Khoảng trống tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần sớm lấp đầy

Khoảng trống tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần sớm lấp đầy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khoảng 62% tổng nhu cầu tài chính của doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa được đáp ứng, tương đương với khoảng trống tài chính khoảng 24 tỷ USD, gấp 2,11 lần mức cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) hiện tại.

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú trăn trở, dù NHNN đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhưng tăng trưởng tín dụng thời điểm đầu năm 2024 khá thấp so với các năm gần đây.

Trong tổng thể, tăng trưởng tín dụng thấp theo ông Tú là do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan được chỉ ra là cầu tín dụng và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế gặp khó khăn do bị ảnh hưởng từ nền kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường; trong khi kinh tế trong nước phục hồi chưa rõ nét, năng lực tài chính của doanh nghiệp bị suy giảm, chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn... Về chủ quan, nhiều TCTD có xu hướng thận trọng trong việc cấp tín dụng trong bối cảnh nợ xấu gia tăng.

Dữ liệu và mô hình đánh giá rủi ro của Fiin Group được công bố tại hội thảo "Đổi mới dịch vụ và sản phẩm tài chính ngân hàng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam" do FiinGroup phối hợp cùng IFC và Công ty S&P Market Intelligence, Singapore, tổ chức ngày 24/7 cho biết, số lượng DNVVN Việt Nam chiếm gần 85% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam. Doanh thu từ nhóm doanh nghiệp này đạt khoảng 20% doanh thu toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam. So với GDP, doanh thu của DNVVN tương đương 70% GDP Việt Nam. Trong khi đó, ghi nhận của Fiin cho biết, tổng 31.773 doanh nghiệp DNVVN chưa được tiếp cận vốn vay mặc dù mức độ rủi ro là thấp và rất thấp.

“Các DNVVN gặp khó khăn trong việc tiếp cận các khoản tín dụng không được bảo đảm từ ngân hàng. Khoảng 62% tổng nhu cầu tài chính của họ vẫn chưa được đáp ứng, tương đương với khoảng trống tài chính khoảng 24 tỷ USD, gấp 2,11 lần mức cho vay DNVVN hiện tại. Trong khi đó, dự toán khoảng trống tài chính của DNVVN tại các nước đang phát triển chỉ cao hơn 1,23 lần các khoản vay hiện thời dành cho DNVVN”, ông Nguyễn Minh Tú, Giám đốc Điều hành khối Thông tin doanh nghiệp FiinGroup cho biết.

Các diễn giả thảo luận tại Hội thảo

Các diễn giả thảo luận tại Hội thảo

Khoảng trống tài chính lớn cho thấy rằng DNVVN tại Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Điều này có thể do nhiều yếu tố như yêu cầu cao về tài sản đảm bảo, quy trình phê duyệt tín dụng phức tạp, và sự thiếu hụt thông tin tài chính minh bạch từ các doanh nghiệp này.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Trần Anh Quý, Trưởng phòng Tín dụng chính sách, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN nói: “Khi hỏi các TCTD về mức độ sẵn sàng cho vay các DNNVV, câu trả lời thường có sự dè dặt nhất định. Thực tế, sự quan ngại của các TCTD là có lý do”.

Cùng quan điểm, bà Phạm Thị Thanh Huyền, chuyên gia tới từ Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) nhấn mạnh: “Đây là bài toán của ngân hàng và TCTD để tiếp cận DNNVV”.

Bên cạnh việc nâng cao khả năng tiếp cận vốn của các DNNVV, việc có một khoảng trống tài chính lớn cũng mở ra cơ hội cho các ngân hàng và tổ chức tài chính trong việc phát triển các sản phẩm tài chính phù hợp hơn với nhu cầu của DNVVN. Đồng thời, thúc đẩy chính phủ xem xét các chính sách hỗ trợ cho DNVVN nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tiếp cận vốn.

Bà Huyền gợi ý, về bản chất, các tổ chức tài chính không được phép huy động vốn từ dân nên quy định về an toàn sẽ thấp hơn so với ngân hàng.

“Ngân hàng huy động tiền gửi từ dân nên chịu sự quản lý của NHNN nhằm đảm bảo quyền lợi của nguồn tiền. Vì vậy, quy định về an toàn với NHTM sẽ cao hơn rất nhiều tổ chức cho vay không nhận tiền gửi”, bà Huyền nhận định.

Ở Việt Nam, những tổ chức tài chính như vậy được gọi là các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, phân chia thành nhiều phân khúc khác nhau. Trong tổng số 26 công ty tài chính tại Việt Nam, có 16 công ty tài chính tiêu dùng và 10 công ty cho thuê tài chính. Trong 10 công ty cho thuê tài chính có khoảng 8 công ty đang hoạt động, nhưng theo bà Huyền, không có công ty nào tập trung cho vay DNNVV.

Trong giấy phép của các công ty cho vay tài chính tiêu dùng, khoản cho vay doanh nghiệp SMEs không được vượt quá 30% tổng dư nợ và thông thường, 70% dư nợ còn lại sẽ tập trung khách hàng cá nhân.

“Đối với các công ty đó, hạn mức 30% là quá nhỏ, trong khi DNNVV tham gia vào chuỗi cung ứng trong ngành thì cần hạn mức lớn hơn nhiều. Hay nói cách khác, dư địa tăng trưởng tín dụng tại các DNNVV còn rất lớn”, bà Huyền khẳng định và kỳ vọng, trong tương lai, một vài tháng đến 1-2 năm tới, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, nâng cao giá trị vay dành cho DNNVV.

Tin bài liên quan