“Khoảng trống” quản lý tài sản bảo đảm khiến việc đòi nợ trái phiếu bế tắc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một số vụ đòi nợ trái phiếu đi vào bế tắc do “khoảng trống” trong quản lý tài sản đảm bảo.
“Khoảng trống” quản lý tài sản bảo đảm khiến việc đòi nợ trái phiếu bế tắc

Nhà đầu tư sở hữu trái phiếu NALCH2124001 của Công ty TNHH Nam Land đang rất chán nản vì hành trình đòi nợ đi vào ngõ cụt, dù trái phiếu có tài sản bảo đảm do ngân hàng quản lý. Lô trái phiếu này được phát hành vào ngày 13/7/2021, có kỳ hạn 3 năm, tổng giá trị 900 tỷ đồng, nhằm mục đích hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Gotec Việt Nam để phát triển Dự án Khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp Asiana Riverside (nay đổi tên thành Dự án Shizen Home) tại đường Bến Nghé, phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP.HCM và thanh toán nghĩa vụ tín dụng với VPBank.

Tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu do Nam Land phát hành gồm quyền sử dụng đất phát sinh từ khu đất có diện tích 10.076,6 m2 tại đường Bến Nghé, phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP.HCM, đứng tên Công ty TNHH Gotec Việt Nam do Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cấp ngày 7/12/2015 và tất cả các tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của bên bảo đảm tại khu đất có giấy chứng nhận đã hình thành và hình thành trong tương lai; tất cả các quyền, lợi ích của bên bảo đảm liên quan đến quyền sử dụng đất, kể cả tiền thu được, các khoản bồi hoàn và các khoản thanh toán khác và tài sản hình thành từ tiền thu được từ đó.

Ngoài ra, tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu còn bao gồm tất cả tiền và các quyền tài sản (không bao gồm quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, bất động sản hình thành trong tương lai) của bên bảo đảm phát sinh từ Dự án Asiana Riverside; tài khoản Dự án và các số dư trong tài khoản Dự án và tất cả quyền tài sản có liên quan đến tài khoản Dự án; tất cả quyền, quyền lợi và lợi ích, các khoản bồi hoàn và các khoản thanh toán khác mà bên bảo đảm nhận được hoặc sẽ nhận được để thay thế cho, thuộc về, hoặc liên quan đến và mọi tài sản thuộc mọi tính chất và chủng loại nhằm trao đổi, thay đổi hoặc thay thế cho bất kỳ quyền và/hoặc tài sản nào được đề cập trong các điểm trên.

Bên cạnh đó, tài sản bảo đảm còn có phần vốn góp trong Công ty TNHH Nam Land (có địa chỉ tại tầng 3, tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM) có tổng giá trị tại thời điểm góp vốn lần lượt là 301,5 tỷ đồng và 33,5 tỷ đồng (chiếm 90% và 10% vốn điều lệ của Công ty) thuộc sở hữu của ông Nguyễn Thúc Anh Thi và ông Vũ Việt Trung.

Khi Nam Land không trả được lãi và gốc trái phiếu, các nhà đầu tư đã yêu cầu ngân hàng quản lý thực hiện thủ tục bán tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, ngân hàng này cho biết, do tổ chức phát hành và các bên liên quan không bàn giao tài sản bảo đảm nên họ không thực hiện bán được tài sản bảo đảm. Hiện hồ sơ khởi kiện Nam Land để đòi tài sản bảo đảm được trái chủ gửi tới tòa án nhưng chưa được thụ lý.

Đây không phải là trường hợp cá biệt. Trái chủ ở một số lô trái phiếu do Hưng Thịnh Quy Nhơn phát hành cũng đang gặp vướng mắc về xử lý tài sản bảo đảm khi ngân hàng quản lý tài sản bảo đảm chuyển nghĩa vụ này sang ngân hàng khác.

Đáng chú ý, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024) quy định, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được thực hiện các hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Luật và được ghi trong giấy phép. Các hoạt động khác chỉ được thực hiện khi Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định nghiệp vụ hướng dẫn đối với từng hoạt động kinh doanh cụ thể. Sau ngày Luật có hiệu lực, chức năng đại lý quản lý tài sản đảm bảo đã không còn trong giấy phép của các ngân hàng, tổ chức tín dụng và đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa ban hành quy định nghiệp vụ hướng dẫn. Như vậy, chức năng quản lý tài sản đảm bảo cho trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng đang bị bỏ trống, trong khi các tổ chức khác trên thị trường không đủ khả năng đảm đương.

Giám đốc quản lý danh mục một công ty quản lý quỹ cho biết, đối với tài sản đảm bảo là cổ phiếu thì công ty chứng khoán có thể đảm nhận vai trò đơn vị quản lý tài sản đảm bảo, nhưng đối với bất động sản và quyền tài sản phát sinh thì chưa có đơn vị nào có đủ chức năng để quản lý.

Giải pháp tình thế được một số bên thống nhất triển khai là giao cho công ty chứng khoán quản lý, hoặc ngân hàng tham gia mua trái phiếu rồi các trái chủ khác ủy quyền cho trái chủ ngân hàng quản lý tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, cách làm này vẫn đòi hỏi sự tham gia sâu của ngân hàng trong thương vụ phát hành trái phiếu, khiến cho chi phí quản lý đội lên và các bên cũng gặp không ít khó khăn trong việc đáp ứng thủ tục và thỏa thuận dân sự với nhau.

Tin bài liên quan