Tại buổi Toạ đàm trao đổi ý kiến chuyên gia về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) và Luật Đấu thầu (gọi tắt là dự thảo Luật, 1 luật sửa 4 luật về đầu tư) do Uỷ ban Kinh tế Quốc hội tổ chức chiều 4/10, nhiều chuyên gia đã góp ý cho nội dung "đấu thầu trước" vừa được đề xuất bổ sung vào Luật Đấu thầu.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, tại Khoản 11 Điều 4 dự thảo Luật (sửa đổi bổ sung Điều 42 của Luật Đấu thầu hiện hành) có bổ sung quy định về đấu thầu trước, Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam đồng tình vì trên thực tế có nhiều nội dung công việc liên quan đến giai đoạn trước khi phê duyệt dự án đầu tư nhưng cơ sở pháp luật để thực hiện chưa rõ ràng.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, nội dung này tại dự thảo còn rườm rà, cần làm rõ đấu thấu trước gồm 2 việc: với dự án vốn ngoài nước gồm đàm phán thoả thuận một số điều ước quốc tế và thoả thuận vay nước ngoài, với dự án vốn trong nước có một số công việc thực hiện trước giai đoạn đầu tư như khảo sát, điều tra xã hội học, rà phá bom mìn, đền bù giải phóng mặt bằng, đánh giá tác động…
"Cần sắp xếp lại, làm rõ hai trường hợp liên quan đến câu chuyện đàm phán thoả thuận vay vốn nước ngoài hoặc điều ước quốc tế về ODA và dự án vốn trong nước, những công việc nào có thể làm trước và tổ chức đấu thầu thì chia mạch lạc theo trình tự", ông Tuấn đề nghị.
Bên cạnh đó, khoản 5 Điều 42 dự thảo Luật quy định: trường hợp dự án không được phê duyệt hoặc thoả thuận vay vốn nước ngoài không được ký kết mà không thể bố trí nguồn vốn khác thì chủ đầu tư huỷ thầu mà không phải bồi hoàn chi phí liên quan đến việc tham dự của nhà thầu.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam |
Theo ông Tuấn, hai điểm này có thể đúng với trường hợp đàm phán điều ước quốc tế lúc đó mới xảy ra câu chuyện tổ chức lựa chọn nhà thầu, có thể huỷ thầu được.
Nhưng đối với dự án sử dụng nguồn vốn trong nước sẽ xảy ra câu chuyện: một là những công việc chuẩn bị trước phải ký hợp đồng thì nhà thầu mới làm; hai là trong trường hợp đấu thầu giai đoạn trước, nhà thầu vào làm rồi có kết quả và được nghiệm thu rồi nhưng đến giai đoạn phê duyệt dự án đầu tư mà dự án không được phê duyệt thì lấy nguồn nào thanh toán những hạng mục đã được nghiệm thu?
"Cần làm rõ hoặc chỉ rõ nguyên tắc xử lý trường hợp này, nếu chỉ ghi chung chung đến khi thực hiện sẽ vướng mắc", ông Tuấn lưu ý.
Cũng góp ý cho định về đấu thầu trước, ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích, đối với vấn đề đấu thầu trước, việc lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu với các gói thầu tổ chức đấu thầu trước đang được căn cứ trên cơ sở các hồ sơ của dự án chưa được phê duyệt.
Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng ban Pháp chế, VCCI |
Với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp phục vụ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, di dời công trình hạ tầng, kỹ thuật, rà phá bom mìn, vật nổ, quy hoạch tái định cư (như gói thầu xây lắp) có thể phát sinh tình huống trong quá trình thẩm tra phê duyệt dự án có điều chỉnh một số tiêu chí khác so với hồ sơ ban đầu dẫn đến hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu của chủ đầu tư và hồ sơ chào thầu của nhà thầu đã tổ chức đấu thầu trước không đáp ứng được theo các tiêu chí chính của dự án.
Do đó, nếu triển khai ký kết hợp đồng theo kết quả đấu thầu trước sẽ không đáp ứng yêu cầu của dự án được phê duyệt. "Vậy có phải tổ chức đấu thầu lại không và chi phí phát sinh cho việc đấu thầu lại sẽ được xác định như thế nào? Đề nghị ban soạn thảo quy định vấn đề này", ông Thạch nói.
Đại diện cho doanh nghiệp, chia sẻ tại buổi toạ đàm, bà Phạm Thị Thuý Hà, Trưởng ban Quản lý đấu thầu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)cho hay, về đấu thầu trước, từ khi thực hiện Quy hoạch Điện VI, Điện VII thì Chính phủ đã có cơ chế, chính sách rất đặc thù áp dụng cho các dự án công trình điện khẩn cấp, chủ yếu là tập trung đấu thầu trước.
Quy định này đã phát huy tác dụng rất tốt trong nhiều trường hợp dự án công trình điện khẩn cấp trong thời gian thực hiện Quy hoạch Điện IV và VII. Việc được phép triển khai thiết kế kỹ thuật trước đã tiết kiệm cho nhiều dự án khoảng 6 tháng trong thời gian thực hiện.
Theo bà Hà, cơ chế này trước đây đã đưa vào trong quyết định của Thủ tướng là Quyết định 2414. Tuy nhiên hiện nay sau khi hết hiệu lực của Quyết định 2414, Bộ Công thương đã tổng kết toàn bộ quá trình thực hiện này và báo cáo về tác dụng của toàn bộ cơ chế đặc thù trong quá trình triển khai.
Giai đoạn 2015-2021, Bộ Công thương đã liên tục có báo cáo đề xuất áp dụng chính sách đặc thù cho các dự án điện; tuy nhiên hiện cơ chế này chưa được thông qua.
"Cơ chế để triển khai tiếp hiện nay đã được Bộ Công thương đưa vào Luật Điện lực sửa đổi và đang trình Quốc hội. Trong quá trình triển khai luật chuyên ngành về đấu thầu, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã tiếp thu ý kiến của EVN và đã đưa vào dự thảo lần này", đại diện EVN thông tin.
Bà Phạm Thị Thuý Hà, Trưởng ban Quản lý đấu thầu, EVN |
Chia sẻ thêm về sự cần thiết phải luật hoá quy định về "đấu thầu trước", bà Hà cho biết, giai đoạn vừa rồi, đặc biệt là dự án đường dây 500kV mạch 3 vừa hoàn thành tháng 8/2024, EVN đã tiến hành đấu thầu trước đối với tất cả các gói thầu tư vấn.
Tuy nhiên, theo bà Hà, vì Luật chưa cho phép nên EVN vẫn cố gắng vận dụng, sau khi kiểm duyệt mà có thay đổi trong hợp đồng thì hồ sơ mời thầu đó sẽ được sửa đổi trong quá trình phát hành cho các nhà thầu triển khai.
Cụ thể, tất cả các gói thầu xây lắp và cung cấp vật tư thiết bị khi chưa được phê duyệt thiết kế kỹ thuật nhưng đã tiến hành trình lên Bộ Công thương để phê duyệt nhằm tiết kiệm thời gian trong đấu thầu.
"Trong toàn bộ quá trình đó, chúng tôi thực hiện khoảng 226 gói thầu cung cấp vật tư thiết bị và xây lắp của dự án 500kV mạch 3, mỗi gói thầu tiết kiệm được khoảng từ 22 đến gần 40 ngày", đại diện EVN cho hay và nhấn mạnh, trong hoàn cảnh dự án cực kỳ cấp bách, phải xây dựng trong 6 tháng, áp dụng đấu thầu trước đã đóng góp tiết kiệm thời gian cho 4 dự án của công trình mạch 3.
Chia sẻ thêm, Trưởng ban quản lý đấu thầu của EVN cho biết, sau thành công của dự án 500kV mạch 3, hiện EVN đang triển khai cách làm này đối với dự án cấp điện cho Côn Đảo.
Với tính chất là dự án trên biển, thời gian thực hiện thi công chỉ có mùa, cụ thể là khi biển không động, nên toàn bộ quá trình chuẩn bị đầu tư và đấu thầu phải làm sao triển khai sớm nhất có thể.
"Hiện nay Côn Đảo đã đồng loạt triển khai 9 gói thầu, đang trong quá trình xét thầu và cũng đã tiết kiệm được 30 đến 60 ngày, tuỳ gói thầu", bà Hà chia sẻ.
Theo bà, đây là những tín hiệu rất tốt, nếu chúng ta hợp lý được thành hành lang pháp lý cho các gói thầu trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư làm được trước để triển khai thì sẽ góp phần rút ngắn thời gian tiến độ các dự án đầu tư, đặc biệt là đầu tư công.
Đối với Luật Đấu thầu, EVN có hai góp ý. Thứ nhất, dự thảo Luật quy định những gói thầu cung cấp hàng hoá dịch vụ tư vấn mà sử dụng vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh thì tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và EVN chủ động trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên thiếu các gói thầu xây lắp, do đó EVN đề nghị bổ sung thêm hạng mục này để đảm bảo tính đồng bộ và phù hợp chung.
Thứ hai, về đấu thầu trước, trong các công việc mà hiện nay dự thảo luật cho phép, bà Hà kiến nghị bổ sung thêm hai công việc là báo cáo đánh giá tác động môi trường và lập hồ sơ mời thầu. Theo bà, hai việc này cũng có thể triển khai trước để tiết kiệm thời gian.