Lợi nhuận sụt giảm
Thống kê cho thấy, tại TP.HCM có 7.055 căn hộ giao dịch thành công trong quý II/2018, giảm 15% so với quý liền trước và giảm 26% so với cùng kỳ năm 2017. Còn tại Hà Nội, có khoảng 6.545 căn được chào bán, giảm 2,5% so với quý liền trước và giảm 19% so với cùng kỳ.
Theo giới chuyên gia, nguyên nhân của sự sụt giảm trên xuất phát từ việc các chủ đầu tư đã tiến hành bàn giao căn hộ từ năm 2017 đến hết quý I/2018, trong khi các dự án mới triển khai cần thêm thời gian để hoàn tất các thủ tục pháp lý mới có thể chào bán và ít nhất 1-2 năm tới mới có thể bàn giao và ghi nhận doanh thu. Và thực tế này đã phản ánh vào kết quả kinh doanh quý II/2018 của nhiều doanh nghiệp.
Tại CTCP Đầu tư Văn Phú Invest (VPI), doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý II/2018 giảm 14,5 lần so với cùng kỳ năm trước, trong khi chi phí quản lý tăng 2,3 lần, chi phí khác tăng hơn 19 lần... nên lợi nhuận trước thuế chỉ vỏn vẹn 1,27 tỷ đồng, sụt giảm mạnh so với con số của cùng kỳ là 343,8 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, VPI đạt doanh thu thuần hơn 51 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 7 tỷ đồng, giảm tương ứng 10 lần và 46 lần so với cùng kỳ năm trước.
Theo VPI, lợi nhuận sụt giảm mạnh là do các dự án nhà ở thấp tầng V5, V6 và nhà ở cao tầng CT9 thuộc dự án Khu đô thị mới Văn Phú, Hà Đông đã bàn giao hết trong năm 2017 và quý I/2018 nên doanh thu được ghi nhận từ các kỳ trước.
Trong khi đó, các dự án đang triển khai lại chưa đủ điều kiện ký hợp đồng chuyển nhượng và ghi nhận doanh thu. Cùng với đó, một số công ty con, công ty liên kết có kết quả kinh doanh quý II thấp hơn so với cùng kỳ.
Với CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG), doanh thu và lợi nhuận hợp nhất quý II/2018 đều giảm sâu so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, doanh thu thuần giảm 71% xuống 86,5 tỷ đồng và lãi sau thuế giảm 98% về 4,5 tỷ đồng.
Theo QCG, kết quả kinh doanh giảm là do chưa kịp bàn giao căn hộ cho khách hàng khiến doanh thu bất động sản giảm 99%, còn 2,5 tỷ đồng.
Tại CTCP Phát triển nhà Thủ Đức (TDH), do tốc độ tăng doanh thu thuần chậm hơn tốc độ tăng của giá vốn và các chi phí nên lợi nhuận bị ảnh hưởng.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế quý II/2018 giảm 7% xuống 48,6 tỷ đồng, khiến lợi nhuận lũy kế 6 tháng giảm 22% về 81 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong cơ cấu doanh thu, mảng doanh thu kinh doanh bất động sản trong kỳ giảm 40% so với cùng kỳ do hầu hết các sản phẩm đã được tiêu thụ hết, trong khi các dự án mới đang trong giai đoạn đầu triển khai nên chưa kịp đưa vào kinh doanh.
Kỳ vọng vào hàng tồn kho
Tuy bị thiếu hụt nguồn thu trong quý II, nhưng theo nhiều dự báo, nguồn cung căn hộ sẽ gia tăng trong nửa cuối năm 2018, khi các chủ đầu tư đã hoàn tất thăm dò thị trường và có kế hoạch chào bán nhờ hoàn thành xong các thủ tục pháp lý, bên cạnh việc triển khai các dự án gối đầu.
Tại VPI, ở thời điểm cuối tháng 6, trong cơ cấu tài sản, hàng tồn kho và khoản phải thu chiếm 76% tổng tài sản (3.675 tỷ đồng). Trong đó, hàng tồn kho là 1.178 tỷ đồng với phần lớn là chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang tại các dự án như dự ánThảo Điền (705 tỷ đồng), dự án nhà ở thấp tầng V5, V6 (164 tỷ đồng)... và các dự án khác (300 tỷ đồng).
Với TDH, cuối quý II/2018, trong cơ cấu tổng tài sản 3.506 tỷ đồng, giá trị hàng tồn kho là 1.070 tỷ đồng, tăng 2,66 lần cùng kỳ, tập trung ở chi phí sản xuất kinh doanh dở dang hơn 1.046 tỷ đồng khi TDH đang triển khai nhiều dự án, trong đó chiếm tỷ trọng lớn là dự án của Công ty FDC (351,6 tỷ đồng), dự án chung cư của Công ty Bách Phú Thịnh (462,77 tỷ đồng)…
Đối với QCG, giá trị hàng tồn kho lên đến 7.123 tỷ đồng tính đến cuối quý II/2018, trong đó 94% là bất động sản dở dang, chiếm tỷ trọng lớn nhất là Khu dân cư Phước Kiển (4.786 tỷ đồng), dự án De Capella quận 2, TP.HCM (439 tỷ đồng), dự án Lavida Tân Phong (377,9 tỷ đồng), dự án Sông Đà - An Vui (351 tỷ đồng)…
Thống kê trên cho thấy, đây là lượng cung hàng tiềm năng trong tương lai. Khi các dự án được tung ra thị trường sẽ giúp các doanh nghiệp tăng doanh thu, lợi nhuận. Tuy nhiên, để có thể hiện thực hóa điều này, các chủ đầu tư phải chuẩn bị sẵn nguồn vốn để triển khai dự án.