Cần xem xét việc xây dựng một bộ luật riêng cho hoạt động tín dụng tiêu dùng. Ảnh: Đức Thanh
Kỳ 2: Xóa khoảng trống pháp lý
Hành lang pháp lý để thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam phát triển lành mạnh còn quá nhiều khoảng trống khiến quyền lợi cả bên vay lẫn bên cho vay chưa được bảo vệ đầy đủ.
Hở luật, thị trường nhộm nhoạm
Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu tài chính toàn diện; phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến những đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện…
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, không thể thiếu các doanh nghiệp cho vay phi ngân hàng. Các vấn đề cơ bản là đảm bảo công bằng, toàn diện, bảo vệ lợi ích hợp pháp của cả người đi vay và người cho vay. Theo đó, cần xem xét việc xây dựng một bộ luật riêng cho hoạt động tín dụng tiêu dùng.
Hiện nay, các ngân hàng thương mại, với điều kiện cho vay chặt chẽ, không thể đáp ứng được nhu cầu vốn của người dân, nhất là những người dân có thu nhập thấp, người dân ở vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, vẫn còn cái nhìn thiếu thiện cảm về phía các công ty tài chính tiêu dùng, fintech, chuỗi cầm đồ, mặc dù đây đều là các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động.
Có lẽ xuất phát từ cái nhìn trên, hành lang pháp lý cũng đang thiên về bảo vệ người đi vay, mà chưa có các chế tài bảo vệ quyền của chủ nợ. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam từng chua chát nói: “Hiện nay, bên cho vay mới là kẻ yếu thế, chứ không phải bên đi vay”.
Theo Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an), nếu một người vay nợ cho mục đích chính đáng nhằm giải quyết khó khăn trong một giai đoạn nhất định về kinh tế, thì họ phải có trách nhiệm, nghĩa vụ để trả nợ. Nếu không trả thì có thể giải quyết tranh chấp về dân sự tại tòa án. Còn nếu họ có ý định từ trước, vay nợ cố tình không trả là vi phạm pháp luật, là hành vi lừa đảo, hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, với khung hình phạt tối thiểu là cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, tối đa có thể bị phạt tù lên tới 20 năm.
Theo quy định pháp luật, các công ty cho vay có thể khởi kiện người vay chây ỳ trả nợ ra tòa để đòi nợ. Tuy vậy, thực tế cho thấy, hầu như không có vụ kiện nào được đưa ra tòa. Về nguyên tắc, tòa phải thụ lý, nhưng để giải quyết được một vụ việc, thì theo quy định là rất lâu, thậm chí không được trả lời, có thể dẫn đến tình trạng “nhờn luật”. Hiện tượng khách hàng rủ nhau bùng nợ là ví dụ điển hình.
Được biết, trong công văn gửi Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng chính sách, cơ chế quản lý riêng theo đặc thù ngành đối với mảng tài chính tiêu dùng, tạo điều kiện cho công ty tài chính có môi trường hoạt động thông thoáng, an toàn và tuân thủ để có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng, ban hành quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của người đi vay; các chế tài xử phạt với người đi vay cố tình chây ỳ trả nợ.
Bảo vệ quyền bình đẳng của chủ nợ và con nợ
Trong khi giấc mơ bộ luật riêng cho lĩnh vực tài chính tiêu dùng chưa thể thành hiện thực, nhiều doanh nghiệp cho vay mong mỏi các cơ quan chức năng sớm sửa Bộ luật Dân sự. Cụ thể, Bộ luật Dân sự và một số văn bản quy định pháp luật liên quan quy định về quyền lợi, nghĩa vụ giữa người vay và người cho vay chưa chặt chẽ, bình đẳng, khiến người vay thiếu ý thức trả nợ.
“Quan hệ giữa người cho vay và người vay là bình đẳng, không thể vì không trả được nợ mà quan hệ trở nên bất bình đẳng (chỉ bảo vệ quyền lợi của con nợ). Việc nhanh chóng tích hợp thông tin dữ liệu trong căn cước công dân là một yêu cầu rất cấp thiết để các công ty tài chính, ngân hàng có dữ liệu khi cấp vốn. Với công ty tài chính, cho phép họ cho vay thì cũng phải cho họ được thu hồi nợ theo đúng quy định pháp luật. Nếu có sai phạm, cơ quan quản lý có thể rút giấy phép hoặc xử lý hình sự”, ông Nguyễn Quốc Hùng đề nghị.
Theo các chuyên gia, Bộ luật Dân sự cần được sửa đổi để có sự đồng bộ với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng cần đặt trách nhiệm trả nợ của người vay lên hàng đầu, đi kèm với chế tài khả thi.
Thực tế, một trong các lý do khiến hoạt động thu hồi nợ bất hợp pháp bùng phát thời gian qua là ý thức trả nợ của người vay chưa cao, trong khi chế tài ràng buộc trách nhiệm với người đi vay lại chưa có.
Theo Luật Đầu tư 2022, hoạt động đòi nợ thuê đã bị cấm, nên nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này chuyển đổi hình thức thành công ty tư vấn luật, mua bán nợ để núp bóng, cung cấp dịch vụ đòi nợ thuê cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính… với mức phí cao.
Ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc điều hành Khối Dịch vụ nghiên cứu và tư vấn của FiinGroup cho rằng, để kiểm soát tốt hơn hoạt động đòi nợ thuê, cần cân nhắc đưa dịch vụ này trở lại thành hoạt động kinh doanh có điều kiện, hợp pháp để hỗ trợ thị trường tài chính tiêu dùng. Xây dựng khung pháp lý đầy đủ, chi tiết cho hoạt động thu hồi nợ đối với các hoạt động tài chính tiêu dùng chính thức và phi chính thức cũng như của các công ty mua bán nợ, các công ty dịch vụ đòi nợ thuê (nếu được cho hoạt động trở lại)...
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, cần khuyến khích mô hình tài chính tiêu dùng, gồm các công ty tài chính, fintech cho vay, chuỗi cầm đồ… Không nên chỉ coi 16 công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép là tài chính tiêu dùng chính thống. Các fintech, các chuỗi cầm đồ cũng là tín dụng tiêu dùng hợp pháp. Tất nhiên, tạo hành lang pháp lý sao cho vừa tạo điều kiện phát triển, vừa đảm bảo quản lý, kiểm soát chuẩn chỉnh không đơn giản, song đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.
Theo ông Đức, vay tiêu dùng là nhu cầu của xã hội. Bảo vệ quyền thu hồi nợ của chủ nợ là bảo vệ sống còn bên cho vay, cũng chính là bảo vệ thị trường. Nếu tình trạng bùng nợ tăng mạnh, lãi suất vì vậy cũng sẽ vọt tăng, ảnh hưởng đến mục tiêu tài chính toàn diện. Các ngân hàng sở hữu hành lang pháp lý vững chắc, có đội ngũ đòi nợ hùng hậu hàng trăm người mà vẫn còn nợ xấu cao. Các công ty tài chính, fintech, chuỗi cầm đồ…, với hành lang pháp lý lỏng lẻo, làm sao có thể đòi nợ nếu không dựa vào lực lượng đòi nợ chuyên nghiệp.
“Tôi rất tiếc chúng ta đã cấm dịch vụ đòi nợ thuê trong khi đây là nhu cầu tất yếu của thị trường. Đúng ra, tòa án, các cơ quan thực thi pháp luật phải bảo vệ quyền chủ nợ, song trong khi tòa án chưa làm được, chúng ta phải mở cửa cho các đơn vị đòi nợ, cùng lúc với việc nâng cao vai trò của cơ quan tố tụng”, Luật sư Trương Thanh Đức nêu ý kiến.
Các chuyên gia cho rằng, việc tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động của các công ty tài chính, fintech, chuỗi cầm đồ, công ty thu hồi nợ… nhằm uốn nắn kịp thời là rất cần thiết. Dù vậy, bên cạnh điều tra, xử lý nghiêm minh đối tượng “tín dụng đen” bất hợp pháp, các tổ chức đòi nợ thuê “tín dụng đen”, Bộ Công an cũng phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cho vay hợp pháp hoạt động. Các hoạt động kiểm tra, khám xét (nếu có) theo đúng trình tự của pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Đồng thời, cần thông tin đến người dân về tính chất của các cuộc kiểm tra.
Về phía mình, bản thân các công ty cho vay cũng phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động thu hồi nợ, rà soát, đánh giá và cải thiện bộ máy quản trị rủi ro, quản lý chặt chẽ chất lượng nhân viên thu hồi nợ, đảm bảo nhân viên nắm rõ và tuân thủ quy định của công ty và pháp luật về công tác thu hồi nợ. Đồng thời, phải tham gia đẩy mạnh giáo dục tài chính cho người tiêu dùng và thực hiện tốt hơn việc minh bạch thông tin cho khách hàng.
Không nên lạm dụng xử lý hình sự vào vấn đề thu hồi nợ
- TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế
Hiện nay, các ngân hàng được thu hồi, xử lý nợ theo Luật Các tổ chức tín dụng, Nghị quyết 42/2017/QH14, trong khi các fintech, chuỗi cầm đồ thu hồi nợ theo Bộ luật Dân sự với nhiều khoảng trống pháp lý. Theo tôi, chúng ta không nên lạm dụng xử lý hình sự vào vấn đề thu hồi nợ, mà cần có quy định chặt chẽ hơn với hoạt động thu hồi nợ. Cần mở cửa để các công ty mua bán nợ phi ngân hàng phát triển mạnh, như vậy, thị trường nợ mới phát triển và đẩy nhanh được quá trình xử lý nợ xấu.