Phía bên trái là Vòng quay thiên niên kỷ, hay còn được gọi là “Con mắt London”. Khi mới hoàn thành (năm 1999), nó là vòng quay cao nhất châu Âu và cho đến nay vẫn thu hút lượng du khách lớn nhất (khoảng 3,5 triệu lượt/năm).
Bên phải là Cung điện Westminster, có niên đại từ 1097, với nét đẹp nổi bật là Tháp chuông đồng hồ Big Ben. Đây là nơi cử hành các đại lễ quốc gia, nó đẹp đến mức ngắm lâu một chút, bạn sẽ dễ có cảm giác mình đang lạc vào một cung điện trong mơ vậy.
Nếu du khách được mãn nhãn với từng khoảnh khắc dạo bước trên cây cầu đẹp nhất London này, vừa đi vừa thưởng thức nhiều loại âm thanh nơi các nghệ sỹ đường phố biểu diễn thì phía bên kia cây cầu lại là một khoảng không gian hoàn toàn khác. Một London tĩnh lặng đến lạ kỳ.
Công viên Green Park rộng mênh mông với những hàng cây xanh tốt, tràn đầy năng lượng. Một phụ nữ tuổi trung niên đang nằm phơi nắng trên bãi cỏ, tĩnh lặng và an lành đến mức xung quanh bà, những chú chim nhỏ cứ ríu rít bay lên, bay xuống, dường như không có lo lắng nào trước sự hiện diện của con người.
Trong khoảng không gian xanh ngút tầm mắt của cây lá, thỉnh thoảng có những hồ nước trong veo, nơi dành riêng cho những chú thiên nga và ngỗng trời bơi lội. Đi đến mỏi chân mới thấy một quán đồ uống nhỏ, bán nước, trà và kem nếu du khách có nhu cầu.
Công viên Green Park cùng với Hyde Park Corner và James Park là 3 công viên liền nhau, tựa quanh Cung điện Buckingham.
Mỗi công viên rộng hàng chục, hàng trăm hecta, là nơi hội tụ những vẻ đẹp đa dạng của cỏ cây, hoa lá, làm dịu mát tâm hồn của bất cứ ai bước chân đến nơi này.
Đối lập trong thế cân bằng giữa một bên là những nhịp điệu sống động trong dòng chảy hiện đại của vòng quay cuộc sống với một mảng xanh mướt mênh mông, không một tiếng ồn nơi các công viên rộng rãi, an lành ở Thủ đô London.
Đó chắc chắn là một sự sắp đặt có chủ ý của người Anh, bởi công viên không phải là sản phẩm tự nhiên mà có, mà do con người tạo nên, để tạo ra những khoảng nghỉ, giao hòa cùng thiên nhiên, tạo hóa.
London là thành phố có thị trường chứng khoán lớn thứ 3 thế giới. Dòng chủ chuyển tài chính trên toàn cầu qua thị trường này đã giúp cho hàng trăm ngàn doanh nghiệp nhận được vốn mới để phát triển.
Một trong những niềm tự hào nhất mà lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán London chia sẻ với Đoàn công tác từ Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng dẫn đầu là ở đây đã có 500 tỷ Euro được huy động mới kể từ năm 1984 đến nay, góp sức cho sức tăng trưởng của doanh nghiệp, của nền kinh tế toàn cầu.
Sở Giao dịch chứng khoán London mới đây cũng đã kết nối sâu hơn với thị trường vốn châu Á thông qua việc hợp tác với Sở Giao dịch chứng khoán Thượng Hải.
Một số công ty Trung Quốc đã huy động được hàng tỷ Euro vốn mới tại thị trường Anh, nhưng cổ phiếu của doanh nghiệp vẫn được giao dịch tại nước sở tại.
Cây cầu đã bắc đến Trung Quốc và người Anh hy vọng, dòng mạch kết nối vốn sẽ sớm nối liền đến Việt Nam, dù với các doanh nghiệp Việt Nam, vẫn còn rất nhiều việc phải làm mới có thể hòa mình vào thị trường chứng khoán lớn thứ 3 toàn cầu này.
Nước Anh là một trong 5 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất toàn cầu với thu nhập bình quân trên 40.000 USD/người/năm, người Anh vốn được đánh giá không dễ gần khi họ coi trọng sự trung thực và những mối quan hệ dài hạn.
Điểm cộng cho Việt Nam, trong đánh giá của nhiều nhà đầu tư “xứ sở sương mù” là sức tăng trưởng cao và ổn định của nền kinh tế, cùng với vị thế chính trị Việt Nam đang ngày càng được cải thiện trên trường quốc tế.
Năm 2020, Việt Nam sẽ giữ vai trò Chủ tịch ASEAN và sẽ tham gia vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tạo nên vị thế mới, niềm tin mới vào Việt Nam.
Tuy nhiên, điểm khiến họ hạnh phúc và hứng thú thực sự là việc Việt Nam đang thúc đẩy tiếng Anh trở thành một ngôn ngữ phổ thông, phù hợp với câu chuyện hội nhập và bước chân ra toàn cầu.
Bộ trưởng Viện trợ phát triển Anh mới đây đã nói rằng, nếu 90% dân Việt Nam nói tiếng Anh thì Việt Nam trong tương lai sẽ có 90 triệu người nói tiếng Anh, tức là hơn dân số của Anh, Canada và NewZealand cộng lại. “Đó là một thị trường rất lớn mà chúng tôi không muốn bỏ qua”.
Cánh cửa bước sang thị trường London luôn mở. Lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán London thân thiện và nồng hậu đón đoàn công tác từ Việt Nam với lời nhắn rằng, các doanh nghiệp Việt Nam hãy mạnh dạn kể câu chuyện của mình về nhu cầu vốn và kế hoạch tăng trưởng.
Dù các doanh nghiệp chưa thực hiện báo cáo tài chính quốc tế, chưa công bố thông tin bằng tiếng Anh hay chưa từng phải tuân thủ chuẩn mực cũng như kỷ luật minh bạch theo tiêu chuẩn quốc tế..., nhưng đến để có thêm kinh nghiệm, rút dần khoảng cách và bắt kịp xu thế, điều đó, luôn được “Welcome”.
Năm 2019, ông đem đến cho đối tác và nhiều doanh nghiệp Việt Nam một câu chuyện mới: Hãy phát triển trong sự bảo tồn đa dạng sinh học.
Công ty ông cũng cam kết dành 5 tỷ đồng để Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và môi trường (ISPONRE) triển khai thực hiện nghiên cứu về lượng giá kinh tế đa dạng sinh học tại Việt Nam.
Ông không chỉ mong muốn doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến phát triển bền vững, mà còn mong thúc đẩy lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học vào quá trình xây dựng chính sách và lập quy hoạch phát triển.
Trong cuộc nói chuyện với các chủ thể tham dự Lễ trao giải Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết tiêu biểu 2019 mới đây, những người chưa từng biết ông, chắc chắn sẽ nghĩ ông là… nhà sinh vật học.
Câu chuyện của người dẫn dắt Dragon Capital, quỹ quản lý gần 4 tỷ USD vốn ngoại đầu tư vào Việt Nam được minh họa trên nền câu chuyện về thiên nhiên, về những loài động vật đang gặp khó khăn trong sinh tồn, để đặt ra một câu hỏi lớn cho các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam: Chọn tăng trưởng nhanh hay tăng trưởng bền vững?
Tất nhiên, tăng trưởng bền vững có cái giá của nó, đó là khi tăng trưởng phải được đặt trong sự hài hòa và không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Người đàn ông đến từ nước Anh này dường như đã trải nghiệm đủ và hiểu thấu giá trị của sự bền vững không chỉ gói gọn trong một vòng đời một doanh nghiệp, của con người, nên các thông điệp và hành động của Dragon Capital ngày càng hướng đến thiên nhiên, mà nếu chỉ nhìn ở bề mặt thì dễ thấy, những nỗ lực này dường như khác với giá trị cốt lõi.
Đó là huy động vốn và kết nối cơ hội đầu tư của công ty quản lý quỹ lớn nhất tại Việt Nam này.
Thiên nhiên là phần thưởng của đất trời, là vẻ đẹp của sự sống. Trở về với thiên nhiên là cách tốt nhất để con người được kết nối với cái gốc và cảm nhận sự màu nhiệm của tạo hóa.
Khi tâm hồn thư thái, con người dường như có nhiều năng lượng hơn để sáng tạo, để trải nghiệm và tiếp tục khám phá những không gian phát triển mới từ nội lực chính mình.
Phải chăng, người Anh hiểu được điều này nên dù Thủ đô London không rộng, nhưng lại có nhiều công viên rộng hàng chục, hàng trăm héc-ta, dành cho cây xanh, cho sự thư thái, tĩnh lặng?
Thả bước trên những con phố đẹp như cung điện ở Thủ đô London, ngắm nhìn công viên xanh mát trong thành phố, ước mong nền kinh tế, cũng như các doanh nghiệp nước mình sẽ ngày càng chọn con đường phát triển cân bằng, tăng trưởng kinh tế trong sự an lành của môi trường sống, giao hòa và bảo vệ thiên nhiên...