Ảnh: Lê Toàn

Ảnh: Lê Toàn

Khoảng lặng đất vàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tình trạng quy hoạch “treo”, dự án chậm triển khai kéo dài nhiều năm gây thiệt hại cho chủ đầu tư, người sử dụng đất, lãng phí tài nguyên đất… không phải mới, nhưng vẫn luôn là vấn đề thời sự.

“Án treo” quy hoạch

Thoát khỏi “án treo” là cách ví von của người dân “khu tứ giác” Nguyễn Cư Trinh (khu Mả Lạng, quận 1, TP.HCM) trước thông tin UBND Thành phố từ chối cho tiếp tục thực hiện dự án quy mô 6,8 ha tại đây, bởi hơn 20 năm dự án “nằm trên giấy” cũng là ngần ấy thời gian cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng, phải sinh hoạt trong những khu nhà nhếch nhác, thiếu tiện nghi mà không thể sửa chữa, xây dựng.

Từ năm 2000, TP.HCM có chủ trương giải tỏa khu Mả Lạng và giao Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn triển khai, nhưng dự án đình trệ kéo dài. Năm 2007, dự án được chuyển cho Tập đoàn Bitexco để thực hiện khu phức hợp khách sạn, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại. Song, phải đến đầu năm 2017, Thành phố mới có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát pháp lý, phối hợp với cơ quan chức năng quận 1 tiến hành thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng. Tổng số nhà phải giải tỏa là 1.424 căn, việc tổ chức di dời, tái định cư cho người dân sang nơi ở mới theo kế hoạch bắt đầu tháng 6/2018, nhưng đến nay vẫn chưa có gì thay đổi, có chăng là thi thoảng cán bộ phường, quận đến thống kê, đo đạc… rồi đi về.

Tại cuộc họp chuyên đề về các dự án chậm triển khai mới đây, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường giao các sở và UBND quận 1 khẩn trương thực hiện thu hồi, chấm dứt chủ trương đầu tư, đề xuất phương án đầu tư dự án khu Mả Lạng ngay trong quý II/2023 đảm bảo tính khả thi, đúng quy định pháp luật và phù hợp tình hình thực tế, đảm bảo tối đa quyền lợi của người dân.

Nếu khu vực trung tâm TP.HCM có khu Mả Lạng, thì ở phía Đông có dự án Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh) cũng bị “treo” hơn 31 năm nay kể từ năm 1992, khi Thành phố quy hoạch khu vực rộng hơn 570 ha này thành khu đô thị văn hóa, thể thao, nghỉ dưỡng.

Dù thế đất nằm ở vị trí đắc địa, nhưng khu Bình Qưới - Thanh Đa vẫn bị xem là “vùng nông thôn giữa lòng thành phố”. Từ bán đảo Bình Quới nhìn sang bên kia là khu vực Thảo Điền (TP. Thủ Đức), nhiều người dân nơi đây không khỏi chạnh lòng,

“Cùng là dân Thành phố, chỉ cách nhau một con sông Sài Gòn, nhưng là 2 số phận đối lập. Bên kia Thảo Điền là khu nhà liền kề, biệt thự lộng lẫy, nguy nga, người dân sống đầy đủ, sung túc, còn bên này thì thiếu thốn đủ đường, mọi quyền lợi về nhà, đất của người dân bị hạn chế khi không được chuyển đất nông nghiệp thành đất ở, không được xây nhà mới, không được chuyển nhượng, không được cấp sổ hồng...”, một người dân sinh sống tại Bình Quới ngao ngán nói.

Năm 2015, người dân khu vực này từng rất vui mừng khi UBND TP.HCM chỉ định liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty bất động sản đến từ Dubai, UAE) làm nhà đầu tư thực hiện dự án, thời gian thực hiện trong 50 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, không rõ lý do gì, đến giữa năm 2016, Emaar Properties PJSC bất ngờ rút lui và “siêu” dự án này tiếp tục “treo” từ đó tới nay.

Ở phía Nam Thành phố cũng có dự án chung cảnh ngộ, cụ thể là năm 1992, UBND TP.HCM công bố quy hoạch Khu đô thị Nam Thành phố do Công ty Phú Mỹ Hưng làm chủ đầu tư. Thế là đất đai, nhà cửa nơi đây “sốt xình xịch”, nhưng lợi đâu chưa thấy mà chỉ biết hàng ngàn hộ dân ở quận 8, huyện Bình Chánh… bị ảnh hưởng kéo dài.

Tương tự là hàng vạn người dân xung quanh dự án Khu đô thị Tây Bắc TP.HCM rộng hơn 6.000 ha cũng ngày đêm trông ngóng. Dự án được công bố vào năm 2000 và theo quy hoạch, nơi đây sẽ trở thành một trong những khu đô thị vệ tinh quan trọng của Thành phố với đầy đủ các dịch vụ, tiện ích như khu thương mại, tài chính, dịch vụ, y tế, giáo dục, khu nhà ở...

Dự án được kỳ vọng sẽ giúp người dân 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi đổi đời, thế nhưng sau 23 năm vẫn… nằm trên giấy và khiến hơn 56.000 hộ dân ở đây ngày càng nghèo đi khi đất đai bị bỏ hoang hóa, đi không được mà ở cũng chẳng xong!

Cuộc sống của người dân Thanh Đa cũng bị treo theo. Ảnh: Lê Toàn

Cuộc sống của người dân Thanh Đa cũng bị treo theo. Ảnh: Lê Toàn

Cần thực hiện nghiêm việc thu hồi

“Tối hậu thư” chấm dứt dự án Mả Lạng không phải là dự án “treo” đầu tiên TP.HCM quyết liệt thu hồi. Trước đó, dự án “khu tam giác” Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão (quận 1) được chấp thuận chỉ tiêu quy hoạch và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư từ năm 2007. Tuy nhiên, do vướng mắc pháp lý, đến năm 2020, Thành phố thu hồi và không còn kêu gọi đầu tư, đồng thời điều chỉnh quy hoạch để giữ lại quỹ đất phục vụ an sinh - xã hội, giải quyết nhu cầu sửa chữa, xây dựng của các hộ dân và doanh nghiệp tại đây, cũng như chỉnh trang đô thị.

Hay gần đây nhất là dự án Sài Gòn Silicon, lãnh đạo TP.HCM cho biết, sẽ hoàn tất thủ tục thu hồi giấy phép đầu tư trong năm 2023. Dự án được động thổ tháng 11/2015 trên diện tích 52 ha, tổng số vốn đầu tư khoảng 860 tỷ đồng do Công ty cổ phần Công viên Sài Gòn Silicon làm chủ đầu tư, mục đích nhằm thu hút các doanh nghiệp là người Việt Nam ở nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao.

Tuy nhiên, sau ngần ấy thời gian, chỉ có tòa nhà văn phòng được xây dựng hoàn chỉnh, 2 khối nhà được xây dựng một phần rồi toàn bộ dự án dừng lại và bỏ hoang từ đó đến nay, nhiều vật tư xây dựng nằm chất đống, cỏ dại mọc um tùm.

Trên đây chỉ là số ít dự án được thu hồi trong hàng trăm dự án “treo” hàng thập kỷ tại TP.HCM hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, việc thu hồi các dự án treo để tái sinh nguồn lực từ đất dù không dễ dàng nhưng không phải là bất khả thi, quan trọng là các sở, ngành có quyết liệt thực hiện hay không bởi cơ sở pháp lý cho việc thu hồi đều đã đầy đủ.

Pháp luật đất đai hiện hành quy định, một dự án khi được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư sẽ có thời hạn 12 tháng để triển khai hoặc lâu hơn là 24 tháng nếu được gia hạn, nếu quá thời hạn này sẽ bị thu hồi. Tuy nhiên, việc thu hồi không đơn giản, nhất là khi doanh nghiệp đã thực hiện đầu tư cơ bản trên khu đất đó.

Bà Ung Thị Xuân Hương, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cho biết, thực tế, nhiều dự án đã có quy hoạch nhưng chậm triển khai kéo dài, có khi lên đến vài chục năm, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người sử dụng đất. Nhà đất vướng quy hoạch dù trong trường hợp được phép chuyển nhượng thì cũng bị hạn chế về giá, không cho phép xây dựng, sửa chữa…, nên vừa thiệt hại cho chủ sở hữu, vừa lãng phí tài nguyên đất. Tình trạng này gây nhiều bức xúc, nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.

Vì vậy, bà Hương cho rằng, trong lần sửa đổi Luật Đất đai lần này, cần có quy định để tháo gỡ những bất cập trên. Chẳng hạn, cần có cơ chế cho trường hợp đã có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và thu hồi theo kế hoạch nhưng chưa thực hiện thì người dân vẫn được thực hiện các quyền của người sử dụng đất. Đồng thời, đề nghị làm rõ hơn quyền của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

“Luật cần quy định chế tài xử lý và thực hiện nghiêm chế tài này khi xuất hiện các dự án treo để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất và việc sử dụng đất hiệu quả, tránh lãng phí”, bà Hương nhấn mạnh.

Tin bài liên quan