Trích dẫn số liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), các nhà nghiên cứu tại IMF cho biết, có tới 93% cơ quan tiền tệ trên thế giới đang xem xét tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) và hơn 100 quốc gia đang xem xét việc phát hành bán lẻ các công cụ đó. Và đó có thể là một cơn gió thuận cho phong trào chống lại đồng đô la, ít nhất là ở một số nền kinh tế.
“CBDC có thể giúp chống đô la hóa hoặc chống lại tình trạng mà tiền điện tử mang lại những rủi ro đáng kể. Ở các nền kinh tế bị đô la hóa hoặc châu Âu hóa, việc giới thiệu CBDC có thể khuyến khích việc sử dụng đồng nội tệ nhiều hơn bằng cách biến nó thành một phương tiện thanh toán hấp dẫn hơn… Đặc biệt, với sự gia tăng của các dạng tiền kỹ thuật số khác có mệnh giá bằng ngoại tệ (chẳng hạn như stablecoin), CBDC có thể giúp ngăn chặn việc đồng nội tệ bị thay thế”, các nhà nghiên cứu của IMF cho biết.
Tuy nhiên, quyết định tiến hành thăm dò CBDC và ra mắt cuối cùng sẽ cần phải có thẩm quyền cụ thể, tùy thuộc vào mức độ số hóa của nền kinh tế, khung pháp lý và quy định cũng như năng lực nội bộ của các ngân hàng trung ương.
“Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đang xem xét kỹ lưỡng ý tưởng về một loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương cho nước Anh. Nếu chúng tôi giới thiệu một loại tiền, chúng tôi sẽ gọi nó là đồng bảng kỹ thuật số”, BoE cho biết trên trang web của mình.
Trung Quốc đã giới thiệu đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, trong khi Nga đang tiến hành kế hoạch thí điểm một phiên bản tương tự của đồng rúp. Các quốc gia này cũng đi đầu trong nỗ lực quốc tế nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ trong các dòng đầu tư và thương mại xuyên biên giới.
Nhóm các quốc gia thuộc khối BRICS cũng được cho là đang cân nhắc khả năng sử dụng một số hình thức tiền tệ chung.
Trong khi một số chuyên gia xem nỗ lực phi đô la hóa là mối đe dọa thực sự đối với sức mạnh toàn cầu của đồng bạc xanh, thì những người khác lại nhìn nhận phong trào này như một thành công nhất thời.