'Khoảng lặng' sửa Luật Đất đai

'Khoảng lặng' sửa Luật Đất đai

0:00 / 0:00
0:00
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo) sẽ không thể về đích đúng hẹn. 'Khoảng lặng' này đương nhiên chứa đựng nỗi buồn, song cũng có những cảm xúc ở chiều ngược lại.

Không bất ngờ khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong phiên họp giữa hai đợt họp của Kỳ họp thứ sáu vừa qua, đã quyết định trình Quốc hội chuyển Dự thảo sang thông qua ở tại kỳ họp gần nhất (có thể là Kỳ họp bất thường vào đầu năm 2024). Bởi, ở đợt 1 của Kỳ họp thứ sáu, khi thảo luận tại hội trường, chỉ có 5 ý kiến đề nghị thông qua, nhưng có tới 11 ý kiến cho rằng chưa nên thông qua.

Nhìn cả chặng đường gian nan của các lần sửa đổi Luật Đất đai, đặc biệt nhìn vào những yêu cầu của cuộc sống với đạo luật tác động tới từng gia đình này, thì quan điểm nào cũng có lý.

Mong muốn thông qua đúng lúc là vì, theo nghị trình đã được Quốc hội quyết định, việc bấm nút biểu quyết đạo luật quan trọng này sẽ diễn ra vào ngày 29/11, trước khi bế mạc Kỳ họp thứ sáu. Hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở pháp lý để phát huy có hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn.

Những vị cho rằng chưa vội thông qua cũng không hẳn chỉ vì quá cẩn thận, khi lúc đó, Dự thảo còn tới 26 nội dung chứa đựng nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu. Dù thời gian thảo luận tại hội trường dài gấp đôi các dự án luật khác (1 ngày thay vì nửa ngày), nhưng vẫn còn tới 72 đại biểu đăng ký mà không còn thời gian để phát biểu.

Ý kiến của 49 vị đã phát biểu, 16 vị tranh luận cũng cho thấy tính chất phức tạp của nhiều vấn đề, chưa dễ đi đến thống nhất, từ thu hồi cho đến định giá đất, đất cho dự án nhà ở thương mại…

Sau phiên thảo luận tại hội trường, dù cho các cơ quan liên quan đã rất nỗ lực, Dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/11 vẫn còn tới 14 nội dung có 2 phương án. Trong đó, có những vấn đề được người dân và doanh nghiệp rất quan tâm, như phạm vi nhận chuyển quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; nguyên tắc lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất các cấp; phương pháp định giá đất…

Là cơ quan chủ trì thẩm tra, ròng rã qua 2 kỳ họp của Quốc hội, khó đếm hết những buổi làm việc ngoài giờ, thậm chí đến nửa đêm để tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chắc chắn rất mong nhìn thấy nhiệm vụ lập pháp vô cùng khó khăn, phức tạp này cán đích.

Nhưng, Thường trực Ủy ban đã lựa chọn kéo dài thêm sự vất vả ấy. Bởi, với vai trò hết sức quan trọng của Luật Đất đai, chất lượng của Dự án Luật là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu, tránh trường hợp Luật sau khi ban hành, nếu có bất cập sẽ gây nhiều tác động và hệ lụy đối với các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống người dân.

Sự cẩn trọng trong công tác lập pháp, nhất là với việc sửa đổi “đạo luật của nhiệm kỳ” như Luật Đất đai, khó có thể nói thế nào là đủ. Nhìn tổng thể, Dự thảo mới nhất (ngày 16/11) đã đỡ chênh vênh hơn rất nhiều Dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu.

Song soi kỹ, thì vẫn có vấn đề qua nhiều vòng thảo luận cơ quan soạn thảo giữ nguyên quan điểm (về Quỹ Phát triển đất), dù có nhiều nội dung khác so với Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và cả Nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH14. Cũng tức là, Luật Ngân sách nhà nước được đưa vào sửa đổi ngay trong Luật Đất đai, sẽ tạo tiền lệ làm sai lệch nguyên tắc quản lý của ngân sách nhà nước với các quỹ tài chính ngoài ngân sách.

Cho rằng, không nên “ép” những điều chưa rõ vào Dự thảo, Chủ tịch Quốc hội bình luận, dân gian có câu “ép dầu, ép mỡ, ai nỡ ép duyên”, nhưng ép duyên chỉ ảnh hưởng đến 2 người, còn “ép luật” là ảnh hưởng đến cả nước. Vì thế, “đừng nỡ ép luật”.

Bình luận vui của Chủ tịch Quốc hội cũng thêm một lần nhấn mạnh tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới là cái gì đã đủ chín, đã đủ rõ thì đưa vào luật, còn chưa đủ chín, chưa đủ rõ thì tiếp tục nghiên cứu, cần thực hiện thì thí điểm.

Rõ ràng, không chỉ một chính sách tại Dự thảo chưa đủ chín, đủ rõ. Và “khoảng lặng” dù không mong muốn, cũng vẫn là cần thiết, để mọi chính sách mới khi trình Quốc hội thông qua đều đủ sức thuyết phục các vị đại diện cho dân tại cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Và để, khi Luật Đất đai sửa đổi chính thức có hiệu lực, sẽ không còn những “giá mà, nếu như” đầy tiếc nuối về cơ hội chưa được tận dụng thực sự đầy đủ khi sửa đổi đạo luật vô cùng quan trọng này.

Tin bài liên quan