Siết cá nhân nhưng lại thiếu vắng các quỹ đầu tư
Phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán có thị phần lớn về tư vấn phát hành trái phiếu cho biết, công ty này đang lo ngay ngáy vì có nguy cơ phải mua lại hàng loạt trái phiếu doanh nghiệp sắp đáo hạn tới đây.
Nguyên nhân là công ty chủ yếu bán trái phiếu doanh nghiệp cho các cá nhân, song phần lớn các cá nhân này không còn đáp ứng tiêu chí nhà đầu tư chuyên nghiệp theo Nghị định 65/2022/NĐ-CP vừa ban hành.
“Nghị định 65/2022/NĐ-CP về cơ bản sẽ gạt hết nhà đầu tư nhỏ lẻ khỏi thị trường trái phiếu riêng lẻ vốn chiếm 95% khối lượng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Hiện nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm gần hơn 32% lực cầu trên thị trường (cả sơ cấp và thứ cấp), siết nhà đầu tư nhỏ lẻ khiến thị trường hụt cung nặng nề trong khi chưa có tay to nào xuất hiện để bù đắp”, vị Phó tổng giám đốc nêu trên cho biết.
Thực tế, ở hầu hết các quốc gia có thị trường trái phiếu phát triển, phần lớn nhà đầu tư sẽ đầu tư thông qua các quỹ đầu tư trái phiếu (mua chứng chỉ quỹ). Đây là cách bảo vệ nhà đầu tư mà vẫn thúc đẩy được sự phát triển của thị trường trái phiếu.
Trong khi đó, ở nước ta, Nghị định 65/2022/NĐ-CP siết chặt nhà đầu tư chuyên nghiệp, song chưa có cơ chế để thúc đẩy phát triển các quỹ đầu tư. Điều này đồng nghĩa với việc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp vào tình trạng hụt cầu nghiêm trọng.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam kiến nghị, song song với ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP, phải khẩn trương sửa quy định về quỹ đầu tư, nhất là các quỹ đầu tư được phép mua các trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Theo ông Quỳnh, các công ty quản lý quỹ của Việt Nam phát triển kém, tổng quy mô quỹ mới chiếm khoảng 7% GDP, rất thấp so với quy mô thị trường quản lý quỹ ở các nước trong khu vực. Việc siết tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ làm suy giảm mạnh lực cầu thị trường.
Do đó, hơn lúc nào hết, chính sách cần tập trung phát triển các công ty quản lý quỹ. Các quỹ, với vai trò là nhà đầu tư chuyên nghiệp, sẽ tạo ra 2 tầng rủi ro, giảm rủi ro cho sản phẩm phù hợp nhà đầu tư cá nhân.
“Cần hành động nhanh để vốn trong thị trường có thể luân chuyển từ các nhà đầu tư cá nhân”, ông Quỳnh kiến nghị.
Theo lý giải của bà Dương Kim Anh, đồng Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF), sở dĩ các quỹ trái phiếu chưa phát triển ở Việt Nam vì thông qua quỹ, nhà đầu tư thu về lợi nhuận thấp hơn là tự đầu tư. Lợi suất đầu tư trái phiếu của các quỹ chỉ cao hơn lãi suất tiết kiệm 1-1,5%. Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư chỉ được đầu tư một tỷ lệ nhất định vào trái phiếu.
Các chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy thị trường quỹ, cần có quy định khuyến khích các quỹ phát triển. Bên cạnh đó, nên tăng cường văn hóa xếp hạng tín nhiệm và sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm để cho phép các quỹ đầu tư, thậm chí các công ty bảo hiểm linh hoạt đầu tư vào trái phiếu, thay vì khống chế tỷ lệ nhất định. Điều này vừa gỡ khó cho các quỹ đầu tư, vừa tạo lực cầu mới cho thị trường để bù đắp phần thiếu hụt của nhà đầu tư cá nhân.
Đẩy nhà đầu tư nhỏ lẻ ra kênh đại chúng có khả thi?
Thời gian tới, Bộ tài chính sẽ gỡ các thủ tục về phát hành trái phiếu ra công chúng, đảm bảo những doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện, sẽ nhanh chóng phát hành ra công chúng. Bên cạnh đó, cũng phải có các giải pháp về phát triển các nhà đầu tư chuyên nghiệp như các quỹ đầu tư để tăng nguồn lực đầu tư vào thị trường trái phiếu.
- Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính)
Hiện nay, nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ muốn đầu tư trái phiếu chỉ có duy nhất lựa chọn là trái phiếu phát hành ra công chúng. Tuy vậy, trái phiếu phát hành ra công chúng chỉ chiếm 5% tổng lượng trái phiếu phát hành khiến cả bên mua lẫn bên bán đều kém mặn mà.
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, một thị trường trái phiếu tăng trưởng nhanh như Việt Nam mà nhiều công ty lớn đều không phát hành trái phiếu ra công chúng, lại lựa chọn phát hành trái phiếu riêng lẻ là vấn đề cần phải giải quyết.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh chỉ rõ, nguyên nhân khiến doanh nghiệp phát hành đủ điều kiện phát hành ra công chúng, nhưng chọn phát hành riêng lẻ là hồ sơ, thủ tục và thời gian phát hành ra công chúng quá lâu, khiến doanh nghiệp không chủ động được thời gian phát hành, dẫn đến không chủ động được hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, với phát hành riêng lẻ, doanh nghiệp có thể chủ động mọi việc.
“Phát hành ra công chúng có lợi hơn nhiều so với phát hành riêng lẻ, vì có thể huy động vốn được mọi đối tượng nhà đầu tư, lãi suất lại thấp hơn phát hành riêng lẻ, chi phí rẻ hơn, uy tín doanh nghiệp tăng lên. Nếu không vì vướng mắc, thì doanh nghiệp không dại gì mà không phát hành trái phiếu ra công chúng”, ông Quỳnh cho biết.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp cho hay, thời gian chờ đợi để được chấp thuận phát hành trái phiếu ra công chúng có khi mất cả năm, bỏ lỡ hết cơ hội kinh doanh, trong khi với phát hành riêng lẻ, thì có thể hoàn thành trong vài tuần. “Siết chặt phát hành trái phiếu riêng lẻ là đúng, nhưng nếu không gấp rút giải quyết vướng mắc cho phát hành ra công chúng, thì thị trường trái phiếu có nguy cơ tê liệt thêm”, ông Nghĩa cảnh báo.
Nhiều doanh nghiệp kiến nghị, thủ tục phê duyệt hồ sơ phát hành ra công chúng nên theo các tiêu chuẩn, dựa trên các chỉ số tài chính, chỉ số quản trị, hơn là đi vào chi tiết việc dùng tiền để làm gì, dùng như thế nào như hiện nay.
Dù việc thúc đẩy phát hành trái phiếu ra công chúng và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư (đặc biệt các quỹ đầu tư) là cần thiết, song theo nhiều ý kiến, với thực tế trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ áp đảo trên thị trường Việt Nam hiện nay, việc “phanh gấp” nhà đầu tư cá nhân có thể làm tê liệt thị trường trái phiếu trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, cơ quan quản ý phải lường trước hiện tượng lách luật tinh vi hơn, các kênh huy động vốn lãi suất cao đầy rủi ro có thể gia tăng để giải bài toán vốn cho doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao.