Chấn thương nghiêm trọng của tuyển thủ quốc gia Đỗ Hùng Dũng một lần nữa cho thấy những rủi ro mà các cầu thủ bóng đá nói riêng, các vận động viên thể thao chuyên nghiệp nói chung thường xuyên đối mặt trong quá trình thi đấu.
Mặc dù được bệnh viện thông báo miễn phí chi phí phẫu thuật và công ty bảo hiểm cũng cam kết chi trả những chi phí y tế phát sinh nhằm đem lại điều kiện chữa trị tốt nhất, nhưng không phải ai cũng may mắn như Hùng Dũng. Nhiều vận động viên khi bị chấn thương phải tự xoay xở chi phí điều trị, thậm chí phải giải nghệ vì không thể lo đủ chi phí chữa trị dứt điểm chấn thương. Điều này cho thấy sự cần thiết của các gói bảo hiểm tai nạn cho các cầu thủ chuyên nghiệp, giúp họ yên tâm cống hiến.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, trên thị trường hiện không có nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp gói bảo hiểm cho các vận động viên chuyên nghiệp, trong đó có cầu thủ bóng đá.
Ngoài Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đang là nhà bảo hiểm sẽ chi trả cho các chi phí y tế phát sinh do chữa trị chấn thương trong thời gian tập luyện và thi đấu tại hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia, thì mới đây có thêm Bảo hiểm Quân đội (MIC) tham gia thông qua ký kết hợp tác chương trình bảo hiểm Olympic với Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn F.I.S Việt Nam. Đây là chương trình bảo hiểm chuyên biệt dành cho các vận động viên nhằm bảo vệ trước các sự cố chấn thương trong thi đấu thể thao với quyền lợi bảo vệ lên đến 500 triệu đồng/người/vụ. Chương trình được thiết kế linh hoạt và áp dụng cho nhiều môn thể thao như marathon, bơi lội, hiking, cầu lông, tennis, bóng bàn…
Trước đó, năm 2016, Bảo hiểm Viễn Đông từng tài trợ mua bảo hiểm cho các vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài và các thành viên ban tổ chức, điều hành của một mùa giải Vô địch bóng bàn toàn quốc với mức bảo hiểm tối đa 200 triệu đồng/người/vụ…
Ngoài những cái tên kể trên, các doanh nghiệp bảo hiểm khác không mấy mặn mà với sản phẩm bảo hiểm vận động viên. Lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm chia sẻ, việc nhà bảo hiểm triển khai sản phẩm này để tài trợ cho các giải đấu lớn với mục đích quảng bá thương hiệu là chính, chứ không vì doanh thu, bởi đây là sản phẩm đặc thù, thường xuyên phát sinh bồi thường và có tỷ lệ bồi thường cao... nên không đảm bảo hiệu quả khi triển khai.
“Đây là phân khúc rủi ro rất cao, nếu làm là xác định lỗ, cho nên nhà bảo hiểm không mặn mà là điều dễ hiểu. Thậm chí, một số doanh nghiệp khi bán bảo hiểm tai nạn con người còn loại trừ bảo hiểm với các khách hàng là vận động viên”, vị lãnh đạo trên cho hay.
Đại diện PTI cũng nhìn nhận, vận động viên là nghề có tỷ lệ chấn thương rất cao, việc chữa trị tốn kém bởi phải lựa chọn những cơ sở y tế chất lượng cao để đảm bảo điều kiện chữa trị tốt nhất, giúp các vận động viên sớm quay trở lại thi đấu. Do vậy, gói bảo hiểm này khá đặc thù so với các dòng sản phẩm bảo hiểm tai nạn khác, các doanh nghiệp bảo hiểm phải nghiên cứu và đóng gói các quyền lợi sao cho phù hợp với cường độ thi đấu thường xuyên của vận động viên, số tiền bảo hiểm được dựa trên phân tích về xác xuất chấn thương, loại chấn thương, tỷ suất nghiêm trọng và các hình thức điều trị... nhằm đảm bảo các vận động viên có đủ kinh phí chữa trị khi không may bị chấn thương.
Cũng theo PTI, sản phẩm bảo hiểm này khó mở rộng còn bởi gần như không nhà tái bảo hiểm nào muôn tiếp nhận đơn bảo hiểm cho các vận động viên chuyên nghiệp, bởi không chỉ có tỷ lệ bồi thường cao (trên 50%/doanh thu phí), mà việc đánh giá rủi ro cũng không dễ dàng vì không có nhiều dữ liệu để đánh giá, phân tích.
“Các vận động viên thể thao luôn cần được bảo hiểm để đảm bảo nguồn tài chính khi không may xảy ra rủi ro. Vấn đề hiện nay là cần có cơ chế, giải pháp phù hợp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho nhà bảo hiểm khi phát triển dòng sản phẩm này”, đại diện PTI nhìn nhận.