã đáo hạn trước đó. Thực tế này khiến cho người trong cuộc nhìn nhận thị trường đang ở tình trạng khan hàng tốt.

Dữ liệu thị trường cũng cho thấy, từ đầu năm đến nay, khoảng 90% giá trị phát hành thuộc về nhóm ngân hàng, tiếp theo là nhóm bất động sản. Tỷ trọng các doanh nghiệp sản xuất, chế biến - khẩu vị ưa thích của nhiều tổ chức đầu tư do có ưu thế dòng tiền đều đặn, gần như không đáng kể.

Ông Nguyễn Đình Duy, chuyên gia phân tích cấp cao, Khối Xếp hạng và Nghiên cứu, VIS Rating cho biết, trên thị trường sơ cấp, phát hành riêng lẻ đóng góp 90% giá trị phát hành mới, không có thay đổi so với những năm gần đây. Phát hành ra công chúng cần một quá trình lâu hơn để phát hành, bao gồm cả quy trình phê duyệt từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, mất trung bình từ 2 - 3 tháng.

Số liệu của Bộ Tài chính cũng cho thấy, các ngân hàng vẫn là nhà đầu tư chính trên thị trường sơ cấp, mua hơn 50% tổng giá trị phát hành. Trong khi đó, các nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp chỉ mua gần 6% số phát hành mới trong nửa đầu năm 2024.

Thanh khoản trên thị trường thứ cấp cải thiện. Theo thống kê của VIS Rating, tỷ lệ vòng quay của TPDN trong nửa đầu năm 2024, tính bằng tổng giá trị giao dịch trên tổng giá trị lưu hành của thị trường, đạt khoảng 6 - 8% mỗi tháng, gấp hơn hai lần so với tỷ lệ trong nửa cuối năm 2023 khi hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ mới bắt đầu hoạt động. Tuy nhiên, ngân hàng cũng là những “người chơi” chính trên thị trường thứ cấp. Thị trường ghi nhận xu hướng phân phối lại TPDN của một số công ty chứng khoán.

Những con số trên cho thấy, vẫn cần thời gian để hồi phục và lan tỏa hoạt động thị trường trái phiếu ra các thành viên.

Một rào cản nữa cho đà hồi phục của thị trường nằm ở năng lực thực hiện cam kết của nhóm tổ chức phát hành có dư nợ trái phiếu hiện hữu. Dữ liệu của các bên như VIS Rating hay FinnRatings thống kê, tỷ lệ chậm trả gốc lãi tích lũy đã giảm từ mức đỉnh 16% xuống mức hiện tại 15%, song hành với quá trình tái cơ cấu nợ đang diễn ra.

Nhưng, con số tích cực đó đến từ việc cộng thêm giá trị phát hành sơ cấp mới và phần lớn trái chủ không có lựa chọn khác ngoài việc đồng ý cho các tổ chức phát hành giãn, hoãn nợ. Với các cơ chế hiện hành, việc xử lý tài sản bảo đảm vô cùng gian nan, với những lý do nhà đầu tư không nghĩ đến, ví dụ tổ chức phát hành không phối hợp bàn giao hồ sơ, tài sản bảo đảm, tài sản bảo đảm không đủ điều kiện pháp lý để hình thành tài sản, cổ phiếu dùng làm tài sản bảo đảm mất giá trị khi tổ chức phát hành đứng trước nguy cơ vỡ nợ, không có thanh khoản…

Những doanh nghiệp khó tiếp cận các kênh vốn khác tìm đến kênh trái phiếu có chất lượng hoạt động khó kiểm chứng, điều này là lý do dẫn tới chi phí phát hành trái phiếu vẫn tương đối cao, với mức từ 10 - 12% coupon cho các đợt phát hành sơ cấp tháng 7 vừa qua. Áp lực đáo hạn trong tương lai gần là đáng kể, với hơn 43.000 tỷ đồng TPDN đáo hạn trong 6 tháng cuối năm 2024 và hơn 100.000 tỷ đồng đáo hạn năm 2025 tiếp tục là “cục máu đông” với kênh đầu tư này.

Khoảng trống chính sách

Nếu nhìn về tiềm năng thị trường TPDN Việt Nam, so với các thị trường khu vực, có thể kỳ vọng dư địa còn rất lớn khi tổng giá trị dư nợ của thị trường (bao gồm trái phiếu phát hành riêng lẻ, phát hành công khai và trái phiếu chậm trả đến ngày đáo hạn) mới đạt khoảng 11% GDP vào năm 2023. Trong khi đó, tại các thị trường trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Phillipines, tỷ lệ này là 50%; còn tại các thị trường phát triển như Hàn Quốc là 100%. Mục tiêu phát triển thị trường TPDN theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2030 là 30% cũng còn rất xa.

Dù vậy, cú sốc của thị trường do phát triển tự phát quá nóng thời gian qua đang khiến các bên tham gia có một sự e dè nhất định. Các quy định pháp lý với thị trường này cũng đứng trước nhiều thay đổi theo hướng siết chặt hơn về mặt kỹ thuật.

Trước hết, Nghị định 08/2023/NĐ-CP cho phép gia hạn trái phiếu tối đa 2 năm, hay cho phép đàm phán với trái chủ để thanh toán nợ bằng tài sản khác đã góp phần tháo gỡ nút thắt khó khăn thanh khoản ngắn hạn của nhiều tổ chức phát hành, tạm giúp nhiều tổ chức phát hành thoát án “vỡ nợ trái phiếu”. Ở nhiều mã trái phiếu, thời gian gia hạn 2 năm đã gần trôi qua, tổ chức phát hành vẫn hoạt động bết bát, vậy phương án xử lý với những trái phiếu này tới đây sẽ ra sao? Chưa kể, không ít tổ chức phát hành gia hạn nợ gốc trái phiếu nhưng không thực hiện trả lãi theo cam kết, trả lãi nhỏ giọt với một tỷ lệ rất nhỏ, tức là đã vi phạm điều kiện, điều khoản trái phiếu, thuộc dạng bị tuyên “vỡ nợ trái phiếu”.

Kể từ ngày 1/1/2024, quy định về nhà đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp được áp dụng theo Nghị định số 65/2022, cũng hạn chế số nhà đầu tư cá nhân tham gia sân chơi này, kể cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Cụ thể, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp với các yêu cầu nhà đầu tư cá nhân cần đảm bảo danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng được xác định bằng giá trị thị trường bình quân theo ngày của danh mục chứng khoán trong thời gian tối thiểu 180 ngày liền kề trước ngày xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Ghi nhận từ thị trường, một số nhà đầu tư cá nhân có nhu cầu nhận chuyển nhượng trái phiếu Nova Thảo Điền từ nhà đầu tư khác để hoán đổi sang bất động sản. Tuy nhiên, do không đáp ứng được điều kiện nhà đầu tư chuyên nghiệp nên không thể áp dụng phương thức tái cơ cấu nợ xấu trái phiếu Nova Thảo Điền theo cách này.

Trong khi đó, Dự thảo sửa đổi Luật Chứng khoán đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến tiếp tục tăng điều kiện nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Cụ thể, đối với nhà đầu tư tổ chức, bổ sung yêu cầu đối với công ty có vốn điều lệ đã góp trên 100 tỷ đồng thì phải có thời gian hoạt động tối thiểu 2 năm. Đối với cá nhân, bổ sung quy định phải tham gia đầu tư chứng khoán trong thời gian tối thiểu 2 năm, có tần suất giao dịch tối thiểu 10 lần mỗi quý trong 4 quý gần nhất; có thu nhập tối thiểu 1 tỷ đồng mỗi năm trong 2 năm gần nhất. Dự thảo cũng bổ sung quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia chào bán, giao dịch, chuyển nhượng TPDN riêng lẻ chỉ bao gồm nhà đầu tư chuyên nghiệp là tổ chức.

Lãnh đạo một quỹ đầu tư nhận xét, chính sách có xu hướng siết chặt sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân với kênh TPDN, trong khi thực tế thị trường thời gian qua cho thấy rất cần gia tăng chất lượng tổ chức phát hành, bổ sung các điều kiện về phát hành trái phiếu riêng lẻ, cụ thể là các tỷ lệ tài chính, mục đích phát hành, tài sản bảo đảm khi phát hành… nhằm góp phần nâng cao khả năng thanh toán và giảm rủi ro vỡ nợ. Bên cạnh đó là tăng cường hoạt động giám sát của các cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp phát hành.

Tin bài liên quan