Chi phí y tế tăng cao là thách thức lớn về tài chính đối với người dân

Chi phí y tế tăng cao là thách thức lớn về tài chính đối với người dân

“Khoảng trống” bảo vệ sức khoẻ và tài chính

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Khảo sát Manulife Asia Care 2024 cho thấy, người Việt đánh giá về tình trạng tài chính của họ trong 10 năm tới ở mức 88/100 điểm. Tuy nhiên, mức điểm này giảm xuống còn 76 điểm khi đề cập tới sự tự tin trong việc có thể đạt được mức độ khả năng tài chính như mong muốn, cho thấy có sự không chắc chắn về tương lai.

Chi phí y tế là thách thức lớn

Trong số những người Việt Nam được khảo sát, 72% cho biết chi phí y tế tăng cao là thách thức lớn về tài chính đối với họ và chi phí này đã tăng trung bình là 24% trong 12 tháng qua. Những hạng mục chi phi ý tế được cho là tăng nhiều nhất bao gồm chi phí thuốc men theo toa; chi phí kiểm tra, phòng bệnh; chi phí khám bệnh ngoại trú và chi phí dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Những người được khảo sát cũng cho biết, họ đang cố gắng tập thể dục nhiều hơn và cải thiện chế độ ăn uống để giảm thiểu rủi ro sức khỏe.

Bên cạnh đó, gần 90% người được khảo sát cho biết, họ đang tham gia một trong những loại hình bảo hiểm như bảo hiểm cá nhân, bảo hiểm phương tiện hay bảo hiểm nhà cửa. Cụ thể, 77% tham gia các gói bảo hiểm cá nhân, trong đó 39% có bảo hiểm nhân thọ, nhưng mức độ bảo vệ cho các vấn đề về sức khỏe nói chung còn thấp, đặc biệt là bảo hiểm bệnh hiểm nghèo; 33% tham gia bảo hiểm tai nạn, 19% có trợ cấp nằm viện, 27% có quyền lợi ngoại trú và chỉ 16% có bảo hiểm về các bệnh hiểm nghèo. Con số này có xu hướng cải thiện trong tương lai khi gần 1/3 khách hàng trong độ tuổi 25-39 cho biết họ có ý định lựa chọn gói bảo hiểm với mức phí cao hơn, có phạm vi bảo hiểm và quyền lợi rộng rãi hơn.

Trên tất cả các thị trường được khảo sát ở châu Á, 7/10 người được hỏi cho biết họ cảm thấy các quyền lợi từ gói bảo hiểm sức khỏe được công ty của họ chi trả là chưa đủ. Tại Việt Nam, 80% người tham gia khảo sát mong muốn có những cải tiến về quyền lợi và phạm vi bảo hiểm để hỗ trợ tốt hơn cho các kế hoạch sức khỏe và tài chính.

“Khảo sát trên cho thấy những lo lắng của người Việt Nam về tài chính, bao gồm việc thiếu hụt các khoản tiết kiệm để dự phòng rủi ro, các chi phí y tế phát sinh ngoài dự kiến và việc thu nhập giảm sút trong 10 năm tới”, bà Tina Nguyễn - Tổng giám đốc Manulife Việt Nam nói.

Thiếu phương án bảo vệ sức khỏe và tài chính

Tại Việt Nam, 80% người tham gia khảo sát mong muốn có những cải tiến về quyền lợi và phạm vi bảo hiểm để hỗ trợ tốt hơn cho các kế hoạch sức khỏe và tài chính.

Tại Việt Nam, người dân không chỉ thiếu hụt ngân sách dành cho các chi phí y tế, mà mức độ được bảo vệ bởi bảo hiểm cũng ở mức thấp. Chi phí y tế từ tiền túi hộ gia đình, theo một thống kê vẫn chiếm khoảng 40% tổng chi phí y tế, cao gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, hiện tại, tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm/GDP và chi tiêu cho bảo hiểm nhân thọ trên bình quân đầu người của Việt Nam đang thấp hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN. Tổng số chủ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ vào khoảng 10 triệu người, tương đương khoảng 10% dân số.

Mức độ thâm nhập của bảo hiểm nhân thọ tính theo GDP khá thấp, chỉ chiếm khoảng 1,5% tổng GDP năm 2023. Chi tiêu bảo hiểm nhân thọ trên đầu người tại Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 1,6 triệu đồng/năm, giảm so với mức 1,8 triệu đồng/năm 2022. Nguyên nhân có thể do việc khai thác qua kênh phân phối ngân hàng (bancassurance) của một số công ty bảo hiểm tốp đầu sụt giảm. Đặc biệt, cuộc khủng hoảng truyền thông đã ảnh hưởng rất lớn thị trường, trong đó lĩnh vực nhân thọ giảm 44% doanh thu năm nhất (FYP) trong năm 2023. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng siết chặt hơn các chỉ tiêu đo lường nhằm mục đích giúp thị trường bảo hiểm trở nên ổn định, bền vững hơn, chẳng hạn thay đổi đề thi theo hướng khó hơn, giám sát chặt chẽ hơn việc thi cấp phép, địa điểm thi…

Dù chưa phản ánh đầy đủ toàn bộ bức tranh, song những thống kê trên cũng phần nào cho thấy, còn một khoảng trống lớn trong việc bảo vệ sức khoẻ và tài chính cho người dân Việt Nam. Đây là cơ hội của các công ty bảo hiểm để nỗ lực hơn nữa trong việc cung cấp các chương trình giáo dục kiến thức về tài chính đến với người dân, giúp họ có thể đưa ra các quyết định tài chính đúng và đủ, đồng thời cho ra mắt nhiều gói sản phẩm, dịch vụ phù hợp với các nhu cầu bảo vệ và khả năng tài chính khác nhau, đặc biệt là các gói sản phẩm bảo hiểm liên quan đến chăm sóc, bảo vệ sức khỏe.

Chia sẻ một nghiên cứu do PwC thực hiện, bà Wai-duen Lee, Phó giám đốc PwC Hồng Kông (Trung Quốc) cho hay, khả năng chi trả và nhu cầu về các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm tại Việt Nam đang tăng nhanh, trong đó ngành bảo hiểm đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính, có mối liên kết chặt chẽ với các ngân hàng và tổ chức tài chính khác. Các doanh nghiệp bảo hiểm đều đang có những thay đổi, điều chỉnh… nhằm khẳng định lại tầm quan trọng của bảo hiểm nhân thọ: Mang đến giá trị bảo vệ thiết thực và bền vững cho khách hàng.

Nhìn nhận về khả năng phục hồi của thị trường nhân thọ cũng như cơ hội lấp đầy “khoảng trống” bảo vệ sức khoẻ và tài chính cho người dân, CEO một công ty bảo hiểm cho biết, dù giải pháp có thể khác nhau, nhưng các công ty bảo hiểm đều đang tập trung cải tiến sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng, cũng như không ngừng phát triển đội ngũ chất lượng để đảm bảo khách hàng luôn nhận được những tư vấn chuyên nghiệp, tận tâm, phù hợp nhất. Các giải pháp này vừa nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của khách hàng, vừa giúp các công ty tuân thủ nghiêm túc các quy định mới của cơ quan quản lý nhà nước.

“Khi đảm bảo rằng mọi hoạt động kinh doanh đều phục vụ cho lợi ích lâu dài của khách hàng và xã hội chứ không chỉ vì lợi ích của doanh nghiệp, tôi tin rằng, chúng tôi cũng như các doanh nghiệp khác sẽ cùng đi đúng hướng và đóng góp tích cực vào sự ổn định và phát triển bền vững của thị trường bảo hiểm tại Việt Nam”, vị CEO trên nhìn nhận.

Tin bài liên quan