Hiện chỉ khoảng 10% dân số Việt Nam có bảo hiểm nhân thọ. Ảnh: Dũng Minh.

Hiện chỉ khoảng 10% dân số Việt Nam có bảo hiểm nhân thọ. Ảnh: Dũng Minh.

“Khoảng trống” bảo hiểm nhân thọ thêm rộng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đang nỗ lực tìm kiếm khách hàng mới sau thời kỳ dịch bệnh Covid nhiều hoạt động kinh doanh bị gián đoạn, nhưng xem ra các chỉ tiêu tăng trưởng phí mới cho năm tài chính 2022 vẫn rất khó khăn khi cơn bão lạm phát đang kéo đến.

Dịch bệnh làm tăng khoảng trống nhân thọ

Số liệu chính thức từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho thấy, 4 tháng đầu năm 2022, toàn thị trường nhân thọ khai thác mới được khoảng 926.000 hợp đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2021; doanh thu phí khai thác mới đạt khoảng 15.000 tỷ đồng, giảm khoảng 8%.

Với kết quả này, nhiều khả năng tăng trưởng phí bảo hiểm khai thác mới quý II/2022 của khối nhân thọ tiếp tục giảm và sẽ khó cải thiện trong quý III này nếu người dân vẫn “thắt lưng buộc bụng” ngay cả với nhu cầu thiết yếu như bảo hiểm.

Thực tế, tốc độ tăng trưởng ở mức cao trong nhiều năm liền của khối nhân thọ đã chững lại những năm gần đây, đặc biệt kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện từ đầu năm 2020. Cho dù sự chững lại này xuất phát từ nhiều nguyên nhân và được nhìn nhận chỉ diễn ra trong ngắn hạn, nhưng cũng sẽ khiến việc lấp đầy khoảng trống tỷ lệ dân số được bảo vệ bởi bảo hiểm nhân thọ ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Theo số liệu của IAV, giai đoạn 2012-2021, trong khi tăng trưởng phí bảo hiểm của thị trường nhân thọ ở mức gần 9 lần, tức cứ khoảng 3 năm quy mô phí lại tăng gấp đôi, thì lượng hợp đồng bảo hiểm tăng chưa đầy 3 lần, cho thấy sự lệch pha rõ nét giữa tốc độ tăng trưởng quy mô phí và số lượng hợp đồng bảo hiểm.

Chia sẻ tại một hội thảo về bảo hiểm xã hội tổ chức mới đây, PGS-TS. Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý - Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, phần lớn người lao động có thu nhập trung bình hoặc thấp thiếu các giải pháp an sinh ngoài bảo hiểm xã hội như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm y tế tự nguyện..., thậm chí không ít trường hợp còn không có bảo hiểm xã hội.

Đáng chú ý, thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh, xu hướng người lao động rút một lần tiền bảo hiểm xã hội có chiều hướng gia tăng. Động thái này có thể giải quyết nhu cầu tài chính trước mắt, nhưng sẽ rất thiệt thòi về sau này khi hết tuổi lao động.

Theo Swiss Re, tại Việt Nam, nhu cầu bảo vệ chưa được đáp ứng bao gồm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và bảo vệ hưu trí. Trong đó, giá trị nhu cầu bảo hiểm nhân thọ chưa được đáp ứng ước tính lên tới 1.770 tỷ USD tính đến năm 2021.

Theo Tổ chức Swiss Re, tại Việt Nam, nhu cầu bảo vệ chưa được đáp ứng bao gồm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và bảo vệ hưu trí. Trong đó, giá trị nhu cầu bảo hiểm nhân thọ chưa được đáp ứng ước tính lên tới 1.770 tỷ USD tính đến năm 2021, còn nhu cầu bảo hiểm sức khỏe chưa được đáp ứng có giá trị khoảng 36 tỷ USD tính đến năm 2017.

Với bảo vệ hưu trí, Swiss Re đưa ra dự đoán, giá trị nhu cầu chưa được đáp ứng có thể đạt hàng trăm tỷ, thậm chí cả nghìn tỷ USD trong bối cảnh chế độ hưu trí của Nhà nước còn hạn chế và tỷ lệ thâm nhập của lương hưu tư nhân còn thấp, chỉ một bộ phận rất nhỏ người ở độ tuổi từ 60-80 được nhận lương hưu nhà nước.

Ông Trần Thanh Phong, Phó tổng giám đốc Marketing Prudential Việt Nam cho biết, ở những quốc gia phát triển, hệ thống an sinh xã hội thường bao gồm cả bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm nhân thọ. Tại Việt Nam, nếu mọi người dân đều được hưởng hệ thống an sinh “kiềng 3 chân” này thì sẽ rất an tâm khi nghỉ hưu, hoặc không may gặp rủi ro trong cuộc sống.

“Việt Nam hiện được coi là quốc gia chưa giàu đã già, áp lực dân số già không chỉ đặt lên vai hệ thống phúc lợi xã hội, mà cả với mỗi gia đình nếu chưa có bất cứ khoản dự phòng nào cho hưu trí”, ông Phong nói, đồng thời chia sẻ thêm, khảo sát của Prudential về tương lai hưu trí của khách hàng Việt Nam thực hiện trước đó cho thấy, đa phần người già đều không muốn bị phụ thuộc vào con cái khi nghỉ hưu, nhưng chỉ 4/10 người thực sự có kế hoạch cho điều này.

“Như vậy, trong 10-20 năm nữa người lao động liệu có được hưởng tuổi hưu trí an nhàn? Từ góc độ của một người làm bảo hiểm, tôi mong muốn vấn đề dự phòng an toàn tài chính được tuyên truyền sâu rộng hơn để tới thời điểm hưu trí người dân không bị gánh nặng tiền bạc”, ông Phong nhấn mạnh.

Áp lực lấp đầy

Sau nhiều năm liền tăng trưởng cao, ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đang trong giai đoạn giảm tốc. Nếu nhìn ở góc độ tích cực, sự chậm lại này là cần thiết để các doanh nghiệp nhìn lại một cách toàn diện từ dịch vụ đến sản phẩm.

Ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký IAV cho biết, thị trường bảo hiểm nhân thọ hiện có khoảng 800 đầu sản phẩm, nhưng xét về tính đa dạng, phù hợp cho người tiêu dùng vẫn chưa phải là tối ưu nhất, tốc độ cải tiến chất lượng sản phẩm cũng chậm hơn so với so với tốc độ tăng nhu cầu dịch vụ.

Chia sẻ trong một talk show về bảo hiểm mới đây, ông Phương Tiến Minh, Tổng giám đốc Prudential Việt Nam nhận định, so với các sản phẩm tài chính khác, các sản phẩm bảo hiểm dù liên quan trực tiếp với nhu cầu của người tiêu dùng nhưng còn khó hiểu, khó nhớ và khó tư vấn.

“Việt Nam hiện có hơn 100 triệu dân, trong đó 65% người trong độ tuổi lao động, nhưng chỉ hơn 10% số này có bảo hiểm nhân thọ. Làm sao để giúp người dân Việt Nam có nhiều sản phẩm bảo hiểm hoặc có nhiều có giải pháp bảo vệ tốt hơn là một áp lực rất lớn”, ông Minh nói.

Trên thực tế, việc đơn giản hóa sản phẩm cũng như giảm thiểu quy trình mua và thanh toán bảo hiểm được xem là một trong những nhiệm vụ cốt yếu của nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ.

Ông Ko Young Wan, Tổng giám đốc MAP Life cho hay, các doanh nghiệp nhân thọ sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội để mở rộng mô hình kinh doanh, cải tiến sản phẩm và việc đầu tư vào công nghệ vẫn là ưu tiên hàng đầu, bởi số hóa sẽ giúp khách hàng nâng cao trải nghiệm và gắn kết bền vững với doanh nghiệp. Được biết, nhà bảo hiểm này vừa ra mắt nền tảng bán bảo hiểm trực tuyến mới với công nghệ tích hợp nhằm giới thiệu đến khách hàng Việt Nam một phương tiện tìm hiểu các lựa chọn sản phẩm bảo hiểm và mua bảo hiểm trực tuyến.

Còn ông Phương Tiến Minh cho biết, Prudential Việt Nam ứng dụng trí tuệ nhân tạo để đảm bảo rằng, 80% khách hàng liên lạc yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm được thực hiện trực tuyến và tự động.

“Tôi muốn Prudential Việt Nam trở thành một Google của ngành bảo hiểm, phải mượt mà và đem lại những trải nghiệm tốt như vậy thì ngành bảo hiểm nhân thọ mới có thể phát triển tốt”, ông Minh nói.

Tin bài liên quan